Thể thao Việt Nam ở đấu trường Olympic: Nếu không thay đổi, khó mơ thành công!

Long Nguyên Thứ bảy, ngày 10/08/2024 19:10 PM (GMT+7)
Thể thao Việt Nam (TTVN) tham dự Olympic 2024 với 16 VĐV và không giành được huy chương nào. Đây là thành tích đáng thất vọng và TTVN cần có những thay đổi thực sự mạnh mẽ để tránh cảnh thăng hoa ở SEA Games nhưng lại là con số 0 khi tranh tài tại Olympic.
Bình luận 0

Thể thao Việt Nam trắng tay tại Olympic 2024

Tại Olympic 2024, TTVN có một số điểm sáng đáng chú ý, nổi bật là nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh, 2 tay vợt cầu lông Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát hay nữ cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt. Tuy nhiên, điều đó là không đủ để TTVN giành được huy chương.

Nếu nhìn vào thành tích xuất sắc của các đoàn thể thao Đông Nam Á khác như Philippines (2 HCV, 2 HCĐ), Indonesia (2 HCV, 1 HCĐ), Thái Lan (1 HCV, 3 HCB, 2 HCĐ), rõ ràng TTVN đang tụt lại khá xa khi ra "biển lớn". Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì TTVN làm được ở 2 kỳ SEA Games gần nhất (đều giành ngôi nhất toàn đoàn). Rõ ràng, TTVN cần tìm ra nguyên nhân cụ thể về thất bại ở Olympic 2024 để có phương pháp phù hợp và đạt hiệu quả cao hơn trong tương lai.

Thể thao Việt Nam ở đấu trường Olympic: Nếu không thay đổi, khó mơ thành công! - Ảnh 1.

Trịnh Thu Vinh thi đấu rất xuất sắc nhưng không thể giành huy chương tại Olympic 2024. Ảnh: SP

Trao đổi với Dân Việt, nhà báo Đặng Việt Cường nhận định: "TTVN vừa trải qua kỳ Olympic thứ hai liên tiếp trắng tay, trong khi chúng ta đã giành ngôi nhất toàn đoàn một cách thuyết phục và vượt trội ở 2 kỳ SEA Games liên tiếp. Đáng chú ý, có tới 5 quốc gia cùng khu vực Đông Nam Á đã giành huy chương tại Olympic 2024, trong đó có 3 quốc gia giành HCV.

Trước đó, ở đấu trường đỉnh cao nhất châu lục Asian Games 2023, Việt Nam cũng chỉ giành 3 HCV, đứng hạng 6 trong các quốc gia Đông Nam Á. Việt Nam từng đoạt huy chương Olympic đầu tiên từ năm 2000, với tấm HCB môn taekwondo.

Chỉ cần qua những điều kể trên cũng đã thấy rõ một nghịch lý lớn, một sự thật phũ phàng, một vấn đề nghiêm trọng đã vượt tầm thể thao, đòi hỏi phải được nhìn nhận và giải quyết quyết liệt. Chúng ta đã viện dẫn quá nhiều lý do sau mỗi kỳ Olympic thất bại, từ chiến lược, nền tảng, nguồn lực, khả năng xã hội hóa… song đều đã không nhìn thẳng vào thực tế mang tính bản chất.

TTVN chưa từng đặt Olympic và kể cả Asian Games vào đúng vị trí, tầm mức của nó, thay vào đó quá đặt nặng SEA Games, một sân chơi khu vực mà chương trình thi đấu luôn thay đổi phân nửa sau mỗi kỳ đại hội, mang nặng tính thời vụ, có tính dàn trải quá cao và trình độ chuyên môn thấp. SEA Games không hề liên thông được gì cho Asian Games và nhất là Olympic. Hay nói chính xác hơn, TTVN đang chuẩn bị và thi đấu ở Olympic với đúng kiểu cách SEA Games, phụ thuộc tới mức lệ thuộc vào SEA Games. Và điều tệ hại hơn, một vài môn Việt Nam có sự phù hợp và khả năng đạt tới trình độ hàng đầu thế giới, tranh huy chương Olympic cũng bị SEA Games hóa nặng nề, không bứt lên được".

Thể thao Việt Nam ở đấu trường Olympic: Nếu không thay đổi, khó mơ thành công! - Ảnh 2.

Đỗ Thị Ánh Nguyệt lần thứ hai liên tiếp dừng bước tại Olympic vì thua ở "mũi tên vàng". Ảnh: TTXVN

Phân tích kỹ hơn, nhà báo Đặng Việt Cường nhấn mạnh: "TTVN đã không tạo dựng được một số môn, nội dung "trọng điểm mũi nhọn" tầm Olympic hoàn toàn có thể với bắn súng, cử tạ, taekwondo giống như một số quốc gia Đông Nam Á. Thậm chí, họ đều có ít nhất 2 môn như thế mà điển hình là Thái Lan (boxing, cử tạ, taekwondo), Indonesia (cử tạ, cầu lông).

Cần phải có một sự thay đổi chiến lược mà ở đó Olympic và Asian Games phải trở thành một mục tiêu chính yếu, trọng tâm và SEA Games đóng vai trò như một bước đệm, ưu tiên tối đa cho các môn Olympic và các tuyển thủ trẻ thay vì tập trung mọi nguồn lực. Có quá nhiều việc lớn phải làm để tạo dựng nền tảng, đỉnh cao để chinh phục đấu trường Olympic song có những việc cần và có thể làm ngay để chấm dứt thảm cảnh trắng tay Olympic, từng bước tạo ra sự ổn định, nâng chất

Mục tiêu giành huy chương, thậm chí một vài tấm huy chương phải được đặt ra như một đích nhắm, nhiệm vụ bắt buộc, ưu tiên đặc biệt thay vì phấn đấu hay hi vọng theo kiểu được chăng hay chớ như hiện tại. Bên cạnh đó, TTVN phải đầu tư trọng điểm cho một số môn, nội dung của môn có sự phù hợp và khả năng vươn tầm thế giới, tranh huy chương Olympic, như bắn súng (đặc biệt các nội dung súng ngắn), cử tạ (một số hạng cân nhẹ) và có thể là một số nội dung của bắn cung. Sự đầu tư này tất nhiên phải theo đúng chuẩn Olympic về sự bài bản, tính trọng điểm và chuyên biệt chứ không phải chuẩn SEA Games như bây giờ.

Sau đó là các môn có thể giành được suất chính thức, có thành tích tốt ở Olympic. Cũng phải khẳng định rằng, nếu chúng ta chuẩn bị tốt và đạt trình độ cao tại Olympic đương nhiên sẽ vượt tầm SEA Games, thậm chí một số tuyển thủ cần bỏ qua SEA Games cho đích Olympic.

Thể thao Việt Nam ở đấu trường Olympic: Nếu không thay đổi, khó mơ thành công! - Ảnh 3.

Trịnh Văn Vinh đã thất bại ở môn cử tạ. Ảnh: Getty

Chốt lại vấn đề, nhà báo Đặng Việt Cường khẳng định: "Chúng ta cần một đề án riêng cho việc giành huy chương Olympic và HCV Asian Games với nguồn kinh phí riêng thích đáng, với những giải pháp đột phá về tuyển chọn, lương thưởng, chuyên gia ngoại, tập huấn thi đấu quốc tế, dinh dưỡng khoa học. TTVN đã luôn phấn đấu học hỏi với quyết tâm bám đuổi vượt qua người Thái ở SEA Games. Và chúng ta đã làm được.

Điều đó cần được tiếp nối ở Asian Games và Olympic. Hãy nhìn con số 51 VĐV giành quyền dự tranh Olympic và 3 môn có huy chương, trong đó có HCV của họ để thấy mình phải và cần làm gì chứ không thể mãi viện dẫn các lý do lịch sử, khách quan hay so sánh để biện hộ".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem