Thất kinh khi lần đầu “ấy”

Hoan Bùi (Thế giới Tiếp thị) Thứ bảy, ngày 12/07/2014 13:39 PM (GMT+7)
Có một chi tiết hàng ngày phơi ra trên đường mà nếu để ý sẽ thấy đáng lên tiếng. Đó là hình ảnh ông bố đưa đón con gái tuổi dậy thì đi học, đi chơi... nhưng hai bố con quá thân mật và khăng khít.
Bình luận 0

Thật không phải khi đưa ra lời phê phán có tính cổ hủ kiểu phong kiến như vậy, nhưng cũng đáng gióng lên một tiếng nói chung cho cộng đồng: trong thời đại mà tuổi dậy thì của thiếu nữ thường đến sớm và bối cảnh chỉ cần rờ vuốt smartphone là có hàng trăm web sex, các ông bố và cả những người đàn ông trưởng thành đáng kính cũng rất nên giữ khoảng cách văn minh – giới tính tối thiểu với lứa tuổi này.

 Đã là người thì việc phải đối diện với chu kỳ kinh nguyệt và xuất tinh đầu tiên ai cũng có cảm giác bị rơi vào “cơn bão hãi hùng” về tâm lý, đạo đức... nhưng có lẽ với nam thiếu niên thì dễ vượt bão hơn với nữ.

Sự thay đổi về quan niệm giới tính của người Việt ngày nay đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, tuỳ nền nếp văn hoá từng gia đình mà chuyện gìn giữ chuẩn mực hay vô tư buông thả.

Ông T., một tay chơi guitar cổ điển, có một cô con gái rượu. Ông không muốn tập xe cho con mà tình nguyện đưa đón con đi học và mọi nhu cầu khác từ tuổi mẫu giáo cho đến lúc hết đại học. Ông lấy lý do về chuyện bảo đảm an toàn cho con trước những vấn nạn đường phố để biện minh. Nhưng khi ông nói rằng, ngay cả quần áo của con gái, thời nhà chưa có máy giặt ông cũng tự tay giặt. Bạn bè hỏi ông vậy những ngày con ông có kinh thì đồ lót con ông có tự giặt không. Ông tỉnh bơ trả lời là giặt luôn, chẳng ngại gì cả.

Tất nhiên, tình thương con là điều đáng tôn trọng và cả quan niệm cổ hủ sợ đồ dơ của con gái cũng cần phải dẹp bỏ trong thời văn minh này; nhưng liệu kiểu thương con quá mức như vậy giúp ích gì cho con, hay chỉ làm cô gái ỷ lại không biết đến điều cơ bản nhất là tự làm vệ sinh – giới tính cho chính mình.

Những người xưa, bằng kiểu nói hoặc bằng quan niệm có đưa ra những phương cách nghiêm khắc phong kiến thái quá về vệ sinh – giới tính. Nhưng không phải ông bà xưa không có ý thức giáo dục. Một tiêu chuẩn tối thiểu để giúp định hình nhân cách một thiếu nữ hay thiếu nam sau tuổi dậy thì là phải biết tự làm vệ sinh.

Một bạn trẻ kể, lần đầu tiên xuất tinh, anh sợ đến muốn chết, và chính ba anh đã đến bên anh, biểu anh phải tự giặt quần. Lúc ấy anh không dám làm chuyện đó vì anh có cảm giác mình tội lỗi ghê gớm, tội lỗi vì chuyện gì anh không hiểu rõ, chỉ biết là có tội. Ba anh cầm tay anh, biểu anh cầm cái quần lên và nói: “Con có cảm giác tội hay không tội, dơ hay sạch gì ba không cần biết, cái ba muốn con làm là hãy quen với việc này vì nó thuộc về con, làm quen đi rồi từ từ sẽ hiểu thôi”.

Vai trò của người mẹ hoặc người thân trong gia đình với chu kỳ kinh nguyệt nữ là cực kỳ quan trọng. Cũng có người mẹ vô cùng hốt hoảng khi đứa con gái chỉ mới mười tuổi mà đã có kinh. Nhiều người cho rằng các bé gái ngày nay do ăn uống đầy đủ đến dư thừa mà thường gặp “nạn” ấy. Thật ra yếu tố dinh dưỡng đầy đủ cũng chỉ là một trong những nguyên do, nếu người ta nhìn lại, ai cũng có thể thấy là đời sống thông tin có nội dung về tình yêu, tình dục ngày nay áp đặt lên thể chất và tinh thần của trẻ em đến mức không thể cưỡng lại được sự trưởng thành sớm.

Vậy thì người mẹ sẽ ứng xử như thế nào trước con mình, khi mà về tâm lý thì vẫn con nít nhưng sinh lý đã là phụ nữ?

Việc quyết định trò chuyện với con mình trong nội dung thuộc về sinh lý của người phụ nữ là một chuyện khó khăn nhưng không thể tránh né. Người mẹ Việt từ ngàn xưa đã có cách thủ thỉ nội dung này mỗi ngày một chút và không gián đoạn việc trao cho con toàn bộ kinh nghiệm của mình và thế hệ mình. Đó là dạng giáo dục sinh lý bằng kinh nghiệm vô giá! Đừng để đứa trẻ có thân xác phụ nữ phải đơn thân, chới với giữa mớ hổ lốn kiến thức sinh lý chung chung trên các trang web.

Đã là người thì việc phải đối diện với chu kỳ kinh nguyệt và xuất tinh đầu tiên ai cũng có cảm giác bị rơi vào “cơn bão hãi hùng” về tâm lý, đạo đức... nhưng có lẽ với nam thiếu niên thì dễ vượt bão hơn với nữ.

Cách nhìn nhận hiện đại cũng cho rằng, tuỳ theo mức độ giáo dục và sự giúp đỡ về nhận thức sinh lý của cha mẹ mà con đường tâm sinh lý sau này của một người được thuận buồm xuôi gió hay gặp trúc trắc trục trặc. Hơn nữa, nền tảng của một hệ thống tâm lý, sinh lý ổn định chính là bệ phóng của phẩm chất trí tuệ và năng lực sáng tạo của cá nhân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem