Không chỉ với người hâm mộ Thể Công mà trong suy nghĩ của CĐV cả nước, Thể Công chưa bao giờ “chết”. Cách đây khoảng 15 năm khi Thể Công có thời gian mang tên CLB Quân Đội, thì nhiều người vẫn gọi những điểm sáng: Mạnh Cường, Hồng Sơn, Việt Hoàng, Hải Biên, Quang Hà… là những cầu thủ Thể Công.
Sân Vinh những ngày ấy được coi là “chảo lửa” nhưng mỗi khi Hồng Sơn ra sân vẫn nhận được những tình cảm đặc biệt từ phía CĐV xứ Nghệ. Sân Hàng Đẫy chật kín người nhưng trong “rừng người” cổ vũ cho CAHN vẫn có rất nhiều tràng pháo tay tán thưởng những pha phối hợp mang tên “cơn lốc đỏ”. Thể Công gần như là đội bóng duy nhất Việt Nam có khả năng biến CĐV đối phương thành... CĐV nhà!
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/3-2011/images/2011-09-26/1434699884-230_9_nguoi-ham-mo-the-cong...jpg.jpg) |
Người hâm mộ đang mong Thể Công quay trở lại. |
“Một lần Thể Công, mãi mãi Thể Công” - đội bóng của những anh lính Cụ Hồ đã chiếm trọn tình yêu của giới hâm mộ Việt Nam nhưng việc “phục hưng” hiện mới chỉ nằm ở mức độ những khát khao: “Tôi tin việc khôi phục lại Thể Công không chỉ là mong muốn, khát khao của CĐV, các cựu cầu thủ Thể Công, mà còn là nguyện vọng của CĐV cả nước, và các lãnh đạo có vị trí cao ở Bộ Quốc phòng.
Việc thu thập 1 triệu chữ ký vì thế không có gì khó khăn cả. Nhưng từ lúc thu thập đủ chữ ký, tới lúc Thể Công trở lại là bao lâu? Tôi nghĩ, sớm nhất cũng phải 3 năm” - nghệ sĩ Đức Trung, nguyên Chủ nhiệm Hội CĐV Thể Công cho biết.
Ý nghĩa màu cờ sắc áo
Đến nay, những cựu danh thủ Thể Công nhiều thế hệ: Thế Anh, Cao Cường, Nguyễn Sỹ Hiển, Vương Tiến Dũng, Nguyễn Trọng Giáp, Đức Thắng, Phương Nam, Bảo Khanh… đã ký tên tham gia chương trình: “Đã có nhiều cách lý giải cho việc V.League không hút được khán giả: Trọng tài bắt không tốt, các đội bóng chơi thiếu tích cực, bạo lực sân cỏ…
Nhưng theo tôi, còn một lý do quan trọng khác, ít được nhắc đến là truyền thống. Nếu Thể Công trở lại tôi chắc chắn khán giả sẽ không quay lưng. Khi cầu thủ khoác áo một đội bóng giàu truyền thống, họ cũng sẽ ý thức chuyên nghiệp, có trách nhiệm hoàn thiện mình hơn, thay vì chỉ nghĩ tới tiền” - ông Vương Tiến Dũng vốn là cựu cầu thủ Thể Công bày tỏ.
Nghệ sĩ Đức Trung: “Việc Thể Công từng rớt hạng năm 2004, rồi tới khi V.League 2009 kết thúc lại chuyển giao cho Thanh Hóa khiến nhiều người phải suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng nếu muốn khôi phục lại một cách đàng hoàng”.
Và việc mới đây bầu Kiên quyết định đặt tên cho đội bóng mới sáp nhập giữa HP.Hà Nội và Hà Nội ACB là CLB Hà Nội thi đấu ở V.League 2012 cũng không nằm ngoài ý nghĩa ấy. Nó cũng là lời chứng minh bầu Kiên này muốn làm bóng đá lâu dài, tử tế, chứ không dùng bóng đá như một công cụ đánh bóng thương hiệu doanh nghiệp.
Trong tình hình thực tế, việc khôi phục Thể Công gắn với một doanh nghiệp quân đội là phương án “vẹn toàn” nhất.
“Ý tưởng của chúng tôi trước mắt chỉ hướng tới việc tác động tới các cấp lãnh đạo. Sau đó, các đội U của Thể Công phải được đầu tư chiều sâu, phấn đấu có suất chơi ở giải hạng Nhất đã rồi muốn quyết định gì mới quyết định được chứ. Bóng đá chuyên nghiệp thì không thể tách khỏi doanh nghiệp và quân đội không thiếu những doanh nghiệp có tiềm năng kinh tế. Vấn đề là phải thay đổi cơ chế, cởi mở hơn, chứ nếu như nếp cũ thì cũng khó làm lắm” - ông Vương Tiến Dũng nói.
Lê Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.