Thị trường chứng khoán: Có hay không hiện tượng “Force cell” ngay đầu tuần?

Quốc Hải Thứ hai, ngày 12/07/2021 07:00 AM (GMT+7)
Phiên cuối tuần (9/7), thị trường chứng khoán Việt Nam đã chìm trong sắc đỏ với 74% số mã chứng khoán giảm khiến VN-Index "bốc hơi" 27,54 điểm, về mốc 1.347,14 điểm. Nếu tính cả trong tuần, VN-Index đã mất 73,13 điểm (5,15%), xóa đi nỗ lực tăng điểm của 4 tuần trước đó…
Bình luận 0

Tâm lý yếu, sức cầu yếu, cộng với diễn biến dịch Covid-19 phức tạp khiến "đầu tàu" kinh tế cả nước là TP.HCM phải thực hiện việc giãn cách trong 15 ngày theo Chỉ thị 16, đã làm cho nhà đầu tư trong nước bán tháo liên tục. Quan sát diễn biến thị trường có thể thấy, lực bán tung ra rất mạnh, trong khi những phiên hồi phục chỉ diễn ra một cách yếu ớt, rồi thị trường lại rơi.

Bên cạnh những yếu tố cơ bản như trên, nhà đầu tư trong nước còn chịu sức ép từ sử dụng đòn bẩy (margin) tại các công ty chứng khoán.

TTCK: Có hay không hiện tượng “Force cell” ngay đầu tuần? - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán "bốc hơi" 73,13 điểm (5,15%) trong cả tuần qua (Ảnh: tinnhanhchungkhoan.vn)

Nhiều nhà đầu tư lo lắng, hiện tượng "Force cell" – lệnh bán "cưỡng bức" - sẽ xuất hiện trong các phiên đầu tuần tới, khiến thị trường sẽ càng giảm điểm thêm. Trên thực tế, trong giai đoạn giảm điểm vừa qua, nhiều công ty chứng khoán đã thực hiện gọi ký quỹ bổ sung.

Tuy nhiên, khi nhà đầu tư không đáp ứng được lượng tiền mặt cần thiết kế đủ tỷ lệ ký quỹ tối thiểu, công ty buộc phải ra lệnh bán bắt buộc số cổ phiếu trên tài khoản vay mua của nhà đầu tư.

Trong điều kiện thị trường chứng khoán ổn định, biên độ biến động giá cổ phiếu không quá lớn, việc sử dụng margin là công cụ hữu ích với giới đầu tư, nhưng ở thời điểm hiện tại, khi thị trường chứng khoán biến động lớn, các cổ phiếu liên tục xuất hiện dư bán sàn không có người mua, lực cầu yếu, giá giảm kéo dài, việc sử dụng margin là yếu tố góp phần bào mòn nhanh chóng tài khoản của nhà đầu tư.

"Thị trường càng giảm, áp lực giải chấp càng mạnh. Nếu như giai đoạn giảm đầu tiên, nhà đầu tư có thể cầm cự bằng nộp tiền thêm, thì sau này, khi tiền mặt đã cạn, việc phải bán cổ phiếu để trả nợ là điều không thể dừng lại của các tài khoản "trót" dùng margin", một chuyên gia của sàn chứng khoán SSI, nhận định.

Liệu hiện tượng "Force cell" có xảy ra trong các phiên giao dịch tuần tới hay không, là vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Về vấn đề này, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định: "Force cell" là có nhưng không nhiều, bởi vì tính từ khi thị trường quay đầu giảm đến nay (3 phiên) trong đó đã có 1 phiên hồi và sức phục hồi cũng khá. Vì vậy, nếu phải giải chấp thì các công ty chứng khoán đã giải chấp trong các phiên này rồi.

TTCK: Có hay không hiện tượng “Force cell” ngay đầu tuần? - Ảnh 2.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam (Ảnh: NVCC)

Một nguyên nhân nữa, theo ông Phương lượng tiền tham gia giao dịch hiện nay khá cân bằng, chứ không hẳn toàn là lượng tiền margin, vì có các nhà đầu tư F0, các quỹ đầu tư, các ETF (chứng chỉ quỹ)… Mà mỗi ngày lượng tiền giao dịch lên tới hai mấy nghìn tỷ nhưng trong đó lượng tiền vay margin không phải là lớn. Kế đến là qua những vấn đề vừa qua thị trường ở vùng cao điểm, các phương tiện truyền thông cũng cảnh báo nhiều…

Trên thực tế, ai sử dụng margin nhiều? Đó là những nhà đầu tư có thâm niên là chính, còn những nhà đầu tư F0 thường ít dám dùng margin, còn nếu có thì chỉ dùng với tỷ lệ thấp, vì sợ và cũng chưa quen. Còn với những nhà đầu tư có thâm niên thì họ đã có kinh nghiệm rồi, những lúc thị trường điểm cao thì họ cũng đã hạ tỷ trọng xuống nhiều. Cho nên các phiên đầu tuần tới đây, hiện tượng giải chấp là có nhưng không nhiều.

Đặc biệt, cần lưu ý ngày đóng cửa phiên thứ 6 vừa qua, thị trường về cuối phiên có điểm cao hơn bình thường, có nghĩa là thị trường đang hồi dần lên. Khi thị trường đang hồi dần lên, nếu muốn bán nợ và cần phải bán thì họ cũng tranh thủ bán dần.

"Với các yếu tố nêu trên, tôi cho rằng lực bán giải chấp chắc chắn là có nhưng không lớn, và sẽ không làm ảnh hưởng đến thị trường theo kiểu xuống sâu hơn nữa", ông Phương nói.

Cũng theo chuyên gia chứng khoán này, trong phiên đầu tuần tới, nhà đầu tư chỉ nên mua khi giá giảm sâu, thị trường điều chỉnh nhiều thì mới có lợi. Đồng thời, cũng nên mua những ngành như chứng khoán, ngân hàng, một số ngành có thể hưởng lợi như dầu khí, bất động sản có dự án tốt, thậm chí là sắt thép vì những ngành chính này đang khá "hot" và có dẫn sóng thị trường.

Riêng với các ngành mặc dù có thể hưởng lợi trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay như ngành tiêu dùng, theo ông Phương, ngành này chỉ có một vài mã và chỉ mang tính ngắn hạn.

Theo giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, công bằng mà nói, ngành tiêu dùng hiện nay lượng cung cũng không nhiều. Có nghĩa doanh số ngành này thời điểm hiện nay có thể tăng hơn bình thường nhưng không đột biến, vì chính nguồn cung sản phẩm để họ bán cho người tiêu dùng cũng không nhiều, thậm chí một số siêu thị còn phải đóng cửa do dịch. Do đó, nếu tính về lý thuyết thì cổ phiếu ngành này có vẻ hưởng lợi nhiều nhưng thực tế bản chất cổ phiếu ngành tiêu dùng không phải ngành dẫn dắt thị trường, cổ phiếu cũng không không nhiều trên thị trường chứng khoán. Thêm vào đó, tỷ trọng ngành này chiếm trong rổ Index không nhiều, cũng không phải ngành theo trending.

"Khi không phải là cổ phiếu dẫn sóng thì dòng tiền tìm đến không nhiều. Khi dòng tiền tìm đến không nhiều thì cổ phiếu không thể đi xa được", ông Phương nói thêm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem