Thí điểm sáp nhập các sở, ngành: "Phải có cơ chế giám sát quyền lực"

Thành An Thứ sáu, ngày 06/12/2019 06:00 AM (GMT+7)
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, việc Bộ Nội vụ có văn bản gửi đến các tỉnh, thành về việc “đăng ký thí điểm hợp nhất một số sở ngành, phòng ban” là cần thiết. Ông lưu ý, tập trung quyền lực phải có cơ chế giám sát quyền lực.
Bình luận 0

Hợp nhất “8 thành 4”, “ 6 thành 3”

Ngày 5/12, trao đổi với PV NTNN/Dân Việt, ông Vũ Đăng Minh - Chánh văn phòng Bộ Nội vụ cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã có công văn gửi đến các tỉnh, thành phố. “Các tỉnh, thành đăng ký sau đó gửi về Bộ tổng hợp và báo cáo để Chính phủ ra nghị quyết” - ông Minh nói. Theo ông Minh, đây là kế hoạch thực hiện theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 BCH T.Ư khóa XII và Kết luận 43 của Bộ Chính trị cũng như sửa đổi Nghị định 24 và 37 đã được nghiên cứu từ nhiều năm trước. “Hiện một số tỉnh như Hà Giang, Quảng Ninh… đã tiến hành sáp nhập” - ông nhấn mạnh.

Trong công văn gửi đi, Bộ Nội vụ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư sau khi có ý kiến thống nhất của Ban Thường vụ cấp ủy cấp tỉnh và HĐND cấp tỉnh đăng ký thực hiện thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (sở, ngành), cấp huyện (phòng, ban).

img

Bộ Nội vụ vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành trực thuộc T.Ư về việc đăng ký thí điểm hợp nhất một số sở, ngành, phòng, ban. Ảnh: Thành An

Cụ thể, ở cấp tỉnh, thí điểm hợp nhất 8 sở, ngành thành 4. Đó là: Sở Tài chính hợp nhất với Sở KHĐT thành Sở Tài chính và Kế hoạch. Sở này có chức năng tham mưu giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực tài chính, kế hoạch và đầu tư. Hợp nhất Sở GTVT với Sở Xây dựng thành Sở GTVT và Xây dựng. Sở này tham mưu giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực giao thông vận tải và xây dựng.

Hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức tỉnh ủy, thành ủy thành Cơ quan Tổ chức - Nội vụ cấp tỉnh. Cơ quan này chức năng tham mưu, giúp việc cho cấp ủy cấp tỉnh về công tác tổ chức, cán bộ và tham mưu giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực nội vụ; Hợp nhất Thanh tra cấp tỉnh với Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy thành Cơ quan Thanh tra - Kiểm tra cấp tỉnh. Đây là cơ quan tham mưu, giúp việc cho cấp ủy cấp tỉnh về công tác kiểm tra và tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực thanh tra.

Ở cấp huyện, thí điểm hợp nhất 6 phòng, ban thành 3 cơ quan. Cụ thể, thí điểm hợp nhất Phòng Nội vụ với Ban Tổ chức cấp ủy cấp huyện thành Cơ quan Tổ chức - Nội vụ cấp huyện. Cơ quan này thực hiện chức năng tham mưu, giúp việc cho cấp ủy cấp huyện về công tác tổ chức, cán bộ và tham mưu giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực nội vụ.

Hợp nhất Thanh tra cấp huyện với Ủy ban Kiểm tra cấp ủy cấp huyện thành Cơ quan Thanh tra - Kiểm tra cấp huyện, thực hiện chức năng tham mưu, giúp việc cho cấp ủy cấp huyện về công tác kiểm tra và tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực thanh tra; Hợp nhất Văn phòng HĐND và UBND với Văn phòng cấp ủy cấp huyện thành Văn phòng cấp huyện thực hiện chức năng tham mưu, giúp việc cho cấp ủy cấp huyện, HĐND và UBND cấp huyện về công tác văn phòng.

Không phải lo chuyện “1 ghế 2 người”

"Cần xây dựng cơ chế chọn lọc người tài, đẩy mạnh dân chủ hóa. Đặc biệt, cần tiến tới việc bầu cử nhiều người với nhiều vòng. Tập trung quyền lực thì phải có cơ chế giám sát quyền lực. Dù tách ra hay nhập lại cũng cần đẩy mạnh khâu giám sát quyền lực quan trọng này”.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh

Nhận định vấn đề trên, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, mục tiêu của Chính phủ là tinh giản biên chế, đặc biệt là nâng cao hiệu lực hiệu quả của quản lý Nhà nước: “Việc này góp một phần vào việc đó”.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cách đây khoảng 10 năm, Nhà nước có chủ trương “sở đa ngành, đa lĩnh vực”. Do đó, đến nay, chức năng điều hành, nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước cần phải được xem xét lại. Không mở rộng mà phải tập trung, ví dụ như T.Ư chỉ hoạch định chính sách, thể chế, phát luật, kiểm tra giám sát, không can thiệp sâu vào cơ chế thị trường. Nghĩa là “Nhà nước nhỏ, xã hội lớn”. “Tôi cho rằng, như thế là chuẩn nhất. Mình dần dần đi vào Nhà nước nhỏ, xã hội lớn. Nhà nước không làm trực tiếp vào tất cả các việc mà chuyển giao cho các bộ phận cấp dưới. Hiện nay, Nhà nước phải thực hiện quá nhiều việc dẫn đến bộ máy quá cồng kềnh” - ông Dĩnh nhận xét.

Nhắc đến việc sáp nhập sẽ dẫn đến tình trạng dôi dư cán bộ, viên chức, ông Dĩnh lưu ý, cần phải có chính sách. “Thứ nhất, các đội ngũ đó phải thống nhất chủ trương sáp nhập, hợp nhất. Thứ hai là phải có chính sách bảo lưu, bố trí phân công, nếu Đảng phân công nhiệm vụ thì anh phải thực hiện” - ông nhận định và cho rằng việc này mặc dù sẽ khó khăn vì do “tâm lý” con người đang “từ trưởng -xuống phó”…, nhưng vẫn có thể thực hiện được. Điển hình, đã có nhiều địa phương cũng như các bộ đã thực hiện tốt việc này.

“Rà soát lại chức năng nhiệm vụ sau đó hợp nhất lại theo hướng sở, ngành đa ngành đa lĩnh vực. Nhà nước không cần phải can thiệp sâu vào cơ chế thị trường mà phải định hướng để hỗ trợ phát triển chứ không phải can thiệp sâu bằng mệnh lệnh hành chính. Vì cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nên chúng ta phải theo cơ chế thị trường, quy luật giá trị, quy luật cung cầu. Nếu chúng ta can thiệp sâu bằng mệnh lệnh hành chính thì sẽ làm méo mó cơ chế thị trường” - ông nói và không quên lưu ý: “Dù không can thiệp sâu nhưng chúng ta vẫn phải có điều tiết”.

“Theo tôi, việc này phải được thực hiện trên toàn quốc chứ không phải chỉ một số địa phương. Nhà nước không phải là một chủ thể duy nhất mà có thể công dân và các tổ chức xã hội tham gia vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Nhưng làm thế nào chúng ta phải cân đối mà vẫn theo pháp luật” - ông nhấn mạnh.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng, khi quyết tâm thực hiện sáp nhập các sở, ngành thì không phải lo chuyện “1 ghế 2 người”. Đã tập trung quyền lực thì phải có cơ chế giám sát quyền lực. Công tác cải cách hành chính trong nhiều năm nay đưa ra một trong những mục tiêu quan trọng đó là sắp xếp lại bộ máy cho gọn nhẹ và đơn giản các thủ tục hành chính. Bộ máy càng cồng kềnh, thủ tục hành chính sẽ càng nhiều. Vì thế, chúng ta phải nhanh chóng đẩy mạnh việc sắp xếp lại bộ máy gọn nhẹ hơn.

“Đề xuất của Bộ Nội vụ theo tôi là rất tốt, thậm chí tôi thấy cần phải làm mạnh hơn. Thực tế, có nhiều đơn vị có thể sáp nhập được luôn như Sở KHĐT với Sở Tài chính, Sở GTVT với Sở Xây dựng, Sở GDĐT tạo với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở VHTTDL với Sở Thông tin và Truyền thông… Bởi thực tế, nhiều nhiệm vụ trong quản lý nhà nước giữa các đơn vị đã chồng chéo nhau quá rồi” - ông Dĩnh nói.

Ông Dĩnh nói thêm, việc 13 tỉnh hiện còn đang tách du lịch khỏi văn hóa, thể thao thành hai sở riêng biệt và Sở Du lịch và Sở VHTT cũng là chưa hợp lý bởi du lịch vốn đã rất gắn với văn hóa, thể thao thành một lĩnh vực quản lý. “Không hẳn cứ tách ra là mạnh, bởi du lịch có mạnh phụ thuộc chủ yếu ở các công ty du lịch và người dân có ý thức không chặt chém, cùng chính quyền xây dựng văn hóa du lịch” - ông nói. 

img

ÔNG LÊ NHƯ TIẾN - NGUYÊN ĐBQH KHÓA  XII, XIII:

Cơ hội để “sàng lọc” cán bộ giỏi

Với đề xuất hợp nhất, sáp nhập các sở, ngành cũng là cơ hội để sàng lọc cán bộ, công chức, viên chức. Đích cuối cùng vẫn là nâng cao hiệu lực và hiệu quả của bộ máy nhà nước. Còn nếu sáp nhập theo kiểu thấy đông thì nhập như kiểu lâu nay người ta giải thích một cách rất chung chung “tách ra là để chuyên sâu, nhập vào là để giảm đầu mối đi” thì “ai cũng giải thích được”. Để làm tốt được việc này đòi hỏi người đứng đầu phải công tâm, khách quan và minh bạch. Nếu coi dịp này để đưa những người cùng “phe cánh” của mình lên, loại trừ những người không cùng êkíp thì ý nghĩa của đề án này trở thành phản tác dụng. Nếu chúng ta không làm đúng theo quy định, công khai minh bạch, xử lý có lý có tình thì đây không khéo lại gây mâu thuẫn nội bộ, tạo lợi ích nhóm.

img

ÔNG LÊ VĂN CUÔNG - NGUYÊN PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH THANH HÓA:

Sáp nhập không được tốn thêm chi phí

Để bộ máy công quyền làm việc hiệu quả hơn thì việc sắp xếp lại một số sở có chức năng tương đồng với nhau là một trong những giải pháp mạnh mẽ. Bên cạnh đó, việc sáp nhập không đơn thuần chỉ là sáp nhập cơ học mà phải tinh gọn được bộ máy, vẫn đảm bảo được hiệu quả công việc. Việc sáp nhập này cũng không được phát sinh thêm việc xây dựng trụ sở, tốn kém, phát sinh thêm chi phí. Do vậy, việc thực hiện này cần có lộ trình, kế hoạch cụ thể, từng bước, chắc chắn, hợp lý.

P.V (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem