Thể thao Việt và Olympic 2012: Khát vọng ngút trời

Thứ hai, ngày 02/01/2012 17:51 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thể thao Việt Nam năm 2011 khép lại với một bức tranh đầy màu sắc đối lập của cả vinh quang và thất bại đau đớn. Đi qua năm cũ, năm 2012 sẽ chứng kiến rất nhiều hoạt động thể thao sôi nổi.
Bình luận 0

Chỉ cần một chiếc huy chương vàng

Bỏ qua sự choáng ngợp với 96 HCV ở SEA Games 26, tại Olympic 2012 ở London (Anh) - sân chơi thể thao lớn nhất hành tinh luôn nhắc nhở chúng ta rằng, người Việt Nam chưa có ai được đứng trên ngôi vô địch tại Olympic. Hai chiếc HCB của Hiếu Ngân và Anh Tuấn là tất cả lịch sử của thể thao Việt Nam ở đấu trường này.

img
Hà Thanh - VĐV Việt Nam đầu tiên có suất tham dự Olympic.

Chỉ tiêu 15 suất tham dự Olympic có thể đã nói cầm chắc trong tay. Đến nay, Việt Nam có 3 VĐV chính thức giành vé đến London gồm: Phan Thị Hà Thanh (TDDC), Chu Hoàng Diệu Linh, Lê Huỳnh Châu (taekwondo). Văn Ngọc Tú (judo) cũng đã gần như cầm chắc vé dự Olympic.

Ở môn cầu lông, Nguyễn Tiến Minh cũng 99% có vé dự khi đang nằm trong Top 10 thế giới mà nội dung đơn nam có đến 38 tay vợt tham dự. Hoàng Quý Phước (bơi lội) đã đạt chuẩn B Olympic. Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ) cũng 99% có vé dự Olympic.

Ngoài ra, môn điền kinh sẽ có 2 suất mời (1 nam, 1 nữ), bắn súng cũng có 1 suất mời. Môn rowing được chọn 1 thuyền tham dự 1 trong 14 nội dung. Nếu chọn thuyền bốn thì coi như Việt Nam sẽ có thêm 4 VĐV nữa có mặt tại London. Như vậy, Thể thao Việt Nam coi như đã có khoảng 11-13 VĐV “đặt vé” đến London.

Tuy nhiên, “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Với bơi lội, điền kinh, bắn súng, đua thuyền và cử tạ thì bằng những phép so sánh đơn giản dựa trên thành tích của VĐV, sẽ rất khó cho chúng ta có huy chương (chưa nói đến HCV). Với thành tích đột biến 280kg tại giải vô địch thế giới năm 2011, Trần Lê Quốc Toàn vẫn cần vượt lên mức 285kg mới được coi là nằm trong nhóm có thể đứng lên bục nhận huy chương. Dù phá kỷ lục của SEA Games nhưng Hoàng Quý Phước còn cách thành tích của nhóm đoạt huy chương Olympic rất xa…

Huy chương của Việt Nam tại Olympic chỉ có thể trông cậy ở TDDC, taekwondo, judo và vật. Phan Thị Hà Thanh (TDDC), Chu Hoàng Diệu Linh, Lê Huỳnh Châu (taekwondo), Văn Ngọc Tú (judo)… ai sẽ là người thực hiện được khát vọng ngút trời của Thể thao Việt Nam tại kỳ Olympic này? Chỉ cần một chiếc HCV thôi là đủ đi vào lịch sử.

Năm bản lề của bóng đá Việt Nam

Bóng đá Việt Nam chính thức rời khỏi Top 3 khu vực Đông Nam Á. Hai lần không qua được bán kết ở SEA Games và Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á, bóng đá Việt Nam đã khiến người hâm mộ thất vọng khôn cùng.

Ngay từ bây giờ, đã có một chiến lược ráo riết để các VĐV giành suất tới Olympic. Thể thao Việt Nam đang làm tất cả những gì có thể để các VĐV có được điều kiện chuẩn bị tốt nhất cho việc chính phục chiếc HCV đầu tiên.

Trận thua 1 – 4 trước Myanmar là trận đấu cuối cùng của bóng đá Việt Nam trong năm 2011. Ký ức buồn ấy chắc chắn sẽ được nhắc đi nhắc lại. Chỉ đến Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á cuối năm 2012 và cần chiếc cúp vô địch, bóng đá Việt Nam mới có cơ hội tạo dựng hình ảnh mới của mình, ngẩng được đầu lên trước người hâm mộ. Còn sự ra đời của VPF là con đường để giấc mơ ấy thành hiện thực.

Với sự ra đời của VPF, bóng đá Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi. Trước mắt, việc bồi dưỡng cho các cầu thủ trẻ, ưu tiên các cầu thủ nội, kêu gọi và thu hút nhân tài là các cầu thủ gốc Việt đang ở khắp thế giới được VPF đặt lên là mục tiêu trọng tâm. Hướng đi ấy không cần bàn cãi về tính đúng đắn nữa nhưng VPF sẽ hoạt động có hiệu quả hay không để thực hiện được mục tiêu ấy? Tất cả sẽ chỉ có câu trả lời ở Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á vào cuối năm 2012.

Năm 2012 sẽ chứng kiến rất nhiều hoạt động rộng khắp của thể thao Việt Nam. Hy vọng năm nay là một năm tươi sáng cho thể thao nước nhà.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem