Ngày 25.5, TTCP đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD).
Theo đó, HUD đã để xảy ra nhiều thiếu sót vi phạm. Cụ thể: Trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh, đặc biệt từ năm 2011 về trước, HUD đã quyết định các dự án đầu tư vượt xa năng lực tài chính và quản trị, dẫn đến chậm và trì trệ trong việc triển khai các dự án, sản phẩm dở dang quá nhiều, hàng tồn kho lớn, chậm luân chuyển, đẩy HUD và một số đơn vị thành viên đến tình trạng khó khăn hiện nay. Nợ phải trả lớn, cân đối khả năng thanh toán khó khăn, nợ phải chậm thu hồi, phát sinh quá hạn, doanh thu, thu nhập giảm mạnh, kinh doanh kém hiệu quả.
HUD đã để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh (ảnh minh họa).
Làm trái và buông lỏng quản lý trong hoạt động ủy quyền kinh doanh dự án cho các đơn vị thành viên với quy mô lớn: Các dự án đô thị sau khi đầu tư hạ tầng kỹ thuật, HUD không tiếp tục đầu tư công trình trên đất hoặc chuyển nhượng đất đã có hạ tầng cho nhà đầu tư thứ cấp mà ủy quyền đầu tư kinh doanh cho các công ty thành viên, trái Điều lệ tổ chức hoạt động và Quy chế quản lý tài chính của HUD.
Mặt khác, thông qua hình thức ủy quyền đầu tư kinh doanh, HUD đã chuyển giao cho các công ty thành viên cả những diện tích đất nhà nước đã ưu đãi, miễn không thu tiền để đầu tư kinh doanh nhà theo giá thị trường; không thực hiện đúng nghĩa vụ xây dựng căn hộ chung cư cao tầng để bán và cho thuê đối với đối tượng gặp khó khăn về nhà ở, không giao tầng 1 các khu chung cư cho Hà Nội theo quy định.
Thiếu trách nhiệm đối với việc trích trước chi phí trọng yếu trong kinh doanh bất động sản và giá vốn kinh doanh, HUD đã hoạch toán trích trước chi phí phải trả vào giá vốn kinh doanh hàng kỳ theo suất đầu tư m2 đất, m2 nhà phân bổ trên cơ sở tổng mức các dự án sai quy định phải căn cứ chi phí phát sinh và dự toán công trình. Trong đó, dự án khu đô thị Việt Hưng trích thiếu chi phí phải trả quá nhiều dẫn đến hậu quả là: thiếu nguồn vốn để xây dựng hoàn trả khối lượng các hạng mục công trình hạ tầng còn nợ và khối lượng giải phóng mặt bằng của dự án chưa thực hiện quá lớn (hơn 1.009 tỷ đồng), trong khi sản phẩm dự án đã cơ bản kinh doanh hết.
Bên cạnh đó, HUD còn để xảy ra một số khuyết điểm, vi phạm về quản lý tài chính tài sản khác. Đáng chú ý là quản lý các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp yếu kém, hiệu quả đầu tư thấp, một số khoản thâm hụt mất vốn như: Đầu tư vào công ty Cổ phần Xi măng Sông Thao hơn 516 tỷ đồng, dự án chậm tiến độ, chi phí đầu tư phát sinh lớn, giá thành sản xuất tăng cao, thiếu vốn hoạt động. Đến ngày 31.12.2012, lỗ lũy kế 305 tỷ đồng.
Ngoài ra, các khoản nợ HUD phải trả lớn, lên đến hơn 6.684 tỷ đồng, khả năng thanh toán nợ khó khăn do mất cân đối dòng tiền, tồn kho nhiều (hơn 4.352 tỷ đồng) thanh khoản chậm, hạch toán chưa đầy đủ các khoản nợ về tiền sử dụng đất...
Trước những sai phạm đó, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng căn cứ kết luận thanh tra này, với trách nhiệm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và quản lý ngành, phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát xử lý theo thẩm quyền và phát luật để HUD khắc phục tồn tại, gắn với tái cơ cấu thao đề án được phê duyệt hiệu quả và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có khuyết điểm, sai phạm theo đúng pháp luật; Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội kiểm điểm và chỉ đạo thực hiện xử lý trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân liên quan dẫn đến sai phạm (trong đó cần lưu ý trách nhiệm của Hội đồng Thành viên, Ban Tổng giám đốc HUD và các bộ phận chuyện môn theo các thời kỳ trong kết luận thanh tra).
TTCP yêu cầu HUD nộp ngân sách nhà nước hơn 262 tỷ đồng, trong đó nợ đọng tiền sử dụng đất hơn 261 tỷ đồng; Kiến nghị Bộ Tài chính xử lý khoản HUD bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận kinh doanh dự án chưa quyết toán hơn 278 tỷ đồng…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.