Thế giới - những dự cảm 2013

Thứ hai, ngày 18/02/2013 09:33 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những cuộc chuyển giao quyền lực quan trọng trên chính trường thế giới năm 2012 đã mang lại làn gió mới cho năm 2013. Thế giới chờ đợi bàn tay kiến tạo của các nhà lãnh đạo giúp hóa giải những bất đồng và cùng nhau thịnh vượng...
Bình luận 0

Tranh chấp chủ quyền biển đảo

Trong năm 2012, nổi lên ở khu vực châu Á là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải ở Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á cũng như giữa Trung Quốc và Nhật Bản đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đối với quần đảo Takeshima/Dokdo gây căng thẳng trong khu vực.

img
Tổng thống tái cử của Mỹ Barack Obama được kỳ vọng làm thay đổi nước Mỹ và thế giới trong 4 năm tới.

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải trong khu vực, ASEAN đã ra tuyên bố "Nguyên tắc 6 điểm về vấn đề Biển Đông" nhằm tái khẳng định lập trường của khối, yêu cầu các bên liên quan tôn trọng, tuân thủ các cam kết mang tính khu vực và luật pháp quốc tế trong hành xử ở Biển Đông.

Tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản trong năm qua về chủ quyền quần đảo Nam Kurils/các vùng lãnh thổ phương Bắc cũng thu hút sự chú ý của dư luận, khởi nguồn từ việc Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hồi đầu tháng 7.2012 thực hiện chuyến thăm thứ hai tới quần đảo tranh chấp. Thực tế cho thấy mặc dù Nga và Nhật Bản thường xuyên đưa ra những tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Nam Kurils/các vùng lãnh thổ phương Bắc, song người ta vẫn thấy Nga và Nhật Bản gia tăng các nỗ lực nhằm tìm cách thiết lập mối quan hệ hữu nghị mới.

Kể từ khi trở lại Điện Kremlin, Tổng thống Putin đã chủ trương làm ấm lại mối quan hệ khá lạnh nhạt kéo dài nhiều thập kỷ giữa hai nước. Đích thân Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã phát đi một tín hiệu tích cực rằng Nga sẵn sàng thảo luận về một hiệp ước hòa bình với Nhật Bản trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Điểm nóng Đông Bắc Á

Tại khu vực Đông Bắc Á, tranh chấp chủ quyền biển đảo cũng nóng lên. Vùng quần đảo không có người sinh sống, song dồi dào nguồn thủy hải sản và tài nguyên mà Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư đã trở thành tiêu điểm tranh cãi giữa 2 nước kể từ tháng 7.2012. Căng thẳng trong quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc lên tới đỉnh điểm sau khi Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp. Các cuộc biểu tình chống Nhật Bản ở Trung Quốc khiến nhiều cửa hàng và tài sản của người Nhật Bản bị hư hại, gây thiệt hại lớn cho các công ty Nhật Bản làm ăn ở Trung Quốc. Nhiều hoạt động giao lưu quân sự giữa hai bên cũng bị đình lại.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra từ ngày 8 đến ngày 14.11.2102 là một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất 10 năm qua ở Trung Quốc. Đại hội đã hoàn thành việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo, đồng chí Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Căng thẳng tiếp tục gia tăng khi Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản liên tiếp cáo buộc tàu và máy bay Trung Quốc xâm phạm vùng biển và không phận quần đảo Senkaku. Để trả đũa, Nhật Bản đã điều động chiến đấu cơ tới khu vực tranh chấp. Hiện dư luận đang rất lo ngại việc ông Shinzo Abe, với quan điểm cứng rắn, trở lại làm Thủ tướng Nhật Bản, quan hệ Nhật - Trung có thể sẽ căng thẳng hơn.

Tuy nhiên, có nhiều lý do để dư luận hy vọng rằng sự ràng buộc với nhau về mặt kinh tế có thể là nhân tố quan trọng để ông Abe có những bước đi cụ thể nhằm hàn gắn mối quan hệ vốn đang căng thẳng giữa hai nước. Thực tế cho thấy, các mối quan hệ kinh tế ngày càng phát triển của Nhật Bản và Trung Quốc đã mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia và giúp thúc đẩy sự phát triển chung của cả khu vực.

Căng thẳng ngoại giao cũng nổ ra giữa Nhật Bản và Hàn Quốc sau khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak ngày 10.8.2012 thăm quần đảo tranh chấp Dokdo/Takeshima.

Cao điểm của tình trạng căng thẳng là hai nước cùng quyết định triệu hồi đại sứ, khiến quan hệ Nhật - Hàn rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Tuy nhiên, sự thay đổi lãnh đạo gần như đồng thời tại Nhật Bản và Hàn Quốc trong những ngày cuối cùng của năm đang làm dấy lên hy vọng rằng tranh cãi chủ quyền biển đảo sẽ có cơ hội lắng dịu dù không hề dễ dàng.

Những dự cảm năm 2013

Với bức tranh đan xen như vậy của năm 2012, năm 2013 được đánh giá sẽ là năm mở đầu giai đoạn thế giới sẽ trải qua những sự kiện có tính bước ngoặt, trong đó nhân loại bước vào kỷ nguyên những thay đổi căn bản dưới tác động của những điều chỉnh chiến lược của 3 nước lớn sau khi Vladimir Putin trở lại cầm quyền ở Nga, sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo ở Trung Quốc và sự kế tục nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Cuộc bầu cử tổng thống ngày 6.11.2012 đưa đương kim Tổng thống Barack Obama tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa là cuộc bầu cử đầy kịch tính đến phút chót. Với lời hiệu triệu đưa nước Mỹ "tiến về phía trước" trong nhiệm kỳ tới, việc ông Barack Obama có thể "thay đổi" nước Mỹ và thế giới hay không vẫn còn là một câu hỏi lớn và điều này sẽ tác động không nhỏ tới cục diện chính trị quốc tế.

Trong năm tới, 3 nước này sẽ triển khai điều chỉnh chiến lược phát triển đất nước và chắc chắn sẽ có tác động lớn tới tình hình quốc tế nhiều năm tới.

Ở Mỹ, Tổng thống Barack Obama sẽ phải vượt qua tình trạng chia rẽ và mâu thuẫn đảng phái trên chính trường. Năm nay sẽ là thử thách đối với chiến lược phát triển nước Nga đến năm 2020 của Tổng thống Putin và lần đầu tiên nước Nga đảm nhiệm vai trò Chủ tịch G-20 với hy vọng sẽ đề xuất sáng kiến giúp thế giới vượt qua khủng hoảng. Ở Trung Quốc sẽ mở đầu giai đoạn được nhận định là "thời cơ lịch sử mới" với sự điều chỉnh chiến lược lớn hướng trọng tâm vào thị trường trong nước...

Ở Bắc Phi và Trung Đông, các biến động chính trị - xã hội sẽ trải qua giai đoạn có tính bước ngoặt trong việc hóa giải cuộc xung đột ở Syria, liên quan chặt chẽ với tình hình Iran và quan hệ Palestines - Israel. Đó sẽ là "ranh giới đỏ" mà sau đó sẽ bộc lộ toàn bộ những toan tính của các nước lớn, trước hết là Mỹ trong chiến lược toàn cầu ở Trung Đông.

Năm 2013 dự kiến chứng kiến giai đoạn mới của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế ở Mỹ và EU, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, chính trị và an ninh của thế giới. Mỹ và Anh đã soạn thảo kế hoạch phối hợp hành động để sẵn sàng ứng phó trước sự sụp đổ của 16 ngân hàng lớn nhất thế giới có giá trị toàn cầu ở 2 quốc gia này. Sự phá sản này sẽ tác động tới toàn bộ nền kinh tế thế giới.

Lực lượng bảo đảm an ninh quốc tế sẽ bắt đầu rút khỏi Afghanistan và sẽ kết thúc sự hiện diện tại đây vào năm 2014 trong bối cảnh Taliban sẽ trở lại chính trường ở Kabul. Trong năm nay cũng sẽ chứng kiến những diễn biến mới đầy kịch tính ở Đông Bắc Á, nơi cả 4 nước khu vực này là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đều có ban lãnh đạo mới, với những điều chỉnh chiến lược ẩn chứa những yếu tố bất định, khó dự báo trước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem