"Thầy cúng đen" - Kẻ giết người hàng loạt gây rúng động
Thầy cúng "ma thuật đen" - Sát nhân hàng loạt gây rúng động Indonesia
Thứ bảy, ngày 08/04/2023 14:30 PM (GMT+7)
Dư luận Indonesia xôn xao khi 12 thi thể được phát hiện gần nhà của một thầy cúng, người quảng cáo rằng mình có "ma thuật đen", có thể thu hút tiền bạc cho khách hàng.
Người dân Indonesia đang xôn xao, sau khi phát hiện 12 thi thể được chôn gần ngôi nhà ở Trung Java. Đây là nhà của một pháp sư, được cho là một trong những kẻ giết người hàng loạt tàn bạo nhất quốc gia này. Cụ thể, nơi phát hiện các thi thể nằm tại thị trấn Banjarnegara, cách Jakarta khoảng 400 km. Ban đầu, cảnh sát đã khai quật được 10 thi thể trước khi tìm thấy 2 thi thể khác, chính quyền chưa khẳng định liệu có thêm nạn nhân nào khác hay không.
Thủ phạm bị cáo buộc, Tohari, 45 tuổi - còn được gọi là Mbah Slamet - đã thú nhận. Ban đầu hắn nói rằng, mình đã giết khoảng 11 người. Tuy nhiên, hắn không thể nhớ chính xác số người chết hay tất cả danh tính các nạn nhân của mình.
Theo cảnh sát, sáu trong số chín thi thể được xác định danh tính là đàn ông trong độ tuổi từ 40 đến 50, trong khi ba phụ nữ ở độ tuổi 25 tới 35. Tohari nổi tiếng ở Banjarnegara, một khu vực của Indonesia nổi tiếng là nơi tập trung nhiều người hành nghề ma thuật đen, với tư cách là một dukun hoặc thầy cúng truyền thống. Hắn tuyên bố có thể tăng sự giàu có cho khách hàng của mình bằng cách thực hiện các câu thần chú. Thầy cúng này đã quảng cáo các dịch vụ của mình trên Facebook và được cho là đã nhận được các khoản thanh toán từ 2.000 USD đến 3.350 USD từ mỗi khách hàng.Trong những năm qua, pháp sư và cũng là kẻ giết người này đã có hàng ngàn khách hàng.
Tohari bị cáo buộc đã đầu độc các nạn nhân của mình bằng cách cho họ uống đồ uống có chứa kali xyanua, một loại chất có độc tính cao.
Thầy cúng "ma thuật đen" - Sát nhân hàng loạt gây rúng động Indonesia
Cảnh sát đã tìm thấy thầy cúng nhờ thông tin từ con trai của một người đàn ông 53 tuổi tên là PO, người được cho là đã đi từ thành phố Sukabumi đến Banjarnegara để gặp Tohari vào ngày 20/3. Trước đó, PO đã nhắn con trai của mình hãy báo cảnh sát nếu ông không trở về từ nhà Tohari. Khi thấy bố không trở về, người con trai đã báo cảnh sát, lực lượng chức năng nhanh chóng các tìm thấy thi thể nam và nữ, bao gồm cả xác của PO, được chôn trên một khu đất gần đó.
Irna Minauli, một nhà tâm lý học ở thành phố Medan, người đã nghiên cứu các vụ giết người hàng loạt khác ở Indonesia, tuyên bố rằng có vẻ như động cơ trong trường hợp mới nhất này là lòng tham kinh tế. Cô khẳng định, nhiều kẻ giết người hàng loạt đã có tuổi thơ đầy khó khăn, bao gồm việc trở thành nạn nhân của bắt nạt, bạo lực và bị xã hội ruồng bỏ. "Giết chóc khiến họ cảm thấy mình có quyền kiểm soát hoặc thống trị người khác. Họ có thể trả thù và trút giận lên các nạn nhân. Các yếu tố kinh tế cũng có thể ảnh hưởng khi mọi người không có lối thoát cho sự bất lực mà họ trải qua vì nghèo đói", cô nói.
Trong những năm gần đây, số lượng những kẻ giết người hàng loạt đã giảm, bao gồm cả Mỹ, nơi từng là thiên đường của loại hình tội phạm này. Theo dữ liệu từ Đại học Radford, Mỹ, số lượng những kẻ giết người hàng loạt hoạt động ở nước này, tính từ ba vụ giết người trở lên, đã giảm dần trong những thập kỷ gần đây, từ 128 năm 1987 xuống còn 76 năm 1997 và 15 năm 2015. Mức giảm đáng kể này được cho là có liên quan đến sự phát triển của pháp y, hệ thống giám sát và an ninh gia đình. Thủ phạm được phát hiện sớm hơn nhiều so với trước đây.
Oktavinda Safitry, bác sĩ pháp y tại Bệnh viện Đại học Indonesia, cho biết các vụ án giết người hàng loạt thường bị phát hiện do số lượng lớn xác các nạn nhân cần được xử lý. "Có rất nhiều thứ chúng ta không thể nhìn thấy khi khám nghiệm các thi thể, vì vậy chúng tôi thực hiện nhiều biện pháp xét nghiệm hơn bình thường", cô nói.
Trường hợp của Tohari đã làm dấy lên lo ngại về việc sử dụng mạng xã hội để quảng bá dịch vụ của các thầy lang và thầy cúng, đặc biệt là ở Indonesia. Mặc dù các phương pháp chữa bệnh truyền thống vẫn được chấp nhận rộng rãi ở nước này, nhưng sự gia tăng của những người hành nghề không có giấy phép trên mạng xã hội đã làm dấy lên lo ngại về sự an toàn của khách hàng. Chính phủ Indonesia đã bị chỉ trích vì đã không có các biện pháp đủ mạnh để quản lý những người chữa bệnh và pháp sư truyền thống, cũng như không thực thi các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với những người tham gia vào các hành vi lừa đảo.
Vụ việc cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có năng lực pháp y mạnh mẽ hơn ở Indonesia. Theo Tiến sĩ Abdul Gafar, pháp y có thể sẽ đóng một vai trò quan trọng trong trường hợp của Tohari. Tuy nhiên, khoa học pháp y ở Indonesia vẫn còn ở giai đoạn sơ khai và quốc gia này có nguồn lực hạn chế để hỗ trợ điều tra các vụ án phức tạp như giết người hàng loạt. Việc thiếu năng lực pháp y trong nước cũng có nghĩa là nhiều trường hợp không được giải quyết, khiến các gia đình và cộng đồng không thể yên lòng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.