Ngay sau khi Sở GDĐT công bố điểm chuẩn vào lớp 10 các trường THPT công lập Hà Nội năm 2023, nhiều phụ huynh có con thi trượt đã cuống cuồng tìm trường tư thục để đăng ký cho con suất học. Điều này đã dẫn đến tình trạng 2 ngày qua phụ huynh đứng kín cổng một số trường vì lo hết chỉ tiêu.
Từ 0h38 ngày 5/7, hơn 100 phụ huynh vây kín cổng Trường THPT Hoàng Cầu mong giành được một suất nộp hồ sơ vào lớp 10 cho con. Cùng thời gian, cảnh tượng này cũng xảy ra ở Trường THPT Tạ Quang Bửu. Trước đó, ngày 3/7, hàng trăm phụ huynh có con đạt 41 điểm trở lên nhưng trượt nguyện vọng 1 vào lớp 10 Hà Nội đã đổ ra cổng Trường THPT Phan Huy Chú từ 2h sáng để giành một suất lớp 10 cho con.
Tuy nhiên, dù đứng từ nửa đêm nhưng nhiều phụ huynh vẫn ngậm ngùi ra về vì trước 8h sáng trường này đã nhận đủ chỉ tiêu còn lại.
Trong một chia sẻ mới đây với báo chí, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết, từ trước tới nay hiếm có chuyện hàng loạt trường THPT ở Hà Nội rơi vào cảnh bị phụ huynh quây kín, chầu chực từ nửa đêm xếp hàng nộp hồ sơ vào lớp 10 cho con như những ngày qua.
"Trường học không thiếu nhưng chỉ tiêu có giới hạn, nhu cầu phụ huynh vào các trường này lại cao, chúng tôi cũng rất đau đầu, đến hiệu trưởng cũng áp lực tắt hết điện thoại", ông Cương nói.
Vẫn còn chỉ tiêu ở các trường tư thục
Cô Nguyễn Thị Thúy Phương, Hiệu trưởng Trường THPT Văn Lang, Hà Nội cho biết: "Hiện tại trường vẫn còn vài chục chỉ tiêu vào lớp 10. Chiều 5/7 là buổi cuối cùng trường nhận hồ sơ".
Trước đó, trường thông báo nhận hồ sơ dự tuyển bằng kết quả thi vào lớp 10 do Sở GDĐT tổ chức từ ngày 1-15/7 cho 405 chỉ tiêu.
Cô Phương chia sẻ thêm, năm nay, điểm chuẩn vào lớp 10 của trường lấy trong ngày 5/7 là 35 điểm. Trước ngày 5/7 lấy từ 30-35 điểm.
"Mùa tuyển sinh năm nay căng thẳng với phụ huynh và học sinh bởi số lượng thí sinh năm nay tăng cao hơn. Tuy nhiên, phụ huynh và học sinh cũng yên tâm và bình tĩnh vì các trường ngoài công lập vẫn đang tuyển sinh. Các trường này đều có chất lượng tốt và mức học phí rất bình dân", cô Phương chia sẻ.
Đại diện Ban tuyển sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT Nguyễn Siêu cho biết, chiều ngày 5/7 vẫn còn tuyển sinh dù số lượng không nhiều.
"Tuyển sinh năm nay có vẻ căng thẳng với khối trường công lập vì thừa nhiều học sinh. Những trường tư thục top đầu cũng lấy điểm không hề thấp, nhiều phụ huynh phải xếp hàng từ nửa đêm để xin vào các trường công lập hoặc bán công lập. Nhiều học sinh đạt điểm tốt nhưng gia đình lại không đủ kinh tế để theo học trường tư tốt.
Riêng tuyển sinh đợt này (xét điểm thi vào 10 của Sở GDĐT Hà Nội và học bạ THCS), Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu không gặp khó khăn, trường vẫn lấy điểm như mọi năm (khoảng 8 điểm mỗi môn trở lên). Nhiều bậc cha mẹ cũng bày tỏ mong muốn con học tại trường nhưng học phí cũng là vấn đề họ đặt lên bàn cân trước mặc dù rất thích chương trình học và rất thích trường", đại diện trường chia sẻ.
Nói về các trường tư thục hiện nay, cô Vũ Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Đoàