Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Chuyên gia nói thẳng về sự minh bạch

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 20/05/2022 06:50 AM (GMT+7)
"Đồng tình rằng phải có sự kiểm soát mục đích sử dụng vốn, nhưng tiền đã vào trong túi doanh nghiệp thì không thể phân biệt "đồng này mua mắm, đồng này mua tương", nên cơ chế cần có sự thông thoáng, cởi mở nhất định", ông Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó Viện trưởng viện chiến lược, Ngân hàng Nhà nước nói.
Bình luận 0

Đó là ý kiến của ông Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó Viện trưởng viện chiến lược, Ngân hàng Nhà nước khi đề cập về 6 nhóm giải pháp lành mạnh, minh bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại diễn đàn "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức.

6 nhóm giải pháp lành mạnh, minh bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Thứ nhất, theo ông Hòe sau những vụ việc "lùm xùm" trên thị trường tài chính xảy ra như vừa qua, thì các quan điểm về thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang chuyển từ thái cực mở sang quản lý chặt chẽ. Điều đó là chưa hợp lý với nguyên tắc thị trường và nếu cứ tiếp tục như vậy, Việt Nam sẽ khó có được một thị trường trái phiếu lành mạnh, hay đạt đến mục tiêu 20% GDP.

Vì thế, tổng thể về cách tiếp cận của thị trường phải rất mở, đảm bảo theo nguyên lý kinh tế thị trường, để cân bằng vốn giữa thị trường dài hạn và ngắn hạn, đồng thời, phải cân bằng giữa rủi ro và phát triển thị trường.

Thứ hai, trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 153 có nói đến hạn mức vay nợ của doanh nghiệp không quá 3 lần so với vốn chủ sở hữu, nhưng cách tiếp cận đó là chưa phù hợp.

Nghị định 153/2020/NĐ-CP (Nghị định 153) quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế ban hành ngày 31/12/2020, hiệu lực thi hành ngày 1/1/2021.

"Trước kia, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB) đã khuyến nghị, mức vay nợ tổng thể với doanh nghiệp, bao gồm cả trái phiếu, cổ phiếu, tín dụng vay của các tổ chức khác,... mà mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có câu chuyện hệ số vay nợ khác nhau. 

Ví dụ ngành thương mại được tài trợ 70% còn 30% là vốn tự có, còn lĩnh vực công nghiệp là 50-50%. Như vậy, chúng ta phải phân tích theo đặc thù ngành nghề để giới hạn, chứ không nên kéo bằng như nhau", ông Hòe nói.

Ông Phạm Xuân Hòe: Tiền vào túi doanh nghiệp, không thể phân biệt "đồng này mua mắn, đồng này mua tương" - Ảnh 1.

Ông Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó Viện trưởng viện chiến lược, Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại Tọa đàm "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp". (Ảnh: DĐDN)

Thứ ba, về minh bạch thông tin, các nhà đầu tư nhỏ lẻ hiện nay hoàn toàn thiếu thông tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong khi thị trường đã chứng kiến sự bùng nổ trong 2 năm trở lại đây. 

Tuy nhiên, vấn đề này cũng bao hàm trách nhiệm của các chủ thể liên quan như doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư, các công ty trung gian dịch vụ. 

Hiện, hành lang pháp lý vẫn đang bỏ ngỏ điều kiện này, do đó, cần quy định trách nhiệm cụ thể với các chủ thể, để nguồn thông tin trên thị trường được minh bạch, có sự ràng buộc, cam kết.

Thứ tư, ông Phạm Xuân Hòe cho rằng, kiểm soát quá chặt chẽ dòng vốn và mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp phát hành trái phiếu là không khả thi.

"Đồng tình rằng phải có sự kiểm soát mục đích sử dụng vốn, nhưng tiền đã vào trong túi doanh nghiệp thì không thể phân biệt "đồng này mua mắm, đồng này mua tương", nên cơ chế cần có sự thông thoáng, cởi mở nhất định", ông Hòe nói.

Thứ năm, với tầm nhìn dài hạn cho thị trường trái phiếu, chúng ta cần làm rõ rằng, đã là công cụ nợ thì phải có thị trường thứ cấp, được mua đi bán lại. Kèm theo đó, tất cả các công ty đã phát hành trái phiếu phải được yêu cầu xếp hạng tín nhiệm và chịu trách nhiệm xếp hạng tín nhiệm liên tục.

Khi đã được xếp hạng tín nhiệm thì phải đảm bảo được thanh khoản, bằng cách được các ngân hàng thương mại, các quỹ đầu tư mua đi bán lại trên thị trường. Một cách nữa, đó là dùng doanh nghiệp trái phiếu xếp hạng tốt nhất trên thị trường để tái cấp vốn chiết khấu, nhưng cách này là rất khó...

Thứ sáu, bổ sung thêm khuyến nghị về xếp hạng tín nhiệm, vị chuyên gia đánh giá, doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm trên thị trường hiện nay còn nhiều hạn chế, lực lượng mỏng sẽ không đủ sức đáp ứng yêu cầu khi thị trường tăng cao. 

"Theo tôi, cần có dòng vốn cho các doanh nghiệp này phát triển, mà quan trọng là Chính phủ nên có ngân sách hỗ trợ các công ty xếp hạng tín nhiệm phát triển ổn định, có đủ tiềm lực mạnh mẽ góp phần thúc đẩy thị trường trái phiếu tăng trưởng".

Chuyên gia "tiếc" vì đánh giá tín nhiệm còn mờ nhạt

Đồng tình, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, đánh giá tín nhiệm bắt buộc là giải pháp mà các nước thường sử dụng.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, ở đây có sự bất đối xứng thông tin, bởi có nhiều nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp mà không biết tình hình tài chính nhà đầu tư như thế nào. Thường ở các nước, họ bắt buộc phải định giá tín nhiệm qua các công ty định giá chuyên nghiệp, qua đó đánh giá cụ thể về những rủi ro có thể gặp phải là như thế nào.

Ông Phạm Xuân Hòe: Tiền vào túi doanh nghiệp, không thể phân biệt "đồng này mua mắn, đồng này mua tương" - Ảnh 2.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI. (Ảnh: DĐDN)

Dưới góc nhìn của ông Đậu Anh Tuấn, quản lý nhà đầu tư cũng gặp trục trặc bởi nguồn vốn trong dân của người Việt Nam tương đối lớn. Ngay cả với vốn vay ngân hàng, mặc dù có đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, nhưng bản thân ngân hàng quản lý doanh nghiệp vay vốn và sử dụng vốn vẫn gặp nhiều khó khăn; thì việc các nhà đầu tư cá nhân phải quản lý các mục tiêu sử dụng vốn còn khó hơn nhiều.

Tài sản bảo đảm hiện nay về lý thuyết là tốt, nhưng thực sự giá trị của tài sản đảm bảo có sự thay đổi rất nhanh. Điển hình như bất động sản, đất đai, cứ hình dung nếu doanh nghiệp không trả được trái phiếu mà phát mại tài sản đó ở Việt Nam hiện nay là quy trình rất phức tạp.

Ngay cả việc phát hành để thu hồi tài sản từ bất động sản, chỉ thu hồi của vài chủ nợ đã khó, đằng này phải thu hồi hàng trăm, hàng nghìn chủ nợ là một thách thức rất lớn. Do đó, ông Tuấn cho rằng định giá tín nhiệm là một giải pháp rất quan trọng và tiềm năng.

"Tiếc là trong Dự thảo 5 sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP lại hơi mờ nhạt, chưa đậm nét". - ông Đậu Anh Tuấn nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem