Thay phong lá đỏ bằng bàng lá nhỏ: "Tại sao cứ phải cây ngoại lai trong khi Việt Nam có nhiều cây hoa đẹp?"

Gia Khiêm Thứ tư, ngày 07/04/2021 12:26 PM (GMT+7)
Một số chuyên gia cho rằng, Việt Nam xứ sở nhiệt đới có nhiều loài cây hoa đẹp. Tại sao lại phải lựa chọn cây "ngoại lai" trồng ở khu vực đường Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng (Hà Nội)?
Bình luận 0

"Tại sao cứ phải cây ngoại lai trong khi Việt Nam có nhiều cây hoa đẹp?"

Ngày 7/4, trao đổi với PV Dân Việt, GS.TS Lê Đình Khả - nguyên giám đốc Viện Nghiên cứu giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp đã chia sẻ những quan điểm liên quan đến việc Hà Nội có phương án thay thế hàng cây phong trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng bằng cây bàng lá nhỏ.

Thay phong lá đỏ bằng bàng lá nhỏ: "Tại sao cứ phải cây ngoại lai trong khi Việt Nam có nhiều cây hoa đẹp?" - Ảnh 1.

GS.TS Lê Đình Khả - nguyên giám đốc Viện Nghiên cứu giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp.

Theo ông Khả, việc thay thế cây phong lá đỏ tại hai tuyến đường trên đáng lẽ phải thực hiện từ lâu.Tuy nhiên, đến nay mới chuẩn bị công tác thực hiện. Hơn 260 cây phong lá đỏ từng được kỳ vọng biến tuyến phố này như "Châu Âu giữa lòng Hà Nội" nay héo mòn, nhiều cây rơi vào tình trạng chết khô.

Thay phong lá đỏ bằng bàng lá nhỏ: "Tại sao cứ phải cây ngoại lai trong khi Việt Nam có nhiều cây hoa đẹp?" - Ảnh 2.

Hàng cây phong lá đỏ khô héo sau 3 năm trồng tại tuyến đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng.

"Sai lầm lớn nhất của Hà Nội là chọn cây nhưng không trồng thử đã đưa vào trồng với số lượng lớn dù chưa hiểu biết gì về loài phong lá đỏ. Trước đó, tôi còn ngỡ rằng Hà Nội đã trồng thử nghiệm loài cây này xem nó phát triển thế nào. Thế nhưng, khi không thử nghiệm, trồng trên dải phân cách đã chết. Mua cây giống thì đắt tiền, công chăm sóc lớn, bây giờ thay thế thì quá lãng phí", ông Khả chia sẻ.

Về việc trồng cây bàng lá nhỏ thay cho phong lá đỏ, GS.TS Lê Đình Khả cho rằng loài cây này trồng là được. Nhiều tuyến phố Hà Nội cũng đã trồng bàng lá nhỏ từ trước. Đây là cây tán rộng, sinh trưởng tốt.

Tuy nhiên, nguyên giám đốc Viện Nghiên cứu giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp lại mong muốn trồng những cây có nguồn gốc trong nước thay vì các giống cây "ngoại lai".

Thay phong lá đỏ bằng bàng lá nhỏ: "Tại sao cứ phải cây ngoại lai trong khi Việt Nam có nhiều cây hoa đẹp?" - Ảnh 3.

Thay phong lá đỏ bằng bàng lá nhỏ: "Tại sao cứ phải cây ngoại lai trong khi Việt Nam có nhiều cây hoa đẹp?" - Ảnh 4.

Hàng cây bàng lá nhỏ trên đường Trung Kính.

"Đường Nguyễn Chí Thanh là tuyến phố đẹp nhất thủ đô. Tôi nghĩ thành phố không nên vội vàng trồng cây bàng lá nhỏ thay thế ngay. 

Chúng ta nên có buổi tổng kết, xem xét những ý kiến cẩn thận xem ngoài cây bàng lá nhỏ, cây nào đẹp, phù hợp với cảnh quan đô thị tại tuyến phố này hay không. Chúng ta xem lại vụ trồng cây phong lá đỏ, cây mỡ thất bại… để làm bài học", GS.TS Lê Đình Khả chia sẻ.

Ông Khả cũng góp ý kiến cá nhân: "Ví dụ như loài lá đỏ, tôi thấy có cây lộc vừng rất đẹp, mùa hè thì lá sẽ xanh tươi, tới mùa đông chuyển sang xuân, lộc vừng chuyển lá đỏ rất đẹp mắt, sau đó đâm chồi nảy lộc xanh tươi vào mùa xuân. 

Hay cây sau sau lá đỏ. Ngoài ra cây bằng lăng trồng cũng rất đẹp. Vào mùa ra hoa thì tím cả một góc phố. Cây bằng lăng cũng không quá to, mưa đổ không nguy hiểm".

Ông Lê Huy Cường (Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam) cho hay: "Thành phố nên lắng nghe những ý kiến của chuyên gia chuyên ngành. Tại sao cứ thích trồng cây ngoại lai trong khi đó ở Việt Nam là xứ sở nhiệt đới có bao nhiêu cây bản địa đẹp, hoa đẹp".

Tuyến đường đẹp nhất thủ đô từng thất bại khi trồng loài cây nào?

Cách đây 6 năm, dư luận từng xôn xao vụ việc 381 cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh đã được chặt bỏ để thay thế bằng một loại cây mà theo thông tin là "cây vàng tâm". Kinh phí thay thế bằng nguồn vốn xã hội hóa. 

Thay phong lá đỏ bằng bàng lá nhỏ: "Tại sao cứ phải cây ngoại lai trong khi Việt Nam có nhiều cây hoa đẹp?" - Ảnh 6.

Hàng cây mỡ được trồng tại đường Nguyễn Chí Thanh cách đây 6 năm đã vấp phải nhiều ý kiến dư luận.

Tuy nhiên do có phản ứng của dư luận, lãnh đạo thành phố đã cho tạm dừng đề án, đồng thời tiến hành rà soát, thanh tra. Trong kết luận thanh tra của thành phố Hà Nội ban hành sau đó đã xác định cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ, không phải cây vàng tâm.

Thay phong lá đỏ bằng bàng lá nhỏ: "Tại sao cứ phải cây ngoại lai trong khi Việt Nam có nhiều cây hoa đẹp?" - Ảnh 7.

Những cây mỡ sau đó được thay thế bằng cây lát hoa.

Chỉ sau thời gian ngắn được trồng, chiều 31/7/2015, đơn vị chức năng đã bắt đầu chặt hạ cây mỡ trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh. Trước đó 2 ngày, Sở Xây dựng tổ chức họp công bố thay thế toàn bộ cây mỡ trên tuyến đường này bằng cây lát hoa. Việc trồng mới thay thế 247 cây được thực hiện từ ngày 1/8/2015.

Sở Xây dựng Hà Nội đã sử dụng 247 cây lát hoa để thay thế cây gỗ mỡ và trồng mới trên phố Nguyễn Chí Thanh. Chi phí trồng cây thay thế do Công đoàn công an thành phố Hà Nội đóng góp.

Ngày 5/4, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận đề xuất của Sở Xây dựng về việc thay thế hàng cây phong trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng bằng cây bàng lá nhỏ, đường kính thân 10-15cm; chiều cao vút ngọn 6-8m.

Theo đó, hàng cây từng được kỳ vọng là biến tuyến phố như "Châu Âu giữa lòng Hà Nội", sau nhiều lần "chết đi sống lại", sẽ được thay thế hoàn toàn trong thời gian tới. Dự kiến, việc trồng thay thế hệ thống cây xanh mới này sẽ được thực hiện trong tháng 4/2021 và hoàn thành trước dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2021.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem