Thành lập Quỹ Hỗ trợ ngư dân: Đã chín muồi

Chủ nhật, ngày 25/07/2010 08:28 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau khi Quảng Ngãi có đề xuất thành lập Quỹ Hỗ trợ ngư dân, rất đông các tổ chức, cá nhân đã lên tiếng ủng hộ. Có thể nói, đây là thời điểm chín muồi để thành lập quỹ.
Bình luận 0
img
Thoát chết trở về, ngư dân Quảng Ngãi thẫn thờ vì tàu chìm, nợ nần chồng chất (trong ảnh: Đại tá Ngô Sỹ Quyết - Chỉ huy trưởng Hải quân Vùng C động viên các nạn nhân trở về sau cơn bão số 1).

Nhiều cá nhân ủng hộ tài chính

Ngày 22-9, ông Phan Huy Hoàng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh (đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ thành lập Quỹ Hỗ trợ ngư dân)- cho biết ông liên tục nhận được sự ủng hộ từ dư luận cho việc thành lập quỹ.

Ông Hoàng nói, sau khi NTNN đăng tải thông tin về ý tưởng thành lập quỹ, sở đã nhận được hàng chục cuộc điện thoại tán thành của nhiều đơn vị, cá nhân từ khắp nơi trong cả nước. Không ít người còn bày tỏ sẽ đóng góp tiền cho quỹ. 4 ngày trước, một cựu nữ giáo sư Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.Hồ Chí Minh gọi điện thoại xin trích một khoản lương hưu đóng góp cho quỹ đồng thời vận động bạn bè, người thân cùng tham gia đóng góp.

img Chúng tôi dù là ông chủ tàu trị giá tỷ bạc nhưng chẳng giàu có gì. Vì chiếc tàu đó là do vay mượn, thế chấp, hoặc hùn vốn nhiều người. Tài sản lại theo mình ra biển, rủi ro là coi như trắng tay, lâm nợ. Vì thế việc có quỹ để cứu đỡ lúc rủi ro là cần thiết lắm, chúng tôi sẵn sàng đóng góp. img

Ông Phạm Văn Mãn - Thuyền trưởng kiêm chủ tàu đánh bắt xa bờ ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi)

Cũng theo ông Hoàng, sau khi nhận nhiệm vụ mà UBND tỉnh giao vào giữa tháng 6-2010, Hội Nghề cá của tỉnh đã khẩn trương xúc tiến các thủ tục pháp lý cho việc thành lập quỹ. Đến nay mọi thủ tục đã xong. "Quỹ Hỗ trợ ngư dân có thể ra mắt ngay lập tức nếu như không gặp trở ngại về nguồn tài chính bắt buộc là 500 triệu đồng" - ông Hoàng cho biết.

Theo ông, hiện chưa có đủ số tiền theo quy định này. Ông mong chờ sự quan tâm thêm nhiều nữa của các tổ chức, cá nhân hảo tâm. Ông Trương Ngọc Nhi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay lãnh đạo tỉnh cũng đang rất nóng lòng chờ đợi Hội Nghề cá hoàn thiện thủ tục và tài chính theo quy định để phê duyệt cho quỹ ra đời.

Xin nhắc lại, sở dĩ Quảng Ngãi sốt sắng trong việc thành lập Quỹ Hỗ trợ ngư dân vì đây là địa phương ngư dân chịu nhiều thiệt thòi nhất và cần nhiều những hỗ trợ nhất trong cả nước. Từ năm 2005 đến nay (chưa tính cơn bão số 1 vừa qua), thiên tai và tàu lạ đã làm 195 tàu thuyền bị chìm, 126 tàu bị hư hỏng, làm chết 111 người, bị thương 36 người. Cũng thời gian trên, tỉnh này có 115 tàu và 1.302 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ trái phép.

Ngư dân mong đợi từng ngày

Tại Đà Nẵng, ngư dân Phan Thanh Bình (47 tuổi, ở Thọ Quang, Đà Nẵng) sốt sắng: Chúng tôi hồi hộp chờ đợi tỉnh Quảng Ngãi ra mắt quỹ đầu tiên để Đà Nẵng có thể học hỏi theo. Theo tôi, ngư trường mỗi ngày một hạn hẹp, không đánh bắt xa bờ thì khó lòng tồn tại, nhưng đi xa lại gặp nhiều rủi ro. Chuyện thành lập quỹ là chuyện trước sau phải làm. Mỗi tàu đóng góp 1-2 triệu đồng, tôi sẵn sàng và tôi nghĩ là nhiều chủ tàu khác cũng vậy.

Trước khi nói chuyện góp quỹ, ông Đỗ Văn Biên (chủ tàu ĐNa 0467, phường Thanh Khê Đông) kể lại câu chuyện cũ: “Tháng 4-2008, tàu tôi có 19 người đang đi câu mực tại Đá Bắc (Hoàng Sa) thì bão Neoguri đánh chìm. Nhờ có tàu bạn cứu nên không ai hề gì nhưng tài sản tàu bè mất hết. 2 năm rồi tôi mới vay mượn đủ tiền để mua chiếc tàu mới đi làm nghề lại. Nếu như có quỹ đó thì chắc là tôi và các ngư dân không đến nỗi thất nghiệp lâu như rứa. Nếu Đà Nẵng kêu gọi làm quỹ, tôi góp ngay. Quỹ là cái phao cứu sinh cho nghề biển tụi tôi, không thể quay lưng được!”.

Ông Hồ Phó - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng không phủ nhận ích lợi thiết thực của quỹ đối với sự phát triển của nghề khai thác xa bờ. Theo ông, dự án nào hỗ trợ ngư dân trong thời buổi khó khăn này đều rất đáng hoan nghênh. Chính quyền Đà Nẵng rất tâm đắc với ý tưởng thành lập quỹ, nhưng vẫn còn băn khoăn ở nguồn tài chính cho quỹ và quy chế hoạt động sao cho thiết thực của quỹ. Theo ông, Đà Nẵng đã có 1.800 tàu (50% là tàu xa bờ), với tổng công suất 74.000 CV. Việc đánh bắt của ngư dân ngày càng khó khăn, có người phải bán tàu để trả nợ.

“Nếu lập quỹ, thì cần phải xã hội hóa việc huy động tài chính. Chúng ta đang có Quỹ Nhân đạo nghề cá, chúng tôi thiết nghĩ, nên mở rộng mô hình này ra xuống tận cơ sở và Quỹ Hỗ trợ ngư dân sẽ nằm trong hệ thống này và chỉ việc huy động nguồn vốn thêm thôi” - ông Phó đề xuất.

Ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam:

Quỹ Hỗ trợ ngư dân là của nhà nước, Hội Nghề cá cũng rất muốn xắn tay vào làm nhưng không được, chúng tôi được giao trách nhiệm tham gia vận động quỹ và góp ý để Quỹ Hỗ trợ ngư dân hình thành và phát triển bền vững thực hiện đúng mục đích.

Để quỹ này có thể lớn mạnh được, chúng tôi đề nghị tất cả những người tham gia trong ngành thuỷ sản, đặc biệt trong khu vực liên quan đến đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thuỷ sản nên có đóng góp cho quỹ dù ít hay nhiều để giúp đỡ cho những rủi ro trên biển. Bởi vì tất cả đều được hưởng lợi từ sản phẩm của ngư dân. Hiện nay chúng tôi cũng chưa biết Chính phủ đã làm được công đoạn gì, dù dư luận rất ủng hộ Quỹ Hỗ trợ ngư dân ra đời nhưng còn dính dáng đến Luật Tài chính, những phần việc thuộc về Bộ Tài chính là khó khăn nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem