Thể thao Việt Nam đã dự 10 kỳ Olympic, thành tích ra sao?

Song Minh Thứ tư, ngày 24/07/2024 11:10 AM (GMT+7)
44 năm đã qua kể từ lần đầu dự Olympic Moscow 1980 tại Nga, Thể thao Việt Nam (TTVN) đã giành được 1 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ. Hướng tới Olympic Paris 2024, đoàn TTVN đã thể hiện quyết tâm có thêm huy chương Thế vận hội.
Bình luận 0

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành HCV lịch sử Olympic Rio 2016

Kể từ khi Việt Nam hội nhập với thể thao quốc tế và trở thành thành viên chính thức của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) vào tháng 4/1980, Olympic Moscow 1980 là lần đầu tiên các VĐV Việt Nam góp mặt tại ngày hội thể thao lớn nhất thế giới.

Olympic Paris 2024 là kỳ Olympic thứ 11 mà đoàn TTVN tham gia tranh tài. Tính tới lúc này, TTVN đã giành được 5 huy chương các loại, trong đó có 1 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ.

Olympic Rio 2016 là Đại hội thành công nhất của TTVN khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh (bắn súng) đi vào lịch sử khi giành 1 HCV 10m súng ngắn hơi và 1 HCB nội dung 50m súng ngắn bắn chậm.

Trước đó, phải mất 20 năm kể từ lần đầu tiên dự Olympic, TTVN mới giành đươc tấm huy chương đầu tiên mang tên nữ võ sĩ Taekwondo Trần Hiếu Ngân khi giành HCB hạng -57kg Olympic Sydney 2000.

Tới Olympic Bắc Kinh 2008, lực sĩ cử tạ Hoàng Anh Tuấn giành HCB hạng 56kg nam. Cũng ở hạng cân này tại Olympic London 2012, lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn xếp thứ 4, sau đó nhận HCĐ "muộn" khi VĐV giành HCĐ là Valentin Hristov (Azerbaijan) dính doping.

Trước giờ khai mạc Olympic Paris 2024 vào ngày 26/7 tới, Dân Việt điểm lại hành trình của đoàn TTVN tại 10 kỳ Olympic đã qua:

Olympic Moscow (Nga) 1980: Đoàn TTVN tham dự với 35 VĐV tranh tài ở 4 môn thi đấu: Bơi lội (11 VĐV), vật tự do (8), điền kinh (9), bắn súng (7) và không giành huy chương.

Olympic Seoul (Hàn Quốc) 1988: TTVN tham dự với 10 VĐV tranh tài ở 6 môn thi: điền kinh (Nguyễn Văn Thuyết, Nguyễn Đình Minh), bơi (Nguyễn Trọng Bản, Quách Hoài Nam, Nguyễn Kiều Oanh), quyền anh (Đặng Hiếu Hiền, Đỗ Tiến Tuấn), bắn súng (Nguyễn Quốc Cường), vật (Nguyễn Kim Hương), xe đạp (Huỳnh Châu) và không giành huy chương.

Olympic Barcelona (Tây Ban Nha) 1992: TTVN tham dự với 7 VĐV tranh tài ở 3 môn thi đấu: điền kinh (Đặng Thị Tèo, Trương Hoàng Mỹ Linh, Nguyễn Thu Hằng, Lưu Văn Hùng), bơi (Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Kiều Oanh), bắn súng (Nguyễn Quốc Cường) và không giành huy chương.

Olympic Atlanta (Mỹ) 1996: TTVN tham dự với 6 VĐV, tranh tài ở 6 nội dung thuộc 4 môn là điền kinh (Vũ Bích Hường, Lâm Hải Vân), bơi (Võ Trần Trường An, Trương Ngọc Tuấn), bắn súng (Trịnh Quốc Việt), judo (Cao Ngọc Phương Trinh) và không giành huy chương.

Thể thao Việt Nam đã dự 10 kỳ Olympic, thành tích ra sao?- Ảnh 2.

Nữ võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân giành tấm HCB đầu tiên có ý nghĩa lịch sử cho TTVN tại Olympic 2000. Ảnh: TTVN

Olympic Sydney (Australia) 2000: TTVN tham dự với 7 VĐV tranh tài ở 4 môn thi đấu: điền kinh (Lương Tích Thiện, Vũ Bích Hường), bắn súng (Nguyễn Trung Hiếu), bơi (Nguyễn Ngọc Anh, Nguyễn Thị Hương), taekwondo (Nguyễn Thị Xuân Mai, Trần Hiếu Ngân). VĐV Trần Hiếu Ngân đã giành tấm HCB đầu tiên có ý nghĩa lịch sử cho TTVN trên đấu trường Olympic hạng -57kg nữ.

Olympic Athens (Hy Lạp) 2004: TTVN tham dự với 11 VĐV tranh tài ở 8 môn thi đấu: Điền Kinh (Lê Văn Dương, Bùi Thị Nhung), đua thuyền canoe (Đoàn Thị Cách), đua thuyền rowing (Phạm Thị Hiền, Nguyễn Thị Thi), bắn súng (Nguyễn Mạnh Tường), bơi (Nguyễn Hữu Việt), bóng bàn (Đoàn Kiến Quốc), taekwondo (Nguyễn Quốc Huân, Nguyễn Văn Hùng), cử tạ (Nguyễn Thị Thiết) và không giành huy chương.

Olympic Bắc Kinh (Trung Quốc) 2008: TTVN tham dự với 21 VĐV, trong đó 8 VĐV wushu thi đấu biểu diễn không tính huy chương. 13 VĐV tranh tài ở 8 môn: Bắn súng (Nguyễn Mạnh Tường), bóng bàn (Đoàn Kiến Quốc), bơi (Nguyễn Hữu Việt), cầu lông (Nguyễn Tiến Minh, Lê Ngọc Nguyên Nhung), cử tạ (Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Thị Thiết), điền kinh (Nguyễn Đình Cương), taekwondo (Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Thị Hoài Thu, Trần Thị Ngọc Trúc), thể dục dụng cụ (Đỗ Thị Ngân Thương). Lực sĩ Hoàng Anh Tuấn đã giành HCB hạng 56 kg nam.

Olympic London (Anh) 2012: TTVN tham dự với 18 VĐV tranh tài ở 11 môn: Điền kinh (Nguyễn Thị Thanh Phúc, Dương Thị Việt Anh), cầu lông (Nguyễn Tiến Minh), đấu kiếm (Nguyễn Tiến Nhật), thể dục dụng cụ (Phạm Phước Hưng, Phan Thị Hà Thanh, Đỗ Thị Ngân Thương), judo (Văn Ngọc Tú), đua thuyền rowing (Phạm Thị Hài - Phạm Thị Thảo), bắn súng (Hoàng Xuân Vinh, Lê Thị Hoàng Ngọc), bơi (Nguyễn Thị Ánh Viên), taekwondo (Lê Huỳnh Châu, Chu Hoàng Diệu Linh), cử tạ (Trần Lê Quốc Toàn, Nguyễn Thị Thuý), vật (Nguyễn Thị Lụa). Lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn giành HCĐ hạng 56kg nam. 

Thể thao Việt Nam đã dự 10 kỳ Olympic, thành tích ra sao?- Ảnh 3.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành HCV đầu tiên cho TTVN trên đấu trường Olympic. Ảnh: VOV

Olympic Rio (Brazil) 2016: TTVN tham dự với 23 VĐV tranh tài ở 10 môn thi đấu: Bắn súng (Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường), bơi (Hoàng Quý Phước, Nguyễn Thị Ánh Viên), cầu lông (Nguyễn Tiến Minh, Vũ Thị Trang), cử tạ (Thạch Kim Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn, Hoàng Tấn Tài, Vương Thị Huyền), đấu kiếm (Vũ Thành An, Đỗ Thị Anh, Nguyễn Thị Như Hoa, Nguyễn Thị Lệ Dung), điền kinh (Nguyễn Thành Ngưng, Nguyễn Thị Huyền), judo (Văn Ngọc Tú), đua thuyền rowing (Hồ Thị Lý - Tạ Thanh Huyền), thể dục dụng cụ (Phạm Phước Hưng, Phan Thị Hà Thanh), vật (Vũ Thị Hằng, Nguyễn Thị Lụa). Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh xuất sắc giành 1 HCV 10m súng ngắn hơi và 1 HCB nội dung 50m súng ngắn bắn chậm.

Olympic Tokyo 2020 (Nhật Bản), TTVN tham dự với 18 VĐV tranh tài ở 11 môn thi đấu: Bắn cung (Nguyễn Hoàng Phi Vũ, Đỗ Thị Ánh Nguyệt), bắn súng (Hoàng Xuân Vinh), bơi (Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Thị Ánh Viên), cầu lông (Nguyễn Tiến Minh, Nguyễn Thuỳ Linh), đua thuyền rowing (Lường Thị Thảo - Đinh Thị Hảo), cử tạ (Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên), điền kinh (Quách Thị Lan), judo (Nguyễn Thị Thanh Thuỷ), quyền anh (Nguyễn Văn Đương, Nguyễn Thị Tâm), taekwondo (Trương Thị Kim Tuyền), thể dục dụng cụ (Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành); Không giành được huy chương.

Olympic Paris 2024, TTVN tham dự với 16 VĐV: Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Nguyễn Huy Hoàng và Võ Thị Mỹ Tiên (bơi lội), Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Nguyễn Thị Hương (canoeing), Phạm Thị Huệ (rowing), Nguyễn Thùy Linh và Lê Đức Phát (cầu lông), Võ Thị Kim Ánh và Hà Thị Linh (boxing), Lê Quốc Phong và Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung), Hoàng Thị Tình (judo), Trần Thị Nhi Yến (điền kinh). Mục tiêu giành huy chương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem