Dưới đây là trích đăng bài viết của một số hãng thông tấn, báo đáng chú ý trong hai ngày qua, sau vụ tàu Trung Quốc phá hoại cáp tàu khảo sát của Việt Nam.
Tờ New York Times, với tiêu đề "căng thẳng bùng lên" ở Biển Đông, cho rằng tình hình hiện nay chứng tỏ cơ chế Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông không có hiệu quả. Đây là nhận xét của Michael Vatikiotis, chuyên gia an ninh tại Trung tâm đối thoại nhân văn Singapore.
"Các nước láng giềng của Trung Quốc ngày càng bất bình với việc Quân đội Giải phóng nhân dân PLA thiết lập căn cứ tàu ngầm ở đảo Hải Nam, ngay rìa phía bắc của khu vực biển tranh chấp".
Báo này dẫn bình luận của chuyên gia an ninh biển Mark Valencia - một người giỏi có tiếng trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, như sau: "Dường như các vụ va chạm giữa Trung Quốc và các bên tuyên bố chủ quyền khác đang ngày càng tăng.
"Tại sao lại là bây giờ?", chuyên gia đặt câu hỏi. Nhìn từ góc độ Trung Quốc, "có lẽ là do bây giờ họ đã có đủ lực lượng".
Đài tiếng nói Hoa Kỳ VOA dẫn thông tin từ văn bản do Giám đốc CIA Leon Panetta gửi Quốc hội Mỹ trong quá trình xem xét việc ông sẽ trở thành Bộ trưởng Quốc phòng. Trong văn bản này, Panetta nhận xét rằng, Trung Quốc dường như đang xây dựng lực lượng để "chiến đấu và chiến thắng trong những cuộc xung đột quyết liệt và chớp nhoáng" trên các đường biên giới nước này.
VOA tường thuật lại một số vụ đụng độ vừa qua trên biển giữa các tàu của Trung Quốc với tàu Việt Nam và Philippines, trong khi các quan chức Trung Quốc luôn khẳng định ủng hộ hòa bình và ổn định trên Biển Đông.
|
Tàu khảo sát của Mỹ và các tàu của Trung Quốc trong một vụ va chạm trên Biển Đông năm 2009. Mỹ tố cáo Trung Quốc vi phạm luật lệ quốc tế khi cho tàu quấy rối tàu Mỹ. Bắc Kinh đáp lại rằng tàu Mỹ "do thám". Ảnh: US Navy. |
Giám đốc CIA lưu ý với Quốc hội Mỹ rằng, Trung Quốc có vẻ như đang xây dựng lực lượng chuẩn bị cho các xung đột tiềm tàng liên quan đến Đài Loan, kể cả khi có sự can thiệp của Mỹ. Ông chủ tương lai của Lầu Năm Góc đề nghị Mỹ theo dõi sát sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc trong lúc vẫn phải tìm cách duy trì hòa bình và ổn định, cũng như giảm nguy cơ xung đột trong khu vực này.
Bản tin của BBC hôm qua, sau khi điểm lại tình hình căng thẳng leo thang hiện nay trên Biển Đông, nhấn mạnh thực tế rằng, "Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề tranh chấp với từng quốc gia riêng lẻ. Việt Nam, Indonesia và Philippines muốn xây dựng nỗ lực chung của cả khu vực nhằm tìm một giải pháp đa phương cho cuộc xung đột".
Bản tin của Inquirer, nhật báo hàng đầu của Philippines, dẫn tuyên bố mạnh mẽ của thượng nghị sĩ Francis Pangilinan kêu gọi chính phủ không quỳ gối trước sức ép của Trung Quốc.
"Chúng ta không để bị bắt nạt bởi cách cư xử phi ngoại giao này", tuyên bố của ông Pangilinan đưa ra sau khi đại sứ Trung Quốc tại Manila Lưu Kiến Siêu yêu cầu các nước khác không được khai thác tài nguyên ở Trường Sa.
"Chúng ta không bao giờ cho phép thế lực nào ép buộc chúng ta tuân lệnh", Pangilinan nói thêm.
Các nghị sĩ Philippines có những luồng ý kiến khác nhau: nếu giải quyết hòa bình tránh leo thang căng thẳng - bằng cách đưa vấn đề tranh chấp ra LHQ và ASEAN, chẳng hạn theo cơ chế ASEAN+1.
"Chúng ta nên theo cách này thay vì đồng tình với đề xuất củng cố quân đội Philippines, bởi điều đó sẽ chỉ kích động Trung Quốc có thêm các hành động thù địch trong khu vực mà thôi", nghị sĩ Rodolfo Biazon nói.
Nghị sĩ Ben Evardone thì cho rằng ASEAN và LHQ nên tham gia dập tắt tình trạng leo thang căng thẳng hiện nay giữa các bên tranh chấp. "Các bên nên tránh những cuộc khẩu chiến qua lại. Tôi nghĩ đã đến lúc cần có tuyên bố đình chiến truyền thông, nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra xung đột lớn".
Tờ Daily Youmuri, Nhật Bản đăng bài xã luận với tiêu đề "Bắc Kinh cần kiềm chế trên biển", cho rằng Trung Quốc đã phá vỡ cam kết trong DOC 2002.
Báo này nhận xét rằng dù tại Đối thoại an ninh Shangri-La vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt khẳng định Bắc Kinh ủng hộ hòa bình trên Biển Đông, và rằng khu vực này vẫn ổn định, nhưng hai người đồng nhiệm Việt Nan và Philippines ngay lập tức có những tuyên bố khác hẳn về tình hình.
"Trung Quốc sẽ không có được lòng tin của cộng đồng quốc tế nếu những điều họ nói không giống những gì họ làm", xã luận có đoạn.
Báo Nhật này cho rằng Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra ngang nhiên trên biển bởi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm của nước này đã đặt trọng tâm vào mở rộng các lợi ích trên biển.
Và vì thế "các thành viên ASEAN phải đoàn kết chặt chẽ" để bảo vệ vùng biển của họ, không để Trung Quốc biến nó thành "ao nhà".
Theo VnExpress
Vui lòng nhập nội dung bình luận.