Thanh toán qua điện thoại: 4 rủi ro cần kiểm soát?

Quốc Hải Thứ tư, ngày 23/01/2019 18:30 PM (GMT+7)
Sử dụng tài khoản viễn thông thanh toán hàng hóa nhỏ lẻ vừa được Thủ tướng đồng ý thí điểm. Bên cạnh những ưu điểm của phương án thanh toán này, các chuyên gia kinh tế, công nghệ thông tin cũng khẳng định “phải kiểm soát tốt nguồn tiền” để tránh những rủi ro có thể phát sinh.
Bình luận 0

img

Thanh toán qua điện thoại sẽ giúp người dân nông thôn thụ hưởng các dịch vụ tiện ích (Ảnh: IT)

Theo các chuyên gia kinh tế, thanh toán qua tài khoản viễn thông được Chính phủ cho phép thí điểm là tín hiệu tốt để đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, đằng sau đó vẫn còn nhiều nỗi lo có thể nảy sinh liên quan đến khuôn khổ khổ pháp lý, sự an toàn trong giao dịch, bảo mật thông tin, kể cả tội phạm công nghệ cao cũng có thể tìm “kẽ hở” để tấn công tài khoản người dùng…

Người dân nông thôn được lợi

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính đánh giá, hiện nay lượng người có tài khoản ngân hàng thấp. Đặc biệt, ở vùng nông thôn đâu đó chỉ khoảng 30-40% người dân có tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, độ phủ của viễn thông lại tới gần 100% dân số, vì vậy việc triển khai thanh toán qua tài khoản viễn thông sẽ giúp người dân nông thôn tiếp cận các dịch vụ chi tiêu, giảm thói quen dùng tiền mặt trong giao dịch hàng ngày. Đây cũng là một mô hình hứa hẹn sẽ thành công nhất là với những người không có tài khoản ngân hàng.

“Tôi ủng hộ chủ trương của Chính phủ, là một nền kinh tế muốn phát triển thì sẽ phải hạn chế dần dần việc thanh toán bằng tiền mặt, vì tiền mặt để lại nhiều hậu quả khó lường. Tôi ví dụ như một nền kinh tế mà dùng đến nhiều tiền mặt thì sẽ dẫn đến nhiều chi phí về in tiền, người dân giữ tiền mặt có thể sẽ ảnh hưởng đến an toàn của mỗi người như bị cướp giật, trộm cắp. Ngoài ra, mặt là phương tiện thanh toán không để lại dấu vết. Dùng tiền mặt sẽ tạo ra môi trường thuận tiện cho rửa tiền, tạo ra phương tiện 'hỗ trợ' cho tham nhũng và những hoạt động phi pháp, kể cả trốn thuế…”, ông Hiếu, chia sẻ.

Đồng quan điểm, LS.TS Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight, cho rằng, việc Chính phủ đồng ý thí điểm mobile money, cho phép khách hàng chuyển tiền, mua sắm thông qua tài khoản viễn thông sẽ giúp thanh toán điện tử đến được mọi người dân để kích thích kinh tế tăng trưởng.

“Hơn nữa, hiện nay mức độ phủ sóng của các tổ chức tín dụng cũng không phải đến tới 100% người dân, vì vậy hình thức mobile money trước hết sẽ hỗ trợ người dân ở vùng xa xôi, hẻo lánh - nơi không có cánh tay nối dày của các tổ chức tài chính, tín dụng - đặc biệt là người nông dân khi không có đủ kiến thức về tài chính, ngân hàng, pháp lý… thì chỉ cần nạp tiền vô tài khoản, giống như thẻ trả trước điện thoại vậy, và dễ dàng sử dụng một cách khá hiệu quả”, ông Tín, nói.

Cũng theo ông Tín, việc ứng dụng thanh toán qua tài khoản viễn thông cũng giúp đẩy nhanh tiến độ xã hội thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Thủ tướng nhanh chóng đạt được, chứ nếu chỉ lệ thuộc vào các ngân hàng, tổ chức tín dụng hay thậm chí là các công ty trung gian thanh toán thì mục tiêu này đạt được sẽ rất chậm.

