Thể hiện lòng tự trọng

Thứ sáu, ngày 22/03/2013 07:10 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dự thảo Nghị định về quản lý lĩnh vực giáo dục, mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về dạy thêm dao động từ 3 - 30 triệu đồng. Trong đó, phạt 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi cắt giảm chương trình chính khóa để đưa vào dạy thêm, ép buộc học sinh học thêm; từ 5 - 10 triệu đồng đối với đơn vị tổ chức dạy thêm ở địa điểm không đảm bảo quy định…
Bình luận 0

Mức phạt rất cao này chưa chính thức có hiệu lực nhưng nhiều người đã lo ngại nó sẽ vô hiệu bởi “chúng tôi không muốn dạy thêm nhưng phụ huynh học sinh có nguyện vọng nên khó từ chối”, “Chúng tôi không muốn cho con đi học thêm nhưng các thầy cô muốn nên đành phải cho con học thêm”… Hai lý do phổ biến, hai mệnh đề tưởng trái ngược nhau này được cả giáo viên, phụ huynh và học sinh dùng tới khi nạn DTHT được coi là “trầm trọng hóa”.

Thực tế, Thông tư 17 của Bộ GDĐT ra đời gần 1 năm trước đã không thể chặn đứng được chuyện DTHT. Với dự thảo nghị định này, giáo viên cũng có muôn vàn cách “lách” nếu họ vẫn muốn mở lớp, kiếm thêm từ dạy thêm; những gia đình có nhu cầu cũng vẫn sẽ tìm cho mình những gia sư (không công tác tại các trường công lập như quy định cấm trên) để dạy học cho con mình….

Tuy nhiên, những nhà giáo dục tâm huyết cho rằng, kiến thức giáo dục phổ thông trong sách giáo khoa, học chính khóa là đã đầy đủ để giúp cho trẻ phát triển học vấn một cách bình thường. Không cần phải học thêm, các em vẫn có đủ các kỹ năng, kiến thức phổ thông cần thiết, nếu giáo viên dạy dỗ tâm huyết và phụ huynh sát sao với việc học của con.

Vậy thì thực sự cần phải có “liều thuốc” để chữa “bệnh dạy thêm” đang ngày càng trầm kha. Và như vậy, vẫn phải quy định cụ thể, vẫn phải phạt bởi đó là một cái cớ để cả giáo viên và phụ huynh thể hiện lòng tự trọng của mình khi dám thẳng thắn nói “không” với DTHT. Khi dự thảo nghị định đưa ra để lấy ý kiến, nhiều người cho rằng đó là một sự xúc phạm đối với các bậc thầy, cô tôn kính vì nó chỉ ra rằng các thầy cô là nguyên nhân chủ đạo dẫn đến việc DTHT tràn lan.

Thế nhưng, quy định ấy không xúc phạm được ai cả khi các thầy cô nói từ “không” với dạy thêm và học thêm. Lúc đó thay vì hai câu nói trái ngược nhau như trên thì sẽ là hai câu nói không hề mâu thuẫn: “Phụ huynh có nhu cầu nhưng theo quy định, chúng tôi không thể dạy thêm” và “các thầy cô muốn nhưng do quy định, chúng tôi không thể cho con đi học thêm”.

Hãy thể hiện lòng tự trọng bằng cách nói “không”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem