“Thất thủ” trong việc ngăn chặn xâm hại tình dục trẻ em

Nguyệt Tạ Thứ hai, ngày 22/04/2019 06:20 AM (GMT+7)
Mặc dù có tới 16 cơ quan chung tay bảo vệ trẻ em nhưng ngày càng nhiều vụ xâm hại trẻ em khiến dư luận bức xúc. Theo các chuyên gia, chính cơ chế phối hợp chưa tốt, luật pháp còn nhiều lỗ hổng là những hạn chế lớn nhất dẫn tới việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em bị… “thất thủ”.
Bình luận 0

Mỗi ngày có từ 4-5 trẻ bị xâm hại

Thời gian qua, báo chí liên tiếp phanh phui các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em. Trong đó, các vụ việc xâm hại tình dục (XHTD) nổi cộm gây bức xúc trong dư luận như vụ việc đối tượng Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ bé gái trong thang máy chung cư tại TP.HCM, hay vụ việc thầy giáo sờ mông, sờ đùi học sinh ở Bắc Giang. Các vụ việc dâm ô chưa bớt nóng thì ngày 18.4 tại Bình Thuận một thầy giáo dạy vẽ lại thừa nhận đã có hành vi dâm ô với các học sinh nữ lớp 1.

img

Đối tượng Nguyễn Hữu Linh có hành vi sàm sỡ bé gái trong thang máy. Ảnh cắt từ clip

Khởi tố Nguyễn Hữu Linh tội dâm ô trẻ em
Ngày 21.4, Viện KSND quận 4, TP.HCM đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Nguyễn Hữu Linh (SN 1958, ngụ TP.Đà Nẵng, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND TP.Đà Nẵng) về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” theo Điều 146 BLHS năm 2015. Ông này được cơ quan điều tra cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Đại diện Công an quận 4 biết đã củng cố hồ sơ và sau 18 ngày điều tra đã đi tới kết luận hành vi của ông Linh là dâm ô với trẻ em nên cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can ông này.
Ông Nguyễn Hữu Linh nguyên là Phó Viện trưởng Viện KSND TP.Đà Nẵng, về hưu giữa năm 2018 và đang là luật sư Đoàn luật sư Đà Nẵng. Ông này bị phát hiện hai lần ôm ghì, hôn bé gái 7 tuổi trong thang máy chung cư Galaxy 9 (quận 4, TP.HCM) tối 1.4.

Chưa bao giờ việc bạo hành, XHTD với trẻ em lại xảy ra nhiều thời gian gần đây. Tại hội thảo xây dựng kế hoạch quốc gia về hành động bảo vệ trẻ em được Bộ LĐTBXH, Tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức cuối tuần qua, Bộ LĐTBXH cũng đã công bố số liệu thống kê về tình trạng trẻ em bị xâm hại. Theo đó, mỗi năm cả nước phát hiện khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Riêng năm 2018 toàn quốc phát hiện 1.547 vụ xâm hại trẻ em với 1.669 đối tượng. Trong đó, số vụ XHTD trẻ em là 1.269 vụ (chiếm 82% tổng số vụ xâm hại trẻ em). Đặc biệt, có tới 43 vụ giết trẻ em cực kỳ dã man.

Như vậy, trung bình mỗi ngày tại Việt Nam có từ 4-5 trẻ em bị XHTD, tuy nhiên đó mới chỉ là phần nổi vì nhiều vụ XHTD, dâm ô tại địa phương chưa được phát hiện, thống kê. 

Bà Nguyễn Thị Nga – Phó Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, gần 60% số vụ xâm hại trẻ em là người quen, hàng xóm. Tính riêng XHTD thì hơn 21% số vụ XHTD là từ người thân trong gia đình như bố đẻ, bố dượng, anh, em...; 6% từ nhà trường và 13,7% là do các đối tượng khác. Tuy nhiên, theo bà Nga những số liệu trên đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” bởi thực tế còn rất nhiều vụ XHTD chưa được tố cáo, thống kê.

Trước mối nguy và lo ngại về việc bùng nổ các vụ XHTD trẻ em, trong khi nhiều vụ việc thời gian qua chưa được xử lý đúng người đúng tội, các chuyên gia đã nêu kiến nghị về việc cần phải có những chế tài quy định cụ thể về việc xử lý trong luật. 

“Gỡ” luật để bảo vệ trẻ em

Khẳng định tầm quan trọng của việc cần phải gấp rút ban hành các chính sách để bảo vệ trẻ em, bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH và nhiều chuyên gia đến từ các bộ ngành cho rằng, cần xây dựng một chương trình tổng thể, hướng tới cơ chế phối hợp liên ngành. Trong đó, việc đầu tiên cần làm là sửa Luật Trẻ em và một số văn bản luật hiện hành nhằm hoàn thiện hơn nữa cơ sở pháp lý, tăng khả năng xử lý, bảo vệ trẻ em khỏi hành vi bạo hành thân thể, XHTD. 

Bà Lesley Miller - Phó trưởng đại diện UNICEF cho rằng, bạo lực trẻ em khá phổ biến ở Việt Nam. Nghiên cứu của UNICEF cũng chỉ ra, có tới 68% trẻ em ở Việt Nam đã từng phải chịu ít nhất một lần bạo lực trong đời. 75% trong số đó được phát hiện là có liên quan tới bạo lực tình dục. Trong rất nhiều trường hợp bạo lực trẻ em đã không được báo cáo. Nhiều vụ bạo lực nghiêm trọng đã được phát hiện, nhưng chủ yếu là vụ liên quan tới: XHTD, bạo lực trong trường học, xâm hại thân thể trẻ em…

"Tại nhiều nơi những vụ việc xâm hại, bạo lực hoặc XHTD trẻ em vẫn chưa được phát giác. Nguyên nhân là do người nhà có tâm lý e ngại, muốn che giấu. Mặt khác, cũng có không ít người cho rằng đó là những việc bình thường, hoặc cố gắng đưa ra những bằng chứng ngụy biện, cho rằng đó là những hành vi dạy dỗ, yêu thương, cưng nựng trẻ...”.

Bà Nguyễn Thị Nga

“Việt Nam có Luật Trẻ em nhưng không thể chỉ dừng lại ở đó, chúng ta cần phải cải thiện và hoàn thiện luật hơn nữa để tăng tính pháp lý trong việc xử lý các vụ việc bạo lực trẻ em đặc biệt là XHTD trẻ em. Theo đó, ngoài các quy định về hình thức bạo lực, XHTD như hiện tại thì luật cần mở rộng các hành vi. Cụ thể như bất kể những hành động, hành vi nào liên quan tới việc gạ gẫm trẻ em xem các clip kích dục, lời nói khiếm nhã, gợi dục... cũng phải được xem là dâm ô, XHTD trẻ em” - bà Lesley Miller nói.

Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH), công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em không chỉ có liên quan quy định cụ thể trong Luật Trẻ em mà còn được quy định trong nhiều luật khác. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khoản trống, đặc biệt là liên quan tới các chế tài xử lý. Vì thế cũng cần phải sửa đổi tăng cường hiệu quả, hiệu lực của Luật Trẻ em và các văn bản luật khác trong thời gian tới.

“Do tính cấp bách này mà mới đây, Bộ LĐTBXH đã phối hợp UNICEF tổ chức hội thảo xây dựng kế hoạch quốc gia về hành động bảo vệ trẻ em để nhằm tham khảo ý kiến của các chuyên gia nhằm xây dựng kế hoạch về bảo vệ chăm sóc trẻ em một cách toàn diện, từ luật pháp tới các vấn đề quy trình tiếp nhận xử lý, trách nhiệm giải trình...” – ông Nam nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem