Thầy thuốc của biển 20 năm đón tết trên nhà giàn

Tùng Anh Thứ tư, ngày 18/11/2015 11:12 AM (GMT+7)
Cứ tết đến xuân về, trong khi mọi người hối hả trở về sum họp, đón tết cùng người thân thì anh lại khoác ba lô lên vai, hướng ra biển. Suốt 25 năm phục vụ trong quân ngũ, anh đón tới 20 cái tết cùng sóng, gió và các đồng đội ngoài biển khơi. Anh là thiếu tá quân y Hoàng Văn Thảnh (Tiểu đoàn DK1, Lữ đoàn 171, Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải quân).
Bình luận 0

Thầy thuốc của… biển

img

Thiếu tá Hoàng Văn Thảnh bên những cây thuốc trên nhà giàn DK1/10.  Nguyễn Thiêm

Một ngày giáp Tết Ất Mùi, trong hải trình đi thăm và chúc tết các chiến sĩ công tác tại các nhà giàn DK1, tôi được gặp anh trên chuyến tàu HQ621. Anh là 1 trong số 5 chiến sĩ ra thay quân và nhận công tác tại nhà giàn DK1/10 dịp Tết Nguyên đán. Thiếu tá Hoàng Văn Thảnh (sinh năm 1966,) dáng người nhỏ, nước da sạm đen vì gió biển nhưng tay chân lúc nào cũng thoăn thoắt. Không thuộc “biên chế” nhà bếp trên tàu nhưng cứ việc bếp núc là anh xắn tay vào làm giúp anh em, từ luộc gà, thái rau đến rán cá… vừa làm anh vừa trò chuyện rôm rả. Thiếu tá Thảnh khoe, đây là lần thứ 20 anh ra nhà giàn đón tết, tất cả các nhà giàn DK1 anh đều đã ở, có nhà giàn anh ở đến 2 – 3 lần. Nhà DK1/10 lần này anh ra là lần thứ 2 nên chẳng khác nào về nhà. Quê anh ở An Viên (Tiên Lữ, Hưng Yên), tốt nghiệp cấp 3, anh nhập ngũ sau đó được cử đi học trung cấp quân y và về công tác tại Vùng 4 Hải quân. Năm 1992, anh được chuyển về biên chế tại Tiểu đoàn DK1 thuộc Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân. Nhiệm vụ của anh là khám chữa bệnh cho anh em chiến sĩ thuộc lữ đoàn và chữa bệnh cho bà con ngư dân.

“Do đặc thù công việc, tôi có nhiều chuyến công tác tại các nhà giàn để khám chữa bệnh và phát thuốc cho anh em chiến sĩ. Cuối năm, việc khám chữa bệnh rất bức thiết, chính vì vậy cứ cuối năm tôi lại ra đón tết ở nhà giàn”- thiếu tá Thảnh tâm sự.

25 năm làm “thầy thuốc của biển”, thiếu tá Thảnh đã chữa được không ít ca bệnh nguy hiểm cho các chiến sĩ và ngư dân. Anh kể: “Cứ nghe tín hiệu cấp cứu từ bộ đàm, bất kể ngày đêm tôi đều phải xuống xuồng để tìm đến thăm khám cho bệnh nhân. Có những trường hợp ngư dân đứt lìa 3 ngón tay vì va vào vỉa san hô ngầm, tôi khâu băng bó khử trùng. Rồi có trường hợp ngư dân lặn xuống biển sâu 20m, khi lên bị bí đại tiểu tiện, bụng trướng to nhiều ngày, tôi cũng phải tìm đủ mọi cách để thông đại tiểu tiện”.

Công việc của một thầy thuốc trên đất liền đã khó, trên biển càng khó khăn gấp bội, thiếu tá Thảnh cho biết, có những khi chỉ là động tác lấy ven để truyền nước cho ngư dân trên tàu mà anh cũng rất vất vả: “Sóng to, thuyển tròng trành xô bên này lật bên kia, kim cắm vào ven nhưng không giữ được, bật tóe máu. Cả tiếng đồng hồ vừa phải giữ cây truyền vừa phải giữ kim mới được” – thiếu tá Thảnh kể.

Hành trang đến các nhà giàn của vị y sỹ quân y này không chỉ là các dụng cụ thuốc men tây y. Đến mỗi nhà, anh đều cần mẫn gây dựng những vườn thuốc đông y nho nhỏ. Những cây gừng, sả, hắc hương, nhọ nhồi, dấp cá, lá mơ… theo anh có rất nhiều tác dụng cho sức khỏe của chiến sĩ trong các trường hợp bị đau bụng, cảm sốt, trúng gió…

20 cái tết chưa biết tới sum họp gia đình

Quan điểm

Thiếu tá Hoàng Văn Thản

  Tết nhà giàn đối với tôi vẫn vô cùng ấm áp, nhất là mỗi lần nhớ đến những dòng thư của con gái tôi: “Con yêu bố và yêu cả những nhà giàn, yêu thầm lục địa, yêu vùng biển, vùng trời đất nước mình, nơi bố đã gắn trọn cuộc đời mình vào đó”...  

Đón tết ở các nhà giàn DK1 những năm gần đây đã đầy đủ hơn trước, cũng bánh chưng xanh, đào thắm, mai vàng, thịt lợn, thịt gà... Những cái Tết “nhà giàn” đã thành quá đỗi quen thuộc với anh em cán bộ, chiến sĩ hải quân. Dù không người thân nhưng vẫn đầy ắp tình đồng đội. Điều đó phần nào làm vơi đi nỗi nhớ nhà.

20 năm ăn tết xa nhà, thiếu tá Thảnh cho biết những cái tết đầu tiên của anh ngoài biển là những cái Tết vô cũng khó khăn đối với vợ và các con anh trên đất liền. Năm 1992, sau khi nhận nhiệm vụ tại Tiểu đoàn DK1 anh cũng đưa vợ con từ Hưng Yên vào TP.Vũng Tàu định cư. Năm nào giáp tết, chị Phan Thị Thúy- vợ anh cũng ra tận cầu cảng để tiễn chồng ra nhà giàn đón tết.

Hai đứa con của anh hiện đều đã khôn lớn. Nhưng cũng 20 năm nay chúng chưa biết đến một cái tết sum họp cả gia đình. Thiếu tá Thảnh nghẹn ngào nhớ lại: “Khi con gái tôi còn nhỏ, mỗi tết gọi điện về nhà cho con, nó đều trách bố sao không về ăn tết với mẹ con. Mẹ nó thì bảo các con buồn lắm, cứ lủi thủi cả ngày chẳng chịu đi đâu. Mình nghe mà muốn rớt nước mắt. Lớn lên, các cháu đều hiểu và tự hào về bố và cũng động viên tôi nhiều lắm.

Vậy là bao năm nay, gia đình thiếu tá Thảnh dù phải đón những cái tết không được sum họp như hàng triệu gia đình khác, nhưng vẫn đầy sự đầm ấm, tình cảm. “Bố về nhà khi nào thì khi ấy là tết”– lời cháu Huyền Trang. Còn với anh Thảnh: “Một năm tôi có 40 ngày phép. 40 ngày phép ấy là 40 ngày tết, ngày nào cũng vui vẻ, hân hoan, cơm ngon canh ngọt, vợ con cười đùa ríu ran. Đối với lính nhà giàn như thế là quá đủ”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem