Thí sinh loay hoay giữa “ma trận” phương thức xét tuyển

Chủ nhật, ngày 20/02/2022 07:31 AM (GMT+7)
Năm 2022, rất nhiều phương thức xét tuyển đại học được các trường công bố khiến không ít thí sinh, phụ huynh đắn đo sẽ lựa chọn phương án nào. Nếu không nghiên cứu kỹ, rất có thể thí sinh sẽ thất bại ngay từ lần đầu xét tuyển.
Bình luận 0

“Giải mã” các phương thức xét tuyển

Mùa tuyển sinh năm 2022 ghi nhận sự đổi mới trong phương thức tuyển sinh của hầu hết các trường. Tính đến thời điểm hiện tại, có đến hơn 10 phương thức xét tuyển sẽ được các trường sử dụng như: Sử dụng kết quả thi kỳ thi trung học phổ thông (THPT), sử dụng kết quả học tập bậc THPT (học bạ), tuyển thẳng theo quy định của quy chế tuyển sinh; các trường đại học (các trường có mức độ cạnh tranh cao, các trường đào tạo các nhóm ngành đặc thù, năng khiếu...) tổ chức các kỳ thi riêng; nhóm trường cùng tổ chức kỳ thi riêng để lấy kết quả xét tuyển, sử dụng kết quả thi đánh giá của các tổ chức khảo thí uy tín lớn trên thế giới, kết hợp giữa các phương thức trên để xét tuyển...

Thí sinh loay hoay giữa “ma trận” phương thức xét tuyển - Ảnh 1.

hí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại Trường Đại học Phenikaa, tháng 3/2021.

Giữa một “ma trận” phương thức xét tuyển, mỗi tiêu chí lại có quy định, yêu cầu khác nhau khiến các gia đình khá bối rối. Nhiều thí sinh và phụ huynh chia sẻ, họ đặt mục tiêu trúng tuyển vào đại học bằng điểm thi THPT. Tuy nhiên năm nay, do các trường đồng loạt giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi THPT nên cả gia đình phải cùng ngồi lại, tìm thêm các phương án xét tuyển khác, gia tăng cơ hội trúng tuyển.  

Gỡ rối cho phụ huynh, PGS, TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, thực ra chỉ có 3 phương thức xét tuyển đại học cơ bản, đó là xét tuyển bằng hồ sơ học tập hoặc thành tích cá nhân (học bạ THPT, chứng chỉ quốc tế, các giải thưởng...); xét tuyển dựa trên kết quả của thí sinh tham dự (một lần) kỳ thi THPT hoặc kỳ thi riêng khác và thứ ba là xét tuyển kết hợp các tiêu chí từ hai phương thức trên.

Phương thức thứ ba tạo ra những bộ tiêu chí hoặc các phương án xét tuyển đa dạng, đôi khi khá vụn vặt vì có những phương án kèm các tiêu chí mà chỉ rất ít thí sinh đáp ứng. Việc đưa ra nhiều phương án giúp các trường đa dạng nguồn tuyển hoặc tuyển được sinh viên phù hợp cho chương trình đào tạo.

Thực tế mùa tuyển sinh năm 2021 cho thấy, không ít thí sinh khi nghiên cứu các phương án xét tuyển vẫn bỏ qua một số tiêu chí quan trọng khiến các em để tuột cơ hội một cách đáng tiếc. Thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường Đại học Văn Hiến chia sẻ: Các em không nhất thiết phải đợi có kết quả kỳ thi THPT mới nộp hồ sơ mà ngay lúc này có thể tham gia xét tuyển học bạ vào các trường đại học có sử dụng phương thức này.

Hình thức xét tuyển này có thể dựa trên điểm trung bình chung của 3 năm học THPT hoặc điểm trung bình năm lớp 12 hoặc điểm 3 học kỳ ở THPT. Mỗi trường sẽ có những điều kiện xét tuyển học bạ khác nhau. Thí sinh quan tâm đến ngành nào, trường nào nên trực tiếp liên hệ với trường để được tư vấn kỹ, tránh trường hợp thực hiện sai quy cách dẫn đến lãng phí công sức. Tuy nhiên, dù xét theo hình thức nào, các em cũng phải đáp ứng được điều kiện cần là tốt nghiệp THPT.

Cân bằng giữa năng lực và mong muốn

Hiện hơn 80 trường đại học, cao đẳng đã đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức làm căn cứ xét tuyển năm 2022. TS Dương Tôn Thái Dương, Phó trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho hay: “Chủ trương của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cùng các đơn vị thành viên duy trì mục tiêu đa dạng hóa phương thức tuyển sinh. Bên cạnh sử dụng kết quả kỳ thi THPT, đơn vị đã thiết kế phương thức tuyển sinh những học sinh giỏi của khoảng 150 trường THPT trong cả nước. Kỳ thi đánh giá năng lực được xây dựng là một tiêu chí xét tuyển mang tính chủ lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Năm 2021, kỳ thi này đã tuyển được hơn 5.000 thí sinh (20% tổng chỉ tiêu). Song song với đó, đơn vị đã tiếp cận sử dụng phương thức mang tính kết hợp các tiêu chí với nhau. Ví dụ kết hợp kết quả học tập THPT với thi đánh giá năng lực và thi THPT hoặc với các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Từ năm 2021, đơn vị có thêm phương thức nữa là ưu tiên xét tuyển thẳng những học sinh giỏi nhất của các trường THPT.

“Năm 2022, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh dự kiến tuyển khoảng 40% chỉ tiêu cho phương thức thi đánh giá năng lực. Để gia tăng cơ hội, thí sinh nên đăng ký ngay để kịp tham gia kỳ thi này vào ngày 27/3 và đợt 2 vào ngày 22/5. Sau hai đợt thi, đơn vị sẽ tổ chức một lần xét tuyển duy nhất vào khoảng cuối tháng 6, đầu tháng 7”, TS Dương Tôn Thái Dương chia sẻ.

Cân bằng giữa năng lực và mong muốn để đạt mục tiêu trúng tuyển là lời khuyên của PGS, TS Nguyễn Phong Điền dành cho thí sinh. Việc lựa chọn đăng ký phương thức xét tuyển cần chú trọng những yếu tố như: Nếu có thành tích nổi trội, đoạt các giải thưởng hoặc có năng lực chuyên biệt (học sinh giỏi trường chuyên/năng khiếu, có chứng chỉ quốc tế về ngoại ngữ hoặc học vấn như SAT, A-Level), thí sinh có ưu thế nếu đăng ký xét tuyển qua hồ sơ.

Với những ngành “hot”, trường “top”, con đường dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ ngày càng chật hẹp do chỉ tiêu đối với phương thức này giảm sâu. Việc tham dự thi kỳ thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia hoặc kỳ thi đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tạo thêm cơ hội trúng tuyển cho các em do có nhiều trường sử dụng kết quả các kỳ thi này để xét tuyển đại học.

Lý giải về việc hiện có nhiều phương thức xét tuyển, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Việc các cơ sở giáo dục đại học có các phương thức tuyển sinh khác nhau là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật; bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo và phù hợp với phương thức tuyển sinh chung của thế giới.

Qua tổng hợp, phân tích số liệu tuyển sinh, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy cho biết: Các cơ sở đào tạo sử dụng phương thức xét kết quả thi THPT để xét tuyển chiếm tỷ lệ 92,05%; sử dụng kết quả học tập bậc THPT để xét tuyển là 77,37% và sử dụng thêm các phương thức khác để xét tuyển là 92,35%. Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển sinh, số thí sinh trúng tuyển và nhập học chỉ chủ yếu tập trung ở phương thức sử dụng kết quả thi THPT và sử dụng kết quả học tập bậc THPT (chiếm hơn 90%; các phương thức còn lại chỉ 10%). Những năm gần đây, các chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả học tập THPT và các phương thức khác ngoài kết quả thi tốt nghiệp THPT có xu hướng gia tăng hơn.

Quy chế tuyển sinh hiện hành quy định, nếu các trường lựa chọn nhiều phương thức để xét tuyển, phải quy định chỉ tiêu cho từng phương thức xét tuyển và công khai trong đề án tuyển sinh; thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn nguyện vọng vào các ngành, các trường... theo các phương thức xét tuyển khác nhau của các trường (nếu có). Như vậy, đi kèm với nhiều cơ hội trúng tuyển, thí sinh phải tìm hiểu để lựa chọn phương thức phù hợp kỹ hơn, vì vậy sẽ có phần vất vả hơn.

Thu Hà (QĐND)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem