Theo chân “ma đề” thâm nhập các điểm nóng xin số

Thứ bảy, ngày 16/07/2016 11:18 AM (GMT+7)
Những con số ma quái gây nghiện, xô đẩy “ma đề” đánh cược tài sản với trò may rủi. Khi sự may mắn lụi tàn mang theo nhà cửa, tiền bạc, để gỡ gạc, “ma đề” đặt hết niềm tin vào những trò xin số hết sức mê tín dị đoan.
Bình luận 0

Trong khắp các tỉnh, thành của cả nước, TP.HCM vẫn được các “ma đề” liệt vào danh sách nơi có nhiều tụ điểm xin số đề bậc nhất. Khắp thành phố, giới chơi đề thiết lập hẳn một loạt các tụ điểm cầu cơ, xin số từ đơn giản đến phức tạp. Ngoài những tụ điểm “cò con”, “nhỏ lẻ” được giới không chuyên lập ra, nhiều quận, huyện trong, ngoài thành phố đều có các miếu, đình, nhà hoang, nghĩa địa nổi tiếng thu hút “ma đề” chuyên nghiệp.

Nếu như huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, quận 12, quận 9… nổi tiếng với những căn miếu không tên được các “ma đề” tin tưởng thì quận 8 có hẳn cả một hệ thống lớn hơn chục điểm xin số đủ mọi hình thức.

img

Miếu hoang tại rạch Bà Cả Bốn nổi tiếng xin số bằng cách dựng trứng gà.

Miếu hoang, nhà nát… thành “thánh địa số đề”

Tại TP.HCM, các hoạt động cầu cơ, xin số đề vẫn thường xuyên diễn ra từ công khai đến bí mật tại những địa điểm được giới đánh đề “thiết lập” dựa trên những “bản khai sinh” rùng rợn. Các “ma đề” cho biết việc xác định, tìm ra một địa điểm cầu cơ, xin số “tuy dễ mà khó, tuy khó mà lại rất dễ”.

Anh H.M.K (38 tuổi, ngụ huyện Củ Chi), một “ma đề” chuyên nghiệp cho biết: “Chỗ xin số không nhất thiết phải là những đình, chùa lớn, nổi tiếng linh thiêng mà nhiều khi chỉ là miếu hoang, nhà hoang, nghĩa địa… thậm chí là khu vực vừa có người chết. Tuy nhiên, không có nghĩa là nơi nào mình cũng đặt bàn, xin số được. Nơi có thể xin số phải nổi tiếng linh thiêng”.

“Ví dụ như ở huyện Củ Chi, tụi này trước đây thường kéo tới “miếu xì-ke” (ấp 4B, xã Bình Mỹ). Miếu này nổi tiếng linh và có tên “miếu xì-ke” vì trước đây ở đó có thằng chơi xì-ke rồi chết tại miếu. Người ta đồn thằng này chết trẻ trong lúc đói khát nên thiêng lắm. Cầu một chút là lên liền, cho con nào, chiều xổ ngay con đó. Trúng chỉ cần quay lại cúng cho nó dĩa trái cây, đôi bao thuốc lá là được”, K cho biết thêm.

Ngoài địa điểm trên, K cũng hướng dẫn PV tìm đến ngôi miếu không tên tại ấp Mũi Lớn 2 (xã Tân An Hội, huyện Củ Chi) để xin số. Những “ma đề” cho biết nguyên nhân căn miếu hoang bỗng chốc trở thành tụ điểm cầu cơ, xin đề xuất phát từ câu chuyện sặc mùi dị đoan.

Trước đây, căn miếu vốn chỉ là mảnh đất nhỏ có một tổ mối khá lớn. Không hiểu từ đâu, người trong địa phương đồn thổi tổ mối có “người về ngự” nên rất linh thiêng. Ai đi ngang qua tổ mối mà không bỏ nón, cúi đầu tức khắc về đến nhà không ngã bệnh thập tử nhất sinh cũng tán gia bại sản, con cái ngu ngơ, khù khờ. Thấy sự lạ, gia đình sở hữu miếng đất có tổ mối bắt đầu đắp đất, xây gạch thành miếu.

Miếu xuất hiện kéo theo những câu chuyện liêu trai cũng đồng nghĩa với việc dân chơi đề kéo về xin số. Khuôn viên miếu la liệt những vật dụng dùng để xin số như bàn cầu cơ, bàn dựng trứng gà, bát nhang để xin đề bằng hình thức lên đồng.

Ngôi miếu cổ lọt thỏm trong khu biệt thự Thạnh Xuân (quận 12) cũng trở thành một trong những “thánh địa” của dân nghiện đề chuyên nghiệp. Theo lời K, ngôi miếu nói trên được giới cờ bạc, đề đóm rỉ tai nhau là một trong những ngôi miếu hoang “lên đồng”, “cầu cơ” linh nhất TP.HCM.

Ẩn dưới những tán cây cổ thụ, ngôi miếu nép mình bên rạch Bà Cả Bốn được vây quanh bởi những am thờ nhiều hũ hài cốt vô danh. Chính những hũ hài cốt này làm cho miếu nổi tiếng rùng rợn, thu hút cánh ghi đề chuyên nghiệp. Những bộ hài cốt này được người dân phát hiện cách đây vài năm khi nạo vét rạch Bà Cả Bốn. Do không tìm được thân nhân, không đem đi đâu để thờ cúng nên người dân mang đến miếu. Trước đây, miếu chỉ có vài hũ, sau này, một số người cũng tìm cách mang hài cốt từ nơi khác đến để thêm vào. Đến nay, miếu có khoảng 20 hũ đựng hài cốt.

Lập hệ thống “cứ điểm” xin đề

Khi ngày càng nhiều những bộ hài cốt vô danh được mang đến, ngôi miếu bỗng chốc thu hút dân chuyên cầu cơ, xin đề. K cho biết: “Lúc mấy am thờ gần như đầy hũ cốt thì miếu cũng xuất hiện nhiều lời đồn đoán rùng rợn. Nhiều người đi trên rạch kể lại họ đã nghe thấy tiếng kêu khóc thảm thương, khi lại nghe thấy tiếng cười đùa, bỡn cợt. Có người còn khăng khăng đã nhìn thấy cục lửa cháy sáng, bay lượn trên ngọn cây cổ thụ gần miếu… Biết miếu thiêng, chứa nhiều oan hồn, tụi chơi đề nườm nượp kéo về lập đàn cầu cơ, xin số. Nghe đâu cũng có thằng trúng cả tỷ, có đứa “vô” được mấy trăm”.

Ngoài các ngôi miếu hoang, những căn nhà hoang, vô chủ, nghĩa trang, thậm chí là đoạn đường hay xảy ra tai nạn giao thông, khu vực vừa có người tử nạn cũng trở thành “thánh địa” của “ma đề”.

Theo K., những khu vực nói trên thường được các “thầy đề” lựa chọn làm nơi lập đàn cầu cơ, nhập xác xin số. Theo quan niệm của “ma đề”, khu vực có người tử nạn không chỉ hết sức linh thiêng mà còn dễ xin số vì thường dễ “gọi được hồn”, “nhập được xác”. Do đó, các căn nhà hoang tại TP.HCM từng xảy ra các vụ án mạng, tai nạn giao thông đều được “ma đề” lui tới.

Ngoài ra, nghĩa địa cũng là địa điểm được các “ma đề” ưa chuộng. Tại các nghĩa trang lớn như Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), trường bắn Thủ Đức (quận Thủ Đức)… từ lâu đã trở thành nơi nhóm họp, xin số của giới đề đóm chuyện nghiệp.

Bến đò tồn tại là nhờ khách đi xin số

Ông lái đò tên S, người chuyên dắt khách xin số đề tại khu vực quận 8 cho biết: “Trước đây, khu vực này khách đi đò đông lắm bây giờ phải san sẻ bớt cho những khu vực khác. Tuy nhiên, tôi vẫn sống được với nghề này là nhờ khách đi xin số. Thú thật, khách vào xin số trong này đông lắm, trong ngày, ngoại trừ giờ xổ số, lúc nào tôi cũng có khách. Giới chơi đề ai cũng có số điện thoại của tôi. Nhiều khi muốn vào xin số phải gọi tôi trước cả tiếng để tôi sắp xếp. Đò tôi chở được hơn chục người, mỗi ngày, sơ sơ cũng hơn trăm khách tìm đến tôi, nhiều nhất là lúc 12h trưa và 12h đêm. Nói chung, bến đò này tồn tại được là nhờ khách đi xin số”.

Tuy nhiên, nổi tiếng hơn cả vẫn là khu vực phường 7 (quận 8). Nơi đây có một hệ thống kênh rạch với những cồn, bãi hoang, đình, miếu rộng khắp. Ghi nhận thực tế, khu vực này kéo dài từ rạch Bà Tàng thuộc phường 15, đến hết phường 7, hoạt động xin số ở đây phát triển, phổ biến đến mức có hẳn cả một hệ thống dịch vụ khép kín từ đưa rước khách, giới thiệu khu vực, địa điểm xin số, cách thức xin số... đến giới thiệu, cho thuê người chuyên nhập xác cho số đề.

Thâm nhập thực tế, khu vực nói trên có hơn 10 điểm xin số đề nổi tiếng linh thiêng, được giới chơi đề đặc biệt tin tưởng. “Thánh địa” nói trên lẩn khuất trong những cồn, đảo nổi giữa các con rạch.

Để tiếp cận “thánh địa” này, PV phải nhập vai dân nghiện đề chuyên nghiệp, sử dụng dịch vụ đưa rước khách vào xin số của người địa phương. Để tiếp cận những địa điểm này, “ma đề” phải thuê đò với nhiều mức giá “cắt cổ”. Dưới sự hướng dẫn “tận tình” của ông S, người hơn 30 năm lái đò, chuyên chở “ma đề” vào “thánh địa” xin số, PV có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu những địa điểm xin số “nổi tiếng”. Sau hơn 10 phút đi đò, ông S dắt PV lên ngôi miếu bà nơi được biết đến là điểm xin số thiêng bậc nhất khu vực. Miếu nằm ven rạch được bao bọc xung quanh bởi những rặng dừa nước um tùm.

Ngôi miếu nói trên chính là nơi được một số trang mạng xếp vào danh sách 13 địa danh rùng rợn nhất TP.HCM với những câu chuyện liêu trai. Nơi đây thờ hơn 30 hũ hài cốt, phần lớn không rõ tung tích ngoài 2 hũ có ghi “cô” Lan, “cậu” Hành.

Khu vực này thường được giới chơi đề lựa chọn để cầu cơ, gọi hồn, nhập xác để cho số. Ngoài ra, xuyên suốt khu vực kênh rạch thuộc phường 7 còn có hơn chục địa điểm xin số khác mà những người lái đó luôn sẵn sàng đưa đến tận nơi.

Hà Ngọc (Công Lý)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem