Ngày 7.12, ông Đoàn Quốc Khởi - quyền giám đốc Sở Tài chính tỉnh Cà Mau - cho biết: Đến thời điểm này không có gì phải giải thích xoay quanh bản báo cáo gây hiểu nhầm của UBND TP.Cà Mau. Vì thực tế TP.Cà Mau không nợ hàng trăm tỷ đồng như một số cơ quan truyền thông phản ánh.
Theo ông Khởi, sở đã đề xuất với UBND tỉnh Cà Mau cho thành phố ứng hơn 35 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố cho biết, hiện các khoản thu của đơn vị vẫn còn, nên chỉ cần ứng ngân sách tỉnh 15 tỷ đồng, và sở đã có tờ trình theo hướng đề xuất của UBND TP.Cà Mau.
“Các bạn đã ngộ nhận nợ khối lượng cho đầu tư xây dựng cơ bản thành nợ đọng, nên gây ra hiểu nhầm nói trên. Chuyện ngân sách cấp dưới xin ứng ngân sách cấp trên là chuyện hoạt động bình thường” - ông Khởi khẳng định.
Cũng theo ông Khởi, năm 2015, TP.Cà Mau không mất cân đối, ngược lại còn thu vượt dự toán. Tuy nhiên do các nguồn thu thường rơi vào những ngày cuối tháng, trong khi nhu cầu sử dụng kinh phí lại ở đầu tháng…, do đó muốn đánh giá “bức tranh” ngân sách của TP.Cà Mau thì cần phải đợi đến ngày cuối năm, tức là hết ngày 31.12.2015.
Theo ông Đoàn Quốc Khởi - quyền giám đốc Sở Tài chính tỉnh Cà Mau - TP.Cà Mau không mất cân đối, ngược lại còn thu vượt dự toán (ảnh minh họa).
Cùng ngày, ông Huỳnh Thanh Dũng - Phó chủ tịch UBND TP.Cà Mau - cho biết, trong tháng 12.2015, thành phố cần nguồn kinh phí 30 tỷ đồng (tất cả các khoản chi - PV), trong khi nguồn thu của thành phố (tính đến cuối tháng 12) vẫn đảm bảo số tiền này. Tuy nhiên, nếu đợi thu đủ nguồn thì các hoạt động của thành phố sẽ chậm tiến độ, nên xin ứng trước của tỉnh 15 tỷ đồng, và sẽ hoàn trả lại cho ngân sách tỉnh vào cuối tháng 12 này.
“Khối lượng xây dựng cơ bản phát sinh chưa thanh toán đến thời điểm này (hơn 60 tỷ) sẽ được thành phố thanh toán cho các nhà thầu trước Tết Nguyên đán năm 2015” - ông Dũng khẳng định.
Giải thích về chuyện hiểu nhầm “đáng tiếc” khiến ngân sách TP.Cà Mau mang nợ hơn 300 tỷ đồng, ông Dũng cho biết, vấn đề này xuất phát từ bản báo cáo tình hình nợ của ngân sách TP.Cà Mau, được phát hành ngày 30.11.2015.
“Báo cáo này do không lý giải rõ tình trạng nợ của các năm trước đã được xử lý xong, nên khi người khác đọc gây hiểu nhầm. Con số hơn 300 tỷ mà một số báo nêu là do họ cộng dồn từ số tiền liên quan cầu qua sông Tắc Thủ, tiền nợ đọng xây dựng cơ bản qua các năm 2012, 2013, 2014, 2015… Việc công dồn như vậy là không đúng” - ông Dũng nói.
Ông Dũng dẫn chứng như vấn đề nợ xây dựng cơ bản từ 2012 đến nay. Những con số trên báo cáo là đúng với thực tế nợ xây dựng cơ bản của từng năm, nhưng không phải là nợ còn nguyên, mà đã được xử lý xong ở các năm đó. Ví dụ, năm 2012 nợ 55,3 tỷ đồng, năm 2013 nợ 40,9 tỷ đồng tức là nợ đã giảm từ 55,3 xuống 40,9 tỷ đồng. Bởi nợ năm trước sẽ được cộng chuyển sang năm sau và cuối năm chốt lại. Như vậy, nếu so với năm 2014 thì năm nay - 2015, thành phố đã giảm nợ xây dựng cơ bản đến 35 tỷ đồng. Năm 2014 nợ đến 95,4 tỷ đồng, năm 2015 còn 60,9 tỷ đồng…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.