Số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Liên Bang Nga (Bộ Công Thương) cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga trong năm 2021 đạt 7,14 tỷ USD tăng 25,9% so với năm 2020 và đứng thứ 21 trong số các đối tác thương mại chính của Liên Bang Nga.
Theo đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong khu vực ASEAN. Đồng thời, Việt Nam cũng là đối tác lớn thứ 5 của Nga trong các nền kinh tế APEC (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản).
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Liên Bang Nga sang Việt Nam đạt 2,24 tỷ USD tăng 38,3% (đứng thứ 39 trong số các đối tác thương mại của Nga).
Kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam đạt 4,89 tỷ USD, tăng 20,9% so với năm 2020 (đứng thứ 12 trong các đối tác nhập khẩu chính của Nga). Việt Nam xuất siêu sang Nga 2,65 tỷ USD trong năm 2021.
Đối với Ukraine, thương mại hai chiều giữa Việt Nam – Ukraine trong năm 2021 đạt 720 triệu USD, tăng 50% so với năm 2020 nhưng chỉ chiếm 0,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong đó, Việt Nam nhập siêu từ Ukraine 30 triệu USD.
Về đầu tư, hiện số dự án Nga đầu tư vào Việt Nam là khoảng 150 dự án. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, Nga chiếm vị trí 25 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực năng lượng.
Trong số các lĩnh vực đầu tư, thăm dò và khai thác dầu khí đã và đang là một trụ cột quan trọng của hợp tác kinh tế Việt - Nga. Doanh nghiệp Nga-Việt Vietsovpetro là công ty lớn thứ 8 ở Việt Nam và sản xuất 1/3 lượng dầu của cả nước.
Bên cạnh đó, Novatek, nhà sản xuất khí đốt độc lập lớn nhất của Nga, đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận để phát triển một dự án sản xuất năng lượng LNG (khí tự nhiên hóa lỏng trọng tải thấp) tích hợp tại Việt Nam.
Ngoài ra, các tập đoàn dầu khí lớn của Nga như Gazprom và Rosneft dự kiến sẽ tham gia vào nhiều dự án nữa ở thềm lục địa của Việt Nam vào năm 2030. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang thúc đẩy nhu cầu năng lượng, đặc biệt là than, dầu và khí đốt.
Trong một lĩnh vực khác, công ty điện tử lớn nhất của Nga, ROSTEC là một trong những nhà đầu tư lớn nhất và lâu đời nhất của Nga tại Việt Nam, cung cấp về kỹ thuật và công nghệ quân sự. Trong những năm gần đây, công ty này đã và đang mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực dân sự khác như chăm sóc sức khỏe, ô tô, công nghệ nông nghiệp. Tỷ trọng của các sản phẩm dân dụng trong tổng doanh thu của doanh nghiệp này dự kiến sẽ vượt quá 50% vào năm 2025 tại Việt Nam.
Trong khi đó, về phía Ukraine, nước này đang có 27 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn khoảng 30,1 triệu USD, đứng thứ 67 trên tổng số 138 nước và vùng lãnh thổ đầu tư và Việt Nam.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, tính cả năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Ukraina và Nga chỉ vào khoảng 7,6 tỷ USD, chiếm khoảng 1,2% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước năm 2021.
Tuy tỉ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu không cao nhưng Nga vẫn là đối tác quan trọng của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác quan trọng của Nga ở khu vực Đông Nam Á, với kim ngạch thương mại song phương chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch của Nga với ASEAN.
Theo dữ liệu từ Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), trước đây, chỉ có dầu khí, năng lượng là các mặt hàng cơ bản, quan trọng trong quan hệ hợp tác song phương Việt Nam-Nga.
Hiện tại, trong quan hệ thương mại giữa hai nước xuất hiện những ngành và lĩnh vực hợp tác mới như nông nghiệp, chăn nuôi bò sữa, chế biến các sản phẩm sữa, công nghiệp chế biến, hình thành các chuỗi giá trị mới trong lĩnh vực thủy sản, hợp tác trong lĩnh vực thông tin, vật liệu xây dựng mới.
Ngoài ra, Nga cũng là 1 trong 5 thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu (các thành viên khác của Liên minh còn có Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan). Trong đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) được ký năm 2015 và có hiệu lực từ ngày 5/10/2016.
Đánh giá về căng thẳng Nga - Ukraine ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, nhiều chuyên gia dự báo, rủi ro vĩ mô thế giới nhìn chung cũng có thể gián tiếp ảnh hưởng đà phục hồi chung của nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, nguy cơ lạm phát đang dần hiển hiện.
Về nguồn cung, các lệnh trừng phạt và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm nhiều mặt hàng cơ bản, qua đó trực tiếp làm giá đầu vào của các doanh nghiệp tăng cao. Nguyên nhân vì Nga là một trong số các nước xuất khẩu mặt hàng này sang Việt Nam với kim ngạch lớn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.