Nhiều nỗi lo...

Ông Ngô Tấn Vũ Khanh, Giám đốc phát triển Kaspersky Việt Nam cho rằng, ở bất cứ một quy cách nào của thanh toán thì an toàn thông tin, bảo mật và rủi ro khi thanh toán rất cao. Với hình thức mobile money, có 4 vấn đề về rủi ro cần lưu ý: Thứ nhất là rủi ro từ thiết bị đầu cuối của người dùng, kế đến là rủi ro của ứng dụng thiết bị đầu cuối, rủi ro thứ ba là ứng dụng mà thiết bị đầu cuối liên lạc và rủi ro cuối cùng là từ đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán.

“Bốn rủi ro trên là những vấn đề lo lắng lớn nhất khi triển khai dịch vụ thanh toán mobile money, bất cứ một hacker nào nếu xâm nhập được 4 kẽ hở này đầu có thể làm cho vấn đề thanh toán bị ảnh hưởng”, ông Khanh thông tin.

Trong khi đó, TS Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng, lo lắng lớn nhất khi triển khai dịch vụ thanh toán mobile money hay bất cứ hình thức ví điện tử nào là vấn đề bảo mật, tội phạm công nghệ cao có thể hacker và lấy tiền, điều này không có gì là bảo đảm được. Tuy nhiên, rủi ro này cũng được giới hạn bởi số tiền gửi vào sẽ không nhiều như tài khoản ngân hàng, khi hacker vào tài khoản ngân hàng thì có thể lấy hết tiền trong tài khoản nhưng với ví điện tử thì số tiền này không lớn.

Đặc biệt, ông Hiếu cũng lưu ý về tình trạng “rửa tiền” có thể xảy ra. Cụ thể, theo ông Hiếu, với các khoản tiền phạm pháp có được từ buôn bán ma túy, mại dâm, đánh bạc, trồn thuế… thì tất cả các giao dịch trên thường bằng tiền mặt vì tiền mặt thường không để lại bất cứ dấu vết gì. Vì vậy, khi các khoản tiền phạm pháp này được bỏ vào ví điện tử và được sử dụng để thanh toán thì khoản tiền này sẽ được “rửa sạch” vì không có quy định nào bắt buộc người nhận được khoản tiền đó phải tra xét nguồn tiền đó ở đâu. Thành ra, sẽ có khà năng bị “rửa tiền” qua ví điện tử.

“Theo tôi, trước hết phải có một mức tối đa cho ví điện tử, có thể chỉ 50 triệu hay 100 triệu thôi. Tất nhiên khi giới hạn vậy thì tiền phạm pháp có thể vào ví điện tử nhưng không thể vào một cách ào ạt được, số tiền sẽ nhỏ và không có tác hại nhiều”, ông Hiếu đề xuất.

Còn theo LS.TS Bùi Quang Tín thì trước hết phải rà soát, đánh giá lại các rủi ro về hack tài khoản vì thời gian qua việc thanh toán qua tài khoản ngân hàng cũng bị hack rất nhiều, trong khi hệ thống bảo mật thông tin của hệ thống ngân hàng đã rất hiện đại, hiện đại hơn nhiều so với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ di động, vì vậy cần phải lưu ý các nhà mạng phải cảnh giác về tính bảo mật khi triển khai dịch vụ thanh toán mobile money.

“Tuy số tiền với hệ thống này không lớn nhưng nếu không bảo mật tốt thì không tại được niềm tin cho người dân. Đồng thời cũng phải có cơ chế quản lý chặt chẽ từ cơ quan quản lý Nhà nước nếu không sẽ xảy ra tình trạng hacker tấn công, hoặc tình trạng tham nhũng, rửa tiền, hối lộ…”, ông Tín khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem