Thí sinh cuộc thi Đại sứ du lịch Quảng Trị bị “ném đá”, Ban tổ chức lên tiếng
Thí sinh cuộc thi Đại sứ du lịch Quảng Trị bị “ném đá”, Ban tổ chức lên tiếng
Ngọc Vũ - Bình Minh
Thứ ba, ngày 04/05/2021 18:30 PM (GMT+7)
Đại diện Ban tổ chức cuộc thi Đại sứ du lịch Quảng Trị đã lên tiếng khi thí sinh bị “ném đá” sau đêm chung kết. Ban tổ chức mong muốn dư luận hãy quan tâm, bảo vệ, chăm sóc, du lịch tỉnh nhà – “đứa trẻ” còn trong nôi.
Những ngày qua, trên nhiều trang mạng xã hội xuất hiện thông tin "ném đá" 2 thí sinh tham dự cuộc thi Đại sứ du lịch Quảng Trị 2021.
2 thí sinh đó là Trần Như Phương (SN 1999, trú phường 1, TP.Đông Hà, Quảng Trị) và Lại Thị Yến Nhi (SN 2002, trú Tân Thành, Hướng Hoá, Quảng Trị).
Trong đêm chung kết, Như Phương lọt Top 5 thí sinh vào vòng trong và nhận câu câu hỏi ở phần ứng xử như sau: "Trong quá trình tham gia hoạt động tham quan, tìm hiểu về các điểm di tích, danh thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải mang trong mình nỗi đau chia cắt đất nước thành 2 miền Nam - Bắc suốt hơn 20 năm ròng rã. Bạn hãy giới thiệu và quảng bá điểm đến này".
Với thời gian 2 phút, Trần Như Phương đã trả lời di tích đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải nằm ở vĩ tuyến 18 thay vì 17. Cô không dành được quán quân cuộc thi.
Sau đêm chung kết, Như Phương nhận vô số "gạch đá" trên mạng xã hội vì cho rằng cô thiếu kiến thức căn bản.
Lại Thị Yến Nhi nhận được câu hỏi ở phần thi ứng xử như sau: "Nếu đêm nay, em đạt danh hiệu Đại sứ du lịch, em nghĩ đến điều gì".
Yến Nhi trả lời về sự biết ơn ban tổ chức, gia đình, bàn bè, huấn luyện viên… Sau khi đạt danh hiệu, bản thân sẽ tham gia công tác thiện nguyện giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn.
Sau khi đăng quang, Yến Nhi cũng nhận nhiều ý kiến cho rằng, cô đã trả lời không đúng trọng tâm câu hỏi của cuộc thi hướng đến sự phát triển của du lịch.
Bên cạnh những thông tin "ném đá" cũng có những ý kiến cảm thông, chia sẻ với 2 cô gái và mong rằng sau cuộc thi này các cô sẽ trưởng thành hơn, góp phần truyền lửa để mỗi người dân Quảng Trị đều trở thành một đại sứ du lịch.
Ban tổ chức lên tiếng
Ngày 4/5, PV Dân Việt đã liên lạc qua điện thoại với Trần Như Phương. Cô cho biết, tham gia cuộc thi, bản thân cô và một số thí sinh khác vì áp lực, mệt mỏi nên bị ốm, có người phải truyền nước. Lúc trả lời câu hỏi, vì quá run nên cô quên kiến thức.
"Đối diện với ban giám khảo, khán giả, biết đang truyền hình trực tiếp, lại là người trả lời câu hỏi ứng xử đầu tiên nên khi nhận được câu hỏi em run quá, như người vô hồn, trả lời câu hỏi nhưng không biết mình nói gì. Sau khi lui về cánh gà, mẹ em hỏi sao lại trả lời đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải nằm ở vĩ tuyến 18. Lúc đó em mới biết mình đã trả lời như vậy" – Như Phương kể lại.
Theo Phương, sau cuộc thi cô còn phải học hỏi, rèn luyện thêm về kiến thức, bản lĩnh, kỹ năng để hoàn thiện mình hơn.
"Dù thế nào, thời gian tới em vẫn tiếp tục quảng bá du lịch tỉnh nhà đến với mọi người" – Như Phương nói.
Trả lời PV Dân Việt ngay sau khi đăng quang, Lại Thị Yến Nhi cho biết, thời gian tới cô sẽ trau dồi kỹ năng, kiến thức, hình ảnh của mình để góp phần quảng bá du lịch Quảng Trị.
Cùng ngày, trả lời PV Dân Việt, ông Phạm Công Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Trị, Trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết, để hình thành sản phẩm du lịch là một quá trình dài và liên tục, cần thời gian, trải nghiệm, rút kinh nghiệm.
Với mong muốn góp phần phát triển du lịch Quảng Trị, Hiệp hội du lịch tỉnh phối hợp các đơn vị khác tổ chức 6 sự kiện nhân dịp 30/4-1/5 (sau bị huỷ chỉ còn 2 sự kiện vì dịch Covid-19 – PV), trong đó có cuộc thi Đại sứ du lịch.
Đại sứ du lịch Quảng Trị sẽ đảm nhận sứ mệnh đồng hành cùng các đơn vị liên quan trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch tỉnh trong thời gian 2 năm, không nhận lương. Vì vậy, tiền thưởng 100 triệu đồng để hỗ trợ cho Đại sứ du lịch quảng bá du lịch trong 2 năm.
Ông Vinh cho biết, để tổ chức cuộc thi, Ban tổ chức đã phải chuẩn bị từ ngày 17/2. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, doanh nghiệp khó khăn nên việc vận động kinh phí xã hội hoá để tổ chức cuộc thi khá vất vả.
"Rất may, chúng tôi nhận được sự ủng hộ của những con người tâm huyết với nền du lịch tỉnh nhà mới có đủ kinh phí tổ chức. Mỗi người chung tay một chút, có đơn vị ủng hộ tiền, trang thiết bị, có đơn vị ủng hộ bữa cơm cho thí sinh sau khi đi thực tế… Có người mẹ từ Hải Lăng chở con bằng xe máy ra Đông Hà dự thi. Dù không nằm trong kinh phí chương trình nhưng chúng tôi đã hỗ trợ phòng nghỉ lại, vì đêm bán kết diễn ra từ 19h ngày 27/4 đến tận 1h15 phút ngày hôm sau mới kết thúc…" – ông Vinh chia sẻ.
Theo ông Vinh, với mong muốn cuộc thi có chất lượng tốt, Ban tổ chức đã mời những giám khảo có uy tín gồm nghệ sĩ nhân dân (NSND) Lê Khanh, NSND Nguyễn Quang Vinh, nhà báo Nguyễn Hoàn – Phó GĐ Sở Thông tin truyền thông tỉnh Quảng Trị, nữ hoàng tài năng Kim Huyền Sâm, Phó GĐ Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch Quảng Trị.
Trong bộ đề 30 câu hỏi, ban tổ chức đã lựa chọn ngẫu nhiên 10 câu, đưa cho ban giám khảo 15 phút trước khi đêm chung kết lên sóng truyền hình trực tiếp.
Theo ông Vinh, với áp lực đêm chung kết, đối diện với giám khảo, ban tổ chức cùng nhiều khán giả trong trường quay cũng như trên sóng truyền hình trực tiếp, các thí sinh rất áp lực, lo lắng.
Vì vậy, thí sinh Như Phương trả lời sai từ vĩ tuyến 17 thành vĩ tuyến 18, còn Yến Nhi trả lời chưa đúng trọng tâm câu hỏi.
Ban giám khảo đã nhận ra lỗi sai của Như Phương và kết quả cô ấy không dành được vương miện đại sứ. Còn Yến Nhi, ban giám khảo đánh giá cô qua 3 vòng thi sơ khảo, bán kết, chung kết đều có kết quả cao.
"Các em còn quá trẻ, đang là sinh viên, chưa va chạm nhiều, đặc biệt là tại các cuộc thi quy mô lớn nên tâm lý bị ảnh hưởng, đã xảy ra những sai sót không mong muốn. Nếu tôi là thí sinh, đứng trên sân khấu đó, đối diện với nhiều áp lực, tôi cũng không dám chắc tuyệt đối rằng mình sẽ trả lời chính xác. Vì vậy, tôi mong rằng dư luận sẽ cảm thông, chia sẻ, động viên để các thí sinh hoàn thiện mình, đóng góp cho du lịch Quảng Trị có chỗ đứng trên bản đồ Việt Nam" – ông Vinh chia sẻ.
Theo ông Vinh, điều lo lắng nhất là các thí sinh bị "ném đá" sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, việc học. Hơn nữa, phụ huynh thí sinh nói riêng, bậc cha mẹ nói chung sẽ e dè, không cho con tham gia các cuộc thi khác, vậy ai sẽ cống hiến cho quê hương?
Tạo thương hiệu du lịch như nuôi một đứa trẻ
Ông Vinh cho biết, cuộc thi nào cũng có những hạt sạn, không có gì trọn vẹn. Tuy nhiên, chúng ta nhìn nhận, đánh giá những khuyết điểm đó mang tính xây dựng sẽ giúp ích rất nhiều. Còn chúng ta "ném đá" nghĩa là đang dẫm đạp lên tâm huyết của những người đã bỏ công sức, thời gian, tiền bạc để tổ chức. Vậy thì, còn ai dám tổ chức các chương trình, cuộc thi với mong muốn góp sức cho cộng đồng?
"Tạo thương hiệu cho du lịch Quảng Trị như nuôi một đứa trẻ. Chúng ta cần chung tay bảo vệ, chăm sóc, cho đứa trẻ học hành, trải nghiệm thì nó mới lớn lên và khoẻ mạnh. Nếu không, đứa trẻ ấy chỉ mãi là đứa trẻ mà thôi" – ông Vinh nói.
Ông Nguyễn Hoàn – Phó GĐ Sở TTTT Quảng Trị cho biết, bên cạnh nỗ lực của chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan, du lịch tỉnh sẽ phát triển, có chỗ đứng nếu nhận được sự cảm thông, góp ý xây dựng từ dư luận thay vì "ném đá". Bởi lẽ, muốn du lịch Quảng Trị phát triển thì mỗi người dân phải là một đại sứ du lịch, xây dựng hình ảnh quê hương đẹp hơn trong mắt mọi người.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.