Năm 2023, có 4 dự án của học sinh phổ thông Việt Nam được lọt vào cuộc thi này. Trong đó có dự án của nhóm học sinh, giáo viên Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh Nghệ An – lần đầu tiên tham gia một cuộc thi Khoa học kỹ thuật tại nước ngoài, tự thuyết minh hoàn toàn bằng tiếng Anh. Đó là dự án “Xác định hệ số nhớt của chất lỏng bằng phương pháp phân tích chuyển động Brow của các hạt kích thước micromet trong kìm quang học”.
Cuộc thi Phát minh và Sáng chế INTARG (International Invention and Innovation - INTARG) là cuộc thi quốc tế dành cho các phát minh, sáng chế và sản phẩm công nghệ mang tính đột phá gắn với thực tiễn. Đây là cơ hội tiếp xúc và gặp gỡ trực tiếp giữa các đại diện khoa học, ngành công nghiệp và doanh nghiệp xung quanh, các đơn vị hỗ trợ và tài trợ cho nghiên cứu và phát triển khoa học. Tại Việt Nam, cuộc thi này được Bộ GD&ĐT ủy quyền cho Hội Vật lý Việt Nam tổ chức, bồi dưỡng, hướng dẫn các đội tham dự.
Người hướng dẫn đề tài này là thầy giáo – tiến sĩ Vật lý Phan Văn Thuận, Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh Nghệ An. Theo thầy Thuận, thầy biết đến cuộc thi này từ năm 2017, khi đang là nghiên cứu sinh và làm việc với Hội Vật lý Việt Nam. Sau này, khi đã bảo vệ tiến sỹ thành công, quay về trường công tác, thầy vẫn tiếp tục nghiên cứu và luôn truyền đam mê khoa học kỹ thuật cho học trò với nhiều cách.
Năm 2023, thầy phát hiện được 2 học sinh Vy Lương Mai (dân tộc Thái đến từ huyện Con Cuông) và Trần Công Triển đều đang học lớp 10 nhưng có tố chất, năng lực, thích khám phá và đam mê tìm tòi khoa học kỹ thuật, ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế. Vì vậy, thầy đã khuyến khích, động viên các em cùng đồng hành với mình trong dự án “Xác định hệ số nhớt của chất lỏng bằng phương pháp phân tích chuyển động Brown của các hạt kích thước micromet trong kìm quang học”.
Thầy Phan Văn Thuận cho biết, đề tài này được thầy ấp ủ, tìm hiểu, nghiên cứu trong thời gian khá dài. Xuất phát từ việc sử dụng kìm quang học đã và đang được nghiên cứu để điều khiển, di chuyển các đối tượng vi mô (như vi khuẩn, hồng cầu, ADN,...) trong lĩnh vực y sinh. Trên cơ sở đó, đề tài sẽ phát triển thêm tính năng đo lực liên kết trong chuỗi AND, giúp các nhà nghiên cứu y sinh có thể dự đoán các tác nhân gây ra sự đứt gãy chuỗi ADN.
“Dự án nghe tên dường như phức tạp đối với học sinh, nhưng thực tế nếu các em nắm vững lý thuyết, vận dụng vào thực tế thì nó sẽ rõ ràng và có thể thực hiện thành công", thầy Thuận nói.
Tất nhiên, việc lựa chọn đồng hành với học sinh, nhất là các em lớp 10 có nhiều khó khăn: kiến thức của học sinh và kinh nghiệm báo cáo trước các nhà khoa học còn khá hạn chế. Tuy nhiên đây là cơ hội để học trò thử sức, học hỏi và tự khai mở khả năng của mình. Thực tế, thầy rất bất ngờ trước sự cố gắng của các em, thậm chí, dù mới học lớp 10, nhưng các em có ý thức tự học và tự nghiên cứu tiếp cận kiến thức Vật lý của lớp 11 và lớp 12 để phục vụ cho dự án.
Vấn đề lo lắng khác là tiếng Anh – vốn không phải là lợi thế thường thấy của học trò dân tộc nội trú. Tuy nhiên, Vi Lương Mai học lớp định hướng tổ hợp Toán – Lý – Anh nên em đã rất cố gắng trong chuẩn bị thuyết trình dự án hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Do tính chất của kỳ thi, học sinh dự thi không có sự tham gia của giáo viên hướng dẫn đề tài, mà chỉ có sự đồng hành của thành viên Hội Vật lý Việt Nam. Đối với nhóm 2 học sinh Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh Nghệ An lại khó khăn hơn khi em Trần Công Triển gặp vấn đề visa và bị lỡ hẹn với cuộc thi. Mọi nhiệm vụ, hi vọng trao lên vai của Vy Lương Mai. Còn quá trình thi thầy Phan Văn Thuận và em Triển sẽ hỗ trợ Mai qua trực tuyến.
Lần đầu được đặt chân đến một đất nước khác, ở châu Âu xa xôi đối với nữ sinh người Thái đầy bỡ ngỡ. Thành viên của đoàn là các bạn đến từ trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, Trường THPT chuyên Hạ Long (Quảng Ninh) nên trước đó Vi Lương Mai cũng chưa có nhiều thời gian tiếp xúc.
Nữ sinh kể lại, tương tự như các cuộc thi KHKT ở tỉnh, có khu trưng bày các dự án, trong đó, những sản phẩm của đoàn Việt Nam đều được bố trí ở một gian hàng. Ban Giám khảo sẽ đến từng nước và yêu cầu nhóm tác giả tự thuyết trình bằng tiếng Anh. “Với đề tài mà em đại diện cho nhóm của trường thuyết trình, em không quá lo lắng vì trước đó quá trình thực hiện đề tài cùng thầy giáo và bạn Triển em đã hiểu và nắm rõ mọi khâu. Đồng thời thử nói bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt nên em khá tự tin với kiến thức của mình cũng như mạnh dạn trực tiếp trao đổi với thành viên ban giám khảo. Điều mừng nhất là em thấy được sự đồng tình và ghi nhận của giám khảo”, Lương Mai nói.
Vi Lương Mai đã xuất sắc hoàn thành chặng đường cuối cùng của dự án, đem về tấm Huy chương Vàng và giải Đặc biệt của cuộc thi từ đất nước Ba Lan xa xôi về cho đoàn Việt Nam cũng như ngôi trường nội trú Nghệ An.
Với Vi Lương Mai và Trần Công Triển, từ khi được thầy giáo tin tưởng lựa chọn, động viên, tham gia dự án thi Phát minh và Sáng chế INTARG tại Ba Lan cũng là hành trình các em từ bản làng bước ra biển lớn. Ở đó, các em không chỉ cần kiến thức, mà còn nhiều kỹ năng khác như tư duy khoa học, làm việc nhóm, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp… Hành trình đó đã để lại cho các em cả thử thách, cơ hội, thành quả và quan trọng nhất là những trải nghiệm quý giá cho cả hành trình sau này.
Cô Nguyễn Kiều Hoa - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tấm Huy chương Vàng đạt được là một niềm vui bất ngờ nhưng đó cũng là định hướng giáo dục mà nhà trường đang triển khai.nhà trường ở đấu trường quốc tế.
Theo cô Kiều Hoa, so với nhiều trường THPT trên địa bàn, chất lượng thi đầu vào lớp 10 của Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh rất thấp, nhất là với các môn tự nhiên và môn Tiếng Anh. Học sinh đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng đặc biệt khó khăn, nên nhiều kỹ năng còn hạn chế. Thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhà trường luôn cố gắng tạo môi trường để học sinh phát triển toàn diện. Trong đó không chỉ chú trọng dạy kiến thức môn văn hóa, mà còn trang bị nhiều kỹ năng khác cho học sinh.
Chiến thắng ở cuộc thi Khoa học kỹ thuật phát minh sáng chế quốc tế INTARG với tấm Huy chương Vàng và giải Đặc biệt của cuộc thi đã chứng minh được điều này và là những khởi đầu thuận lợi của nhà trường. Trước đó, nhóm học sinh của trường cũng đã từng giành Huy chương Bạc Olympic Toán học tại Thái Lan. Những kết quả này cũng giúp học sinh nhà trường tự tin hơn về năng lực, khả năng của mình, tạo động lực để các em phá bỏ giới hạn, định kiến để thỏa mãn đam mê và tỏa sáng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.