Thay đổi một thói quen, nông dân thủ phủ hoa kiểng Sa Đéc làm cho quê mình vừa đẹp vừa sạch
Thay đổi một thói quen, nông dân thủ phủ hoa kiểng của Đồng Tháp làm cho quê mình vừa đẹp vừa sạch
P.V
Thứ bảy, ngày 10/12/2022 09:50 AM (GMT+7)
Chỉ thay đổi một thói quen tưởng như đơn giản trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nông dân xã Tân Khánh Đông, TP. Sa Đéc, Đồng Tháp đã cùng nhau phấn đấu xây dựng một môi trường sống trong lành, sản xuất an toàn, bền vững.
Đưa những bao chứa các loại bao, gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng đến nơi tập kết, ông Nguyễn Trọng Trí, nông dân trồng hoa kiểng ở xã Tân Khánh Đông hồ hởi cho biết: "Hồi nào tới giờ bà con chúng tôi phun thuốc xong thường tiện tay vứt các loại bao, gói ra kênh rạch, bờ ruộng mà không lường trước được những nguy hiểm của việc làm vô tình này. Năm 2022, chúng tôi được tham gia mô hình thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tôi đã vỡ ra nhiều điều".
Theo ông Trí, khi tham gia mô hình, ông và các nông dân trong khu vực đã được các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm theo nguyên tắc 4 đúng, theo 5 nguyên tắc vàng,… cũng như tầm quan trọng của việc thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau mỗi lần phun và để đúng nơi quy định đã giúp nông dân tiết kiệm hơn, an toàn hơn trong sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường xung quanh.
"Chỉ sau một thời gian ngắn, chúng tôi đều nhận thấy có sự thay đổi rõ rệt. Do vậy, bà con chúng tôi đều tự nhủ tùy vào hoàn cảnh, điều kiện của mỗi người, chúng tôi sẽ tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, bằng những việc làm cụ thể như tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên thu gom rác thải bao bì chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng để đúng nơi quy định, không vứt ra bờ sông, kênh, rạch, sau vườn hay trên ruộng", ông Trí cam kết.
Chị Huỳnh Thị Mộng Thu, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Khánh Nghĩa, xã Tân Khánh Đông cho biết: "Chúng tôi tuyên truyền theo phương pháp "mưa dầm thấm lâu" để bà con nhận thức được sự cần thiết phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách. Sau một thời gian, bà con ai cũng nhận ra sự thay đổi".
Bà Trần Thị Tho, Tổ trưởng Tổ Kỹ thuật, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP.Sa Đéc cho biết, thực hiện mô hình thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng ở xã Tân Khánh Đông, Trung tâm đã tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn tuyên truyền cho nông dân trong và ngoài mô hình; xin chủ trương UBND thành phố Sa Đéc chọn địa điểm xây dựng kho lưu chứa trong khu bãi rác TP.Sa Đéc thuộc ấp Phú Long, xã Tân Phú Đông.
Đầu năm 2022, Trung tâm phối hợp với UBND xã Tân Khánh Đông tiến hành khảo sát, chọn địa điểm và nông dân cùng tham gia thực hiện chương trình, quy mô 50 ha với 160 hộ nông dân tham gia.
"Chúng tôi đã tổ chức 3 lớp tập huấn tuyên truyền cho nông dân trong mô hình và 10 lớp tập huấn cho nông dân ngoài mô hình với các nội dung sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm hiệu quả theo nguyên tắc 4 đúng, 5 nguyên tắc vàng, thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; quản lý dịch hại tổng hợp IPM. Qua các buổi tập huấn nông dân đã hiểu rõ hơn cách sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả, tích cực hưởng ứng việc thu gom các vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau mỗi lần phun thuốc và để đúng nơi quy định", bà Tho nói.
Được biết, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP.Sa Đéc đã cùng chính quyền địa phương tổ chức thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật với hình thức đổi vỏ chai thuốc bằng các nhu yếu phẩm cần thiết trong gia đình. Tổng số lượng vỏ bao bì thu gom trong đợt đầu tiên khoảng 400kg và trong đợt thu gom lần 2 (tổ chức ngày 9/12) là 350kg.
Ưu tiên thực hiện mô hình trên các loại nông sản liên kết xuất khẩu
Ông Lê Văn Chấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp cho biết, Chương trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm được ký kết giữa Cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Tháp và Crop Life Việt Nam được thực hiện trong 5 năm, năm nay là đầu tiên thực hiện.
"Trong năm đầu tiên, chúng tôi tập trung tuyên truyền, tập huấn cho nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả với 24 lớp, xây dựng bộ tài liệu tuyên truyền đồng thời xây dựng 2 mô hình sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả trên lúa ở huyện Lấp Vò và trên hoa kiểng ở TP.Sa Đéc. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức 6 lớp tập huấn cho các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật; phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức 24 đợt ra quân thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng ở 12 huyện, thị", ông Chấn thông tin.
Theo ông Chấn, qua các chương trình tập huấn cho nông dân, đại lý đã có những tác động tích cực, đa số nông dân đều nhận thức được tầm quan trọng cũng như lợi ích của việc bảo vệ môi trường nói chung và môi trường nông nghiệp nói riêng. Nông dân tích cực tham gia thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng để đúng nơi quy định.
Nông dân được tập huấn các biện pháp quản lý dịch hại và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả: giúp bà con xác định đúng đối tượng dịch hại và chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật sự cần thiết, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.
Nói về hiệu ứng lan tỏa của mô hình, ông Chấn cho biết: "Hiệu ứng lan tỏa của mô hình rất tốt, nông dân sử dụng thuốc bảo vệ có trách nhiệm không chỉ với bản thân mình mà còn có trách nhiệm với cả cộng đồng, xã hội, đem lại lợi ích to lớn. Sử dụng thuốc đúng cách, sản phẩm làm ra cũng đạt chất lượng, không để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hoặc nếu có thì cũng không vượt mức cho phép", ông Chấn nói.
Ông Chấn thông tin thêm, trong năm tới, Chương trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm sẽ hướng đến chọn những loại cây trồng đang có xu hướng liên kết thị trường xuất khẩu, dự kiến sẽ thực hiện trên cây ớt ở huyện Thanh Bình và cây sầu riêng ở Châu Thành.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.