Anh Phùng Văn Sơn đang chăm sóc đàn bò sữa của gia đình.
Tiếp chúng tôi tại trang trại, anh Sơn vừa trực tiếp làm các việc chăm sóc đàn bò sữa, vừa kể: “Sau khi tốt nghiệp Trung cấp Thú y, tôi tìm được công việc với mức lương khá ở thành phố. Nhưng năm 2009, tôi quyết định về quê vay vốn ngân hàng để làm kinh tế trang trại theo mô hình VAC. Trong suốt 8 năm làm trang trại là từng ấy thời gian tôi vất vả, nhưng cũng “thỏa mãn” nhất bởi mình được theo đam mê của mình”.
“Lợi ích của trang trại VAC đã tạo nên vòng tròn khép kín. Vườn trồng cỏ cho bò sữa, phân chuồng để bón cây, ao cá để tưới nước, rửa chuồng nên đã tiết kiệm được chi phí đầu tư cũng như cung cấp nguồn thức ăn ổn định cải thiện cho gia đình ”. Anh Phùng Văn Sơn.
Từ kiến thức học được ở nhà trường, cùng với kinh nghiệm trải qua thực tế sau vài năm làm việc tại công ty thú y, anh Sơn đã xây dựng mô hình VAC cho gia đình mình theo quy trình công nghiệp, nhưng tận dụng tối đa các nguồn thức ăn sẵn có. “Trên diện tích đất hơn 1 mẫu, tôi thiết kế, phân chia xây dựng thành các khu chăn nuôi lợn, bò sữa, gà vịt, trồng bưởi, trồng cỏ, đào ao thả nuôi cá. Lợi ích của trang trại VAC đã thấy rõ. Này nhé, vườn trồng cỏ cho bò sữa, phân chuồng để bón cây, ao cá để tưới nước, rửa chuồng nên đã tiết kiệm được chi phí đầu tư và cung cấp nguồn thức ăn ổn định cải thiện cho gia đình ”, anh Sơn thổ lộ.
“Phát triển dịch vụ câu cá ở hồ câu là công việc nhàn hạ, không ảnh hưởng đến các công việc chăn nuôi khác. Mỗi ngày ít nhất cũng có 10 người tới câu cá, cho thu nhập 1,5 triệu đồng/ngày từ dịch vụ này”. Anh Phùng Văn Sơn.
Theo anh Sơn, nhờ làm trang trại liên hoàn, khép kín nên hạn chế tối đa dịch bệnh. “Tôi thường bổ sung thêm khô dầu, đậu tương trộn cùng ngô trong khẩu phần ăn của bò sữa để nâng độ đạm của sữa. Nuôi lợn thì khâu chọn con giống tốt sẽ quyết định sản phẩm tốt”, anh Sơn chia sẻ.
Sau gần chục năm làm trang trại, đến nay gia đình anh luôn duy trì 10 con bò sữa, cho sản lượng trung bình 1 tạ sữa/ngày. Ao cá được anh thả các loại cá trôi, cá chép, mỗi năm xuất bán 1 lứa. Bên cạnh đó, gia đình anh còn nuôi 6 con lợn nái, 100 con lợn thịt/năm; đàn lợn được đảm bảo quy trình khép kín từ sản xuất giống đến bán thương phẩm. Từ làm trang trại, gia đình anh thu về 200-300 triệu đồng/năm.
Nhờ có cảnh quan đẹp nên hồ câu của anh Sơn là chọn lựa ưa thích của các cần thủ.
Ngoài mát tay chăn nuôi, anh Sơn còn rất nhanh nhạy trong việc tiếp cận thị trường. Anh Sơn cho biết: “Lợi thế của trang trại nằm bên cạnh hồ Đập Muồng (hồ điều tiết chứa nước cho bà con trong thôn hoạt động sản xuất nông nghiệp rộng 5 mẫu), cảnh quan đẹp. Nếu để không sẽ lãng phí nên tôi vay thêm tiền thầu của xã để phát triển dịch vụ câu cá, có thêm thu nhập mỗi ngày”.
Để có thêm cá phục vụ người câu, anh Sơn phải mua thêm cá, vừa để thả ao trong vườn nhà và vừa để thả ở hồ câu. Ngoài ra, anh còn đầu tư kinh doanh dịch vụ thức ăn gia súc, thuốc phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, qua đó đảm bảo nguồn cung cấp thức ăn cho đàn lợn vật nuôi của gia đình và của bà con trong xã.
Đức Thịnh (Trang Trại Việt)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.