Vài tháng trước, Johann Hari - nhà báo và tác giả người Scotland - tới Nhật Bản để nghiên cứu cho cuốn sách mới về thuốc giảm cân. Ông tin rằng có thứ gì đó trong DNA khiến người dân ở đất nước này duy trì thân hình mảnh mai.
Thống kê chỉ ra tỷ lệ béo phì ở Nhật Bản chỉ ở mức 4,5%, theoTimes.
Ăn nhạt, no 80% là dừng lại
Đến thăm Cao đẳng Sushi & Washoku Tokyo, Hari được đích thân hiệu trưởng Masaru Watanabe vào bếp nấu ăn và giới thiệu về những quy tắc khi dùng bữa của người Nhật.
“Điều cốt lõi của ẩm thực Nhật Bản là sự đơn giản”, Watanabe nói.
Vị hiệu trưởng nướng một con cá thu, nấu chút cơm, chuẩn bị bát súp miso và ít dưa chua để đãi khách.
Ông giải thích: “Theo truyền thống, người Nhật không ăn nhiều thịt. Là một quốc đảo, chúng tôi đánh giá cao món cá”.
Thay vì cho đủ loại nguyên liệu vào một món ăn như ở phương Tây, người Nhật chế biến món ăn nhạt và đơn giản nhất có thể để giữ được hương vị tự nhiên.
Mỗi bữa, người dân xứ Phù Tang thường chuẩn bị 5 món, nhưng với khẩu phần rất nhỏ. Họ ăn theo kiểu “tam giác”.
Với người Nhật, cách ăn hết món này mới chuyển qua món khác của người phương Tây rất kỳ lạ và có phần thô lỗ. Ngược lại, họ ăn theo trình tự: uống một ngụm súp, ăn một miếng món phụ, một miếng cơm, một miếng cá, sau đó trở lại với súp.
Ở Nhật Bản, mỗi người được dạy từ nhỏ rằng chỉ ăn no 80%. Nếu cảm thấy no trong khi vẫn đang ăn, họ chắc chắn đã nạp quá nhiều thực phẩm.
Tỷ lệ béo phì cực thấp
Hari tiếp tục khám phá về văn hóa ăn uống của người Nhật khi đến thăm Trường Koenji Gakuen. Ngôi trường có học sinh từ 5 đến 18 tuổi đang theo học, nằm trong một khu dân cư trung lưu ở Tokyo.
Harumi Tatebe - chuyên gia dinh dưỡng công tác ở trường 3 năm - chào đón Hari và giải thích theo luật, tất cả trường học ở Nhật Bản đều phải tuyển dụng một chuyên gia như bà.
Nhiệm vụ của chuyên gia dinh dưỡng là thiết kế các bữa ăn lành mạnh và an toàn cho cả trường. Thông qua từng bữa ăn, họ cũng giáo dục học sinh về dinh dưỡng.
Một suất ăn ở thời điểm Hari ghé thăm bao gồm chút cá trắng, bát mì với rau, sữa, cơm nếp và đậu đỏ. Toàn bộ thực phẩm được chế biến tại trường, học sinh không được phép mang đồ ăn nấu từ nhà.
Sau vài giờ đi loanh quanh trong trường, Hari phát hiện một sự thật đáng kinh ngạc: không có trẻ em nào thừa cân trong ngôi trường 1.000 học sinh.
Ông càng ngạc nhiên hơn khi đi từ lớp này sang lớp khác và hỏi một số em về món ăn yêu thích nhất.
Một bé gái 10 tuổi nói: “Cháu thích rau xanh, nhất là bông cải xanh”. Trong khi đó, một cậu bé 11 tuổi chia sẻ mình thích cơm vì trong gạo có protein.
Hari quay sang nói với người phiên dịch: “Đây là trò đùa phải không? Các em ấy đang trêu tôi à?”. Phản ứng bối rối của nhà báo Scotland khiến những người lớn ở Nhật Bản cảm thấy kỳ lạ. Bởi lẽ, họ đã dạy trẻ em ăn thực phẩm lành mạnh từ nhỏ.
Hari nói thêm rằng khi ông cho học sinh ở Nhật Bản xem những bức ảnh về bữa trưa điển hình tại trường học ở Anh, họ phản ứng như thể đang theo dõi video khủng bố. Các em nhỏ thốt lên “Salad đâu rồi?” và bối rối khi câu trả lời là “Không có”.
“Nhật Bản có tỷ lệ béo phì ở trẻ em cực thấp”, ông nhận định.
Bài học cho phương Tây
Hari chia sẻ trải nghiệm đáng kinh ngạc của mình tại Nhật Bản trên podcast nổi tiếngThe Diary of CEOcủa doanh nhân người Anh Steven Bartlett. Một đoạn trích trong cuộc trò chuyện đã lan truyền gần đây, gây ra tranh cãi về sức khỏe của trẻ em phương Tây.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Béo phì, cứ 4 trẻ em Australia lại có một người bị thừa cân hoặc béo phì vào năm 2022-2023. Số trẻ em thừa cân hoặc béo phì tăng từ 20% năm 1995 lên gần 28% vào tháng 6/2023. Số liệu mới nhất chỉ ra hơn 8% trẻ em 2-17 tuổi bị béo phì, tăng từ 4,9% của khoảng 30 năm trước.
Australia không đơn độc. Trẻ em trên khắp thế giới đã trở nên thừa cân và béo phì hơn trong những thập kỷ gần đây.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới báo cáo rằng Nhật Bản có ít trẻ em thừa cân hơn bất kỳ quốc gia phát triển nào khác, một phần do bữa trưa lành mạnh ở trường.
Năm 2008, chính phủ Nhật Bản nhận thấy rằng tỷ lệ béo phì tăng nhẹ. Vì vậy, “Luật Metabo” được ban hành nhằm giảm hậu quả tiêu cực của vòng eo lớn.
Theo đó, mỗi năm một lần, các nơi làm việc và chính quyền địa phương phải có đội ngũ y tế tiến hành đo vòng eo của người lớn trong độ tuổi 40-74. Nếu số đo nằm trên một mức nhất định, người đó được tư vấn và công ty phải lập kế hoạch cho nhân viên giảm cân.
Thậm chí, các doanh nghiệp có lực lượng lao động béo phì phải đối mặt với khoản tiền phạt.
Nhờ lối sống lành mạnh, người Nhật sống thọ nhất trên thế giới. Trung bình, đàn ông sống đến 81 tuổi và phụ nữ là 88 tuổi.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chíEuropean Journal of Clinical Nutritionnăm 2021 so sánh số liệu thống kê tỷ lệ tử vong gần đây từ các quốc gia trong nhóm G7. Kết quả cho thấy Nhật Bản có tỷ lệ tử vong do bệnh tim và ung thư thấp đáng kể.
Theo nhóm tác giả, điều này được cho là phản ánh tỷ lệ béo phì thấp ở Nhật Bản nhờ thói quen ít ăn thịt đỏ, ăn nhiều rau và uống trà xanh. Việc giảm muối trong bữa ăn hàng ngày dường như cũng giải thích cho sự giảm tỷ lệ ung thư dạ dày.
Do đó, chế độ ăn uống điển hình của người Nhật, chủ yếu là thực vật cũng như cá, có thể liên quan đến tuổi thọ và sức khỏe. Việc tiêu thụ thực phẩm phương Tây hóa như thịt, sữa và các sản phẩm từ sữa khác tương đối khiêm tốn.
Việc nhìn ra những yếu tố cơ bản cho sự trường thọ và khỏe mạnh của người Nhật có thể là nguồn tham khảo quan trọng đối với các quốc gia đang tìm cách đạt được kết quả tương tự với chi phí phải chăng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.