Thanh khoản kỷ lục gần 48 nghìn tỷ đồng, VN-Index giảm sâu hơn 20 điểm

Quốc Hải Thứ hai, ngày 18/03/2024 15:48 PM (GMT+7)
Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index giảm 20,22 điểm về 1.243,56 điểm; trong khi HNX-Index giảm 2,86 điểm; còn UPCoM-Index về 90,32 điểm. Đáng chú ý, thanh khoản phiên hôm nay đạt kỷ lục tới hơn 47,919 tỷ đồng.
Bình luận 0

Trong phiên sáng, VN-Index có thời điểm giảm hơn 41 điểm

Trong phiên giao dịch sáng đầu tuần, thị trường chứng khoán tiếp tục duy trì trạng thái giảm điểm do áp lực bán tăng quá mạnh. Đặc biệt, gần về cuối phiên sáng, lực bán gia tăng đẩy thị trường chứng khoán giảm sâu ngay sát giờ nghỉ trưa.

Lúc 11h20, VN-Index giảm 38 điểm về mốc 1.225. Toàn thị trường có gần 800 mã giảm so với gần 130 mã tăng. Thời điểm 11h25, VN-Index giảm hơn 41 điểm, về 1.222 điểm, sau đó phục hồi nhẹ.

Tạm đóng cửa phiên sáng nay, VN-Index giảm 35,91 điểm (-2,84%) về 1.227,87 điểm; Trong khi HNX-Index giảm 5,66 điểm (-2,36%) về 233,87 điểm; còn UPCoM-Indexgiảm -1,8 điểm (-1,97%) về 89,55 điểm.

Giá trị giao dịch trên toàn thị trường đạt hơn 30,14 nghìn tỷ đồng.

Thanh khoản kỷ lục gần 48 nghìn tỷ đồng, VN-Index giảm sâu hơn 20 điểm- Ảnh 1.

Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index giảm 20,22 điểm (-1,6%) về 1.243,56 điểm.

Trong phiên sáng nay, nhóm cổ phiếu bất động sản bất ngờ hút tiền khi ghi nhận mức thanh khoản kỷ lục và là nhóm tích cực nhất thị trường. Cụ thể, các cổ phiếu DIG, HQC, DXG, TCH,... đồng loạt tăng điểm với thanh khoản giao động từ 25 triệu - 55 triệu đơn vị.

Có thể thấy, đà tăng "ngược gió" của nhóm bất động sản nếu xét ở góc độ ngành là khá tích cực, bởi lẽ chỉ trong tháng 3 này, Chính Phủ đã tổ chức tới 3 cuộc họp để tiếp tục tháo gỡ triệt để các vấn đề còn vướng mắc. Điều này thể hiện sự quyết tâm rất cao của Chính phủ muốn kéo thị trường bất động sản sôi động trở lại.

Các công ty chứng khoán và chuyên gia bất động sản cũng đưa ra nhận định, "đáy" của thị trường nhà đất đã được xác định vào quý II - III/2023, song sẽ cần thời gian thẩm thấu các chính sách mới dần vào. Do đó, về nửa cuối năm 2024, thị trường bất động sản sẽ có nhiều tín hiệu tốt hơn.

Trở lại phiên giao dịch hôm nay, ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm này cũng không thoát được xu hướng giảm mạnh. Tuy vậy bất ngờ là mã EIB khi vẫn tăng nhẹ trong bối cảnh ngân hàng Eximbank đang bị nhắc tới liên tục liên quan vụ nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng vào 11 năm trước, nay dư nợ lên đến 8,8 tỷ đồng.

Chốt phiên giao dịch hôm nay, mã cổ phiếu EIB đạt mức giá 18.400 đồng/CP (tăng 3,08%) với khối lượng khớp lệnh hơn 30,58 triệu đơn vị.

Chiều ngược lại, đa số các mã ngân hàng đều chìm trong sắc đỏ, trong nhóm 10 mã cổ phiếu tác động tiêu cực đến VN-Index phiên hôm nay, có tới 5 mã là nhóm ngân hàng, gồm: CTG, VCB, TCB, VPB và MBB.

Vingroup thoái vốn Vincom Retail, VN-Index phục hồi nhờ nhóm bất động sản

Bước sang phiên chiều nay, chỉ số VN-Index dần thu hẹp đà giảm với sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu bất động sản. Theo đó, hàng loạt mã như DIG, TCH, VRE... đồng loạt tăng trần.

Gây chú ý nhất là mã VRE. Đầu giờ chiều nay, Công ty CP Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) đã công bố Nghị quyết HĐQT về việc bán phần vốn góp lên tới 100% vốn điều lệ trong Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển thương mại SDI. Đây là đơn vị nắm giữ trên 99% vốn điều lệ của Công ty CP Kinh doanh Thương mại Sado - cổ đông lớn nhất của Công ty CP Vincom Retail (HoSE: VRE).

Giao dịch dự kiến thực hiện từ tháng 3/2024 đến quý III/2024. Văn bản của Vingroup nêu rõ, sau khi giao dịch được hoàn tất, SDI, Sado và Vincom Retail sẽ không còn là công ty con của Tập đoàn này.

Thanh khoản kỷ lục gần 48 nghìn tỷ đồng, VN-Index giảm sâu hơn 20 điểm- Ảnh 3.

Văn bản của Vingroup nêu rõ, sau khi giao dịch được hoàn tất, SDI, Sado và Vincom Retail sẽ không còn là công ty con của Tập đoàn này.

Dù vậy, trên thực tế, với việc trực tiếp sở hữu 18,37% vốn điều lệ, tương ứng 18,82% quyền biểu quyết tại Vincom Retail, Vingroup vẫn là cổ đông lớn của đơn vị phát triển bất động sản bán lẻ này.

Phản ứng trước thông tin này, chốt phiên hôm nay mã VRE tăng kịch trần lên 27.550 đồng/CP (6,99%) với khối lượng khớp hơn 34,58 triệu đơn vị, vẫn còn 3,56 triệu đơn vị dư mua ở mức giá trần.

Tương tự, cổ phiếu DIG cũng tăng trần lên mức 30.450 đồng/CP với khối lượng kỷ lục trên 78,93 triệu đơn vị và cổ phiếu TCH cũng tăng kịch trần lên 14.200 đồng/CP với khối lượng hơn 45,5 triệu đơn vị, dư mua hơn 1 triệu đơn vị ở mức giá trần.

Nhóm cổ phiếu ngành sản xuất nhựa - hóa chất vẫn đang chịu áp lực bán mạnh với các ông lớn như GVR giảm tới 5,92%, DGC giảm kịch sàn cho đến hết phiên hôm nay.

Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index giảm 20,22 điểm (-1,6%) về 1.243,56 điểm; trong khi HNX-Index giảm 2,86 điểm (-1,19%) về 236,68 điểm; còn UPCoM-Index giảm 1,03 điểm (-1,13%) về 90,32 điểm.

Đáng chú ý, thanh khoản phiên hôm nay đạt kỷ lục tới hơn 47,919 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem