Thể thao Việt Nam hậu Olympic 2016: Khát khao hơn, cần... tiền hơn!

Lê Đức Thứ sáu, ngày 02/09/2016 15:00 PM (GMT+7)
Với 2 tấm huy chương của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, Thể thao Việt Nam (TTVN) đã có một kỳ Olympic thành công nhất trong lịch sử. Giờ là lúc nhìn tới tương lai, TTVN sẽ có ai và có những gì cho các giải đấu sắp tới, trong đó có Olympic 2020?
Bình luận 0

Đằng sau kỳ tích

Ngay khi về tới sân bay Nội Bài đêm 14.8, trong vòng vây của báo chí và người hâm mộ, Hoàng Xuân Vinh đã dùng 2 chữ “định mệnh” về phát bắn cuối cùng giúp anh chiến thắng vận động viên chủ nhà Felipe Almeida (Brazil), qua đó giành HCV 10m súng ngắn hơi Olympic 2016.

Đúng là số phận đã chọn Vinh sau những thất bại đau đớn “rơi Vàng” ASIAD 2010, “rơi Đồng” Olympic 2012. Chịu bao “bầm dập” trên con đường theo đuổi niềm đam mê, ở tuổi 42, Hoàng Xuân Vinh với quân hàm đại tá quân đội vẫn đứng vững để ghi tên mình vào lịch sử thể thao nước nhà: “Trong khoảnh khắc ấy, tôi có niềm tin mình sẽ vượt được qua những giới hạn của bản thân. Tôi đã thất bại nhiều rồi và đó là lúc phải quyết đoán, mạnh mẽ lên, không thể thất bại thêm lần nữa”- Xuân Vinh tâm sự.

img

Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên. ảnh: I.T

Phát bắn thành công của Hoàng Xuân Vinh đã khiến hàng triệu trái tim người dân Việt Nam rung động khi dõi theo anh qua truyền hình. HCV của Xuân Vinh đã tiếp thêm nhiều động lực cho chính các VĐV Việt Nam tại Rio de Janeiro và lớp lớp VĐV, tuyển thủ trẻ ở tất cả các môn thể thao. Nhiều lãnh đạo ngành thể thao, có người đã về hưu, có người còn tại chức đều đã không cầm được những giọt nước mắt hạnh phúc.

Trong thời điểm còn vô vàn khó khăn, ngành TDTT vẫn có sự đầu tư trọng điểm, đặc biệt cho bắn súng với những chuyến tập huấn, thi đấu nước ngoài, với 1 “vị thuốc” đúng bài mang tên chuyên gia Hàn Quốc Park Chung Gun. Tiếp theo là nỗ lực đã đạt tới độ chín về ý chí, bản lĩnh của bản thân Hoàng Xuân Vinh cộng với một chút may mắn khi những đối thủ lớn như Pang Wei (Trung Quốc), Jin Jongoh (Hàn Quốc) đều thi đấu dưới sức mình trong bài bắn chung kết… Tất cả những yếu tố đó đã “vô tình” gặp nhau ở một thời điểm để đưa tới tấm HCV Olympic lịch sử cho TTVN sau bao năm mòn mỏi mong chờ!

Đi tìm “chìa khóa vàng”

Olympic 2016 đã khép lại và khi men say chiến thắng với 1 HCV, 1 HCB bắn súng của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh lắng xuống, giờ là lúc phải nhìn về tương lai. Làm sao để TTVN bước vào Olympic 2020 và những kỳ Olympic tiếp theo không còn cảm giác thấp thỏm, trông chờ vào may mắn (?!).

Cần phải nhìn nhận rõ, trước thềm Thế vận hội 2016, TTVN cũng chỉ dám đặt mục tiêu phấn đấu có huy chương (chứ không dám mơ tới HCV), còn huy chương ở môn nào, đó là cử tạ, bắn súng hay thể dục dụng cụ… thì “không ai dám chắc” - như lời ông Vương Bích Thắng – Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT.

img

Tấm HCV Olympic 2016 của Hoàng Xuân Vinh là một kỳ tích của TTVN. ảnh:  I.T

Vậy “chìa khóa vàng” là ở đâu, đặc biệt khi trong quá khứ, sau mốc son HCB Olympic 2000 của nữ võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân, rồi tiếp theo là HCB Olympic 2008 của lực sĩ cử tạ Hoàng Anh Tuấn, hai môn trọng điểm là taekwondo, cử tạ đang có chiều hướng xuống dốc, mất định hướng. Thậm chí, tại Olympic 2016, lần đầu tiên sau 16 năm kể từ tấm HCB của Hiếu Ngân, taekwondo Việt Nam đã không có đại diện dự Thế vận hội.

HLV đấu kiếm Nguyễn Lê Bá Quang bộc bạch: “Người ta hay nói tới cụm từ “vượt qua chính mình”, nhưng thế nào là “vượt qua chính mình”? Với VĐV chúng tôi, đó không hẳn nằm ở những thông số thành tích khô khan mà nằm ở chính tâm lý, trạng thái đối mặt với thử thách của VĐV. Ví dụ dưới mặt đất, bạn có thể dễ dàng nhảy qua khoảng cách 2m. Nhưng chỉ 1m thôi mà khoảng cách lại là ở giữa 2 tòa nhà cao ốc thì sẽ khác hẳn. Đó là những giới hạn tâm lý, nỗi sợ hãi mà VĐV phải vượt qua và chỉ có cách thi đấu thật nhiều với quyết tâm, sự bền bỉ mang theo niềm đam mê mới có thể thành công”.

Chia sẻ với ý kiến của HLV đấu kiếm Bá Quang, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh từng tâm sự với phóng viên NTNN tại Trường bắn Quốc gia Singapore cách đây hơn 1 năm (ở SEA Games 2015): “Tôi thấy bản thân mỗi VĐV chưa rút được kinh nghiệm thi đấu tại các giải quan trọng. Thực tế, điều cần quan tâm nhất, cần hướng tới nhất không phải là huy chương mà phải cố gắng chiến thắng chính mình”.

Dưới góc nhìn của nhà chuyên môn, chuyên gia Park Chung Gun nói: “Chìa khóa của tôi đơn giản lắm! Tôi phát hiện ra VĐV và truyền “lửa”, niềm tin cho họ. Tôi nói với họ là họ còn có thể làm tốt hơn nữa đấy. Tôi nghĩ, TTVN còn có  nhiều môn làm được điều tương tự  như bắn súng. Vấn đề là các bạn phải mạnh mẽ hơn, khát khao hơn và có được sự đầu tư nhiều hơn từ các nhà tài trợ. VĐV cần phải hiểu không chỉ có Olympic mà còn nhiều giải đấu khác có ý nghĩa như bước đệm từ SEA Games, ASIAD, các giải Cúp thế giới”./.

Chờ Ánh Viên ở Olympic 2020

Tại Olympic 2016, ngoài kỳ tích của Hoàng Xuân Vinh, 1 VĐV khác của Quân đội là “kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên cũng đã vượt qua chính mình ở đường bơi 400m hỗn hợp sở trường. Với thông số 4 phút 36 giây 85, Viên đã vượt gần 2 giây so với thành tích tốt nhất của mình trước đó là 4 phút 38 giây 78 tại giải vô địch thế giới 2015. Đáng tiếc là Viên vẫn phải ngậm ngùi xếp thứ 9, kém VĐV xếp thứ 8 lọt vào chung kết là Emily (Canada, 4 phút 36 giây 54) có 0,31 giây: “Olympic này là của Xuân Vinh. Nhưng theo tôi, 4 năm nữa, ở Olympic 2016 sẽ là Thế vận hội của Ánh Viên”- ông Hoàng Vĩnh Giang – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem