Thanh toán không dùng tiền mặt ở HongKong có gì đặc biệt so với thế giới?

Huỳnh Dũng Thứ ba, ngày 30/11/2021 07:54 AM (GMT+7)
Hồng Kông đang hướng tới một xã hội gần như không dùng tiền mặt, sử dụng thẻ tín dụng, ví kỹ thuật số được dự đoán sẽ chiếm vị trí hàng đầu vào năm 2024.
Bình luận 0

Hồng Kông đang hướng tới một xã hội gần như không dùng tiền mặt, bởi theo Worldpay Merchant Solutions - một công ty xử lý thanh toán kỹ thuật số, họ dự báo rằng tiền giấy và tiền xu tại Hồng Kông sẽ chiếm không quá 1,6% các giao dịch tại điểm bán hàng (POS) vào năm 2024, mức thấp nhất ở Khu vực châu Á- Thái Bình Dương và giảm từ 9% vào năm 2019.

Sự biến mất dần của tiền mặt một phần là do thị trường thương mại điện tử đang phát triển của Hồng Kông, dự kiến sẽ tăng lên 29 tỷ USD vào năm 2024 từ 21 tỷ USD vào năm 2019. Thị trường giao dịch tại điểm bán hàng POS tổng thể ở Hồng Kông được dự báo sẽ tăng trưởng gần 27% so với năm 2019, đạt 236 tỷ USD vào năm 2024.

Trong khi phương thức thanh toán trực tuyến phổ biến nhất vào năm 2019 tại Hồng Kông là sử dụng thẻ tín dụng, ví kỹ thuật số được dự đoán sẽ chiếm vị trí hàng đầu vào năm 2024. "Chúng tôi đang tiếp cận một biên giới mới của thương mại kỹ thuật số, và sẽ tăng tốc thanh toán không dùng tiền mặt", Phil Pomford, Tổng giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn thanh toán Worldpay Merchant Solutions cho biết trong một tuyên bố.

Hồng Kông: "Tiền mặt không còn là vua khi thanh toán kỹ thuật số bùng nổ". Ảnh: @AFP.

Hồng Kông: "Tiền mặt không còn là vua khi thanh toán kỹ thuật số bùng nổ". Ảnh: @AFP.

Thanh toán kỹ thuật số đang phổ biến hơn bao giờ hết ở Hồng Kông, được thúc đẩy bởi ngân sách 36 tỷ đô la Hồng Kông (HKD) trong chương trình "phiếu tiêu dùng điện tử" gần đây được chính phủ phát hành cho người dân Hồng Kông trong năm nay để kích thích nền kinh tế. Thành phố này là một trong những nơi tiên phong của hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt với sự ra mắt của thẻ giá trị lưu trữ Octopus vào năm 1997. Ban đầu được sử dụng cho phương tiện giao thông công cộng, thẻ điện tử Octopus hiện có thể được sử dụng ở một loạt các cửa hàng bán lẻ và là một trong bốn nền tảng được sử dụng cho tiêu dùng điện tử.

Sáng kiến phiếu tiêu dùng điện tử được thiết kế để thúc đẩy chi tiêu địa phương và đẩy nhanh sự phục hồi kinh tế của thành phố trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Các nhà bán lẻ đã báo cáo doanh số bán hàng tăng trưởng hơn 20% khi phiếu tiêu dùng điện tử đầu tiên được phát hành vào ngày 1 tháng 8 vừa qua, với người tiêu dùng mua sắm mọi thứ từ đồng hồ Rolex, thiết bị điện đến thức ăn nhanh.

King Au, Giám đốc Điều hành của Hội đồng Phát triển Dịch vụ Tài chính (FSDC) đã lưu ý rằng, tiền kỹ thuật số và các đổi mới khác trong công nghệ tài chính đã và đang tiếp tục thay đổi các mô hình kinh doanh hiện nay. Việc thành phố hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt được thúc đẩy bởi cả khu vực tư nhân và chính phủ, với một đặc điểm kỹ thuật mã QR chung được phát triển cho các khoản thanh toán bán lẻ ở Hồng Kông.

Hội đồng Phát triển Dịch vụ Tài chính (FSDC) đã theo sát sự gia tăng của thanh toán kỹ thuật số tại Hồng Kông rất chặt chẽ. Hội đồng này nhận định, có một sự phát triển quan trọng đó là sự ra đời của Hệ thống thanh toán nhanh hơn (FPS) giúp thanh toán đơn giản và nhanh chóng hơn. Hệ thống do Hong Kong Interbank Clearing Limited vận hành, cho phép chuyển tiền ngay lập tức và thanh toán hóa đơn qua điện thoại di động, bất kể ngân hàng hoặc ví điện tử nào đang được sử dụng.

Chris Barford, Giám đốc Nhóm Tư vấn Dịch vụ Tài chính tại công ty thanh toán điện tử EY dự báo rằng: "Hồng Kông đã sẵn sàng cho cuộc cách mạng dịch vụ tài chính" với việc cấp giấy phép ngân hàng ảo; Tôi hy vọng rằng Hồng Kông sẽ nắm giữ các mô hình chủ yếu không dùng tiền mặt, sẽ dần loại bỏ mô hình truyền thống dựa vào tiền mặt".

Theo KPMG, một công ty kế toán khác thì bối cảnh ngân hàng kỹ thuật số của Hồng Kông có thể đi theo con đường tương tự với các khu vực pháp lý khác như Vương quốc Anh, nơi các ngân hàng ảo đã và đang xây dựng cơ sở khách hàng của họ theo thời gian. Hơn nữa, các sáng kiến của Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông nhằm mở ra kỷ nguyên mới của "ngân hàng thông minh", cùng với cơ hội nâng cao trải nghiệm của khách hàng trong lĩnh vực này, đang tạo ra một môi trường cho ngân hàng kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ ở Hồng Kông.

Đáng chú ý nhất, đại dịch Covid-19 toàn cầu đã góp phần vào sự bùng nổ thương mại điện tử ở một số khu vực pháp lý với chi phí bán lẻ thực tế, đây có thể là một xu hướng không thể đảo ngược. Hồng Kông cũng không phải là ngoại lệ, như FSDC đã lưu ý.

Thanh toán kỹ thuật số đang phổ biến hơn bao giờ hết ở Hồng Kông. Ảnh: @AFP.

Thanh toán kỹ thuật số đang phổ biến hơn bao giờ hết ở Hồng Kông. Ảnh: @AFP.

"Phương thức thanh toán, trong số những phương thức khác là một trong những thay đổi quan trọng mà chúng tôi đã quan sát được trong thời gian bùng phát đại dịch", Hội đồng Phát triển Dịch vụ Tài chính (FSDC) cho biết trong một tuyên bố. "Khi người dân và doanh nghiệp ở Hồng Kông nỗ lực giảm bớt các giao dịch tiền mặt, các kênh thanh toán điện tử cũng ngày càng trở nên phổ biến. Được phát triển ở Hồng Kông, Hệ thống thanh toán nhanh hơn (FPS) đã trở thành một phương tiện giao dịch quan trọng trong cuộc sống của chúng tôi, với nhiều thương nhân chấp nhận nó như một phương tiện thanh toán chủ chốt"

Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn nhất đối với hệ sinh thái thanh toán hoàn toàn không dùng tiền mặt là những lo ngại về quyền riêng tư. Bởi Đơn vị phát hành và kiểm soát tiền tệ không chỉ có thể theo dõi việc sử dụng mà còn có khả năng ngắt kết nối ví kỹ thuật số nếu nghi ngờ hoặc phát hiện vi phạm. Điều này chắc chắn sẽ vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ từ những người gửi tiết kiệm, và ở một mức độ nào đó, điều này cũng có thể giải thích tại sao Hồng Kông cho đến nay vẫn miễn cưỡng chuyển sang hoàn toàn không dùng tiền mặt.

Maaike Steinebach, Tổng Giám đốc một tập đoàn tài chính Hồng Kông và Ma Cao cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều lợi ích hơn: "Chúng tôi tin rằng bằng cách áp dụng nhiều thanh toán kỹ thuật số hơn, người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ Hồng Kông sẽ được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế lớn hơn, nhiều việc làm hơn, lương cao hơn, tăng năng suất lao động và thậm chí giảm tội phạm trộm cướp".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem