Chiều nay (ngày 28/6), Chuyên đề 1 với chủ đề: “Chứng khoán và những con số” đã diễn ra tại Hà Nội, mở đầu cho chuỗi talkshow “Thị trường chứng khoán và dự báo”, do Tạp chí Kinh tế và Dự báo, cơ quan ngôn luận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức. Chuỗi talkshow này liên tiếp diễn ra từ ngày 28/6 đến 30/6/2021.
Chương trình có sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam; Công ty cổ phần Chứng khoán VPS; Công ty cổ phần FECON; Công ty cổ phần Tập đoàn F.I.T; Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội; Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt và Công ty cổ phần Chứng khoán TP. HCM.
Các diễn giả tham gia Chuyên đề 1 của chuỗi talkshow
Phát biểu khai mạc toạ đàm, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo Nguyễn Lệ Thủy, cho biết, chuỗi talkshow “Thị trường chứng khoán và dự báo” được tổ chức vào thời điểm nền kinh tế Việt Nam, TTCK Việt Nam đi qua nửa năm 2021 với rất nhiều thách thức, áp lực khi đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam. Trong bối cảnh này, diễn biến tích cực là TTCK Việt Nam ghi được những kỷ lục chưa từng có, như thu hút trên 500.000 tài khoản mới mở, thanh khoản nhiều phiên đạt trên 1 tỷ USD, giá trị vốn hóa toàn thị trường đạt trên 105% GDP và đặc biệt chỉ số chứng khoán VN-Index tăng 24% so với đầu năm…
Cũng theo bà Nguyễn Lệ Thủy, bên cạnh những kết quả tích cực, TTCK Việt Nam còn nhiều vấn đề cần được nhận diện, xử lý trên hành trình sắp tới. Chúng tôi mong đợi các chuyên gia, nhà quản lý sẽ đánh giá về sự phát triển của TTCK Việt Nam trong mối tương quan với chuyển động kinh tế vĩ mô, chính sách và định hướng điều hành thị trường, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và tiến trình chuyển đổi số. Đặc biệt, điều công chúng đầu tư mong đợi là các chuyên gia, nhà quản lý sẽ chia sẻ góc nhìn về tương lai TTCK Việt Nam, giải pháp cho thị trường mở rộng cơ hội, đồng thời giúp nhà đầu tư đi bền với thị trường.
Trước thực tế TTCK lập kỷ lục về điểm số, thanh khoản, thu hút lượng lớn nhà đầu tư mới tham gia… trong bối cảnh đại dịch bùng phát có bất thường không, bà Tạ Thị Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN), phân tích, bối cảnh phát triển TTCK trong đại dịch là một bất thường. Tuy nhiên, sự tăng trưởng không chỉ diễn ra trên TTCK Việt Nam, mà hầu hết các thị trường lớn trên thế giới đều có sự tăng trưởng, thậm chí là ngoạn mục. Tính đến ngày 15/6, TTCK Mỹ tăng khoảng 12,4%, Anh tăng 10%, Pháp tăng 19%, các TTCK châu Á như: Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản đều tăng trên 12% so với đầu năm 2021. Đến nay, VN-Index tăng khoảng hơn 23%, vốn hóa thị trường tăng trên 21% so với cuối năm 2020. Như vậy, sự tăng điểm này của TTCK Việt Nam là bình thường.
Bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường - UBCKNN
Cũng theo bà Bình, xét về nội lực, sự tăng điểm của TTCK Việt Nam có lý do là kinh tế vĩ mô 5 tháng đầu năm tích cực. Mặt khác, những dòng tiền chảy vào các kênh đầu tư mà nhà đầu tư lâu nay coi là hấp dẫn như: bất động sản, tiền ảo trong thời gian gần đây có chững lại, do cơ quan quản lý có những biện pháp kiểm soát, nên dòng tiền đổ vào chứng khoán gia tăng. Bởi vậy, không khó hiểu khi thanh khoản của thị trường tăng mạnh trong thời gian gần đây.
“Đặc biệt, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán trong quý I/2021 cho thấy, khả năng chống chọi khá tốt trước đại dịch. Sự tăng điểm mạnh của TTCK trong thời gian gần đây còn thể hiện kỳ vọng rất lớn của nhà đầu tư sau đại dịch…”, bà Bình nói.
Theo bà Tạ Thị Thanh Bình, "Trong tháng 5/2021, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khoảng 497 triệu USD trên TTCK Việt Nam, thấp hơn đáng kể so với nhiều thị trường ở châu Á như: ở TTCK Thái Lan, nhà đầu tư ngoại bán ròng 1 tỷ USD, con số này ở thị trường TTCK Đài Loan là 2,1 tỷ USD. Đáng nói là số dư tiền mặt trên tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam đang chờ giải ngân hiện còn lớn. Chúng tôi đang theo sát diễn biến của dòng vốn ngoại..."
6 tháng đầu năm nay, trong khi TTCK Việt Nam tăng điểm, thì nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trên thị trường cổ phiếu, với giá trị 32.000 tỷ đồng, trong khi mua ròng trên thị trường trái phiếu khoảng 2.500 tỷ đồng. Lý giải về hiện trạng này, bà Bình cho rằng, diễn biến này chưa có tác động tiêu cực đến thị trường. Cần phân biệt rõ giữa bán ròng và rút vốn ròng. Thực tế, nhà đầu tư nước ngoài họ bán ròng trên thị trường cổ phiếu, nhưng lại mua ròng trên thị trường trái phiếu. Có thể nhận thấy thị trường cổ phiếu tăng nóng và danh mục đầu tư đã đạt lợi nhuận kỳ vọng, nên họ chốt lời, để tìm kiếm cơ hội mới chứ không phải bán ròng để rút vốn.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Ở góc nhìn của nhà nghiên cứu, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, sự tăng trưởng của TTCK thời gian qua nhờ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý I/2021 tăng mạnh. Ở làn sóng dịch Covid-19 thứ nhất gây đứt gãy chuỗi cung cầu quan hệ sản xuất, nhưng với làn sóng dịch lần thứ 4 rất khác, khi rất nhiều doanh nghiệp vẫn có nhiều đơn hàng. Điển hình như doanh nghiệp ngành dệt may. Gần đây, các nước trên thế giới có chiến lược tiêm vắc-xin từ sớm, nên một số quốc gia đã bắt đầu mở cửa thị trường và hoạt động kinh doanh bình thường trở lại.
“Niềm tin của nhà đầu tư được củng cố thêm nhờ dịch Covid-19 được kiểm soát. Những con số gần đây cho thấy, nhà đầu tư cá nhân tham gia TTCK mạnh mẽ, giúp cho thanh khoản thị trường sôi động…”, ông Hiếu nói.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng, sự thăng hoa của TTCK trong 6 tháng đầu năm nay có sự bất ngờ hơn là bất thường. Lý do là bởi, năm 2021 được coi là năm phục hồi kinh tế. Các dự báo gần đây đều nâng mức tăng trưởng của năm 2021, tức là kinh tế thế giới phục hồi mạnh hơn nhờ niềm tin vào vắc-xin. Chính sách nới lỏng tiền tệ của các quốc gia kéo theo lãi suất xuống thấp vẫn tiếp diễn. Đặc biệt, tầng lớp trung lưu và những người trẻ có thu nhập tương đối đang đầu tư một lượng tiền vào TTCK trong thời gian gần đây…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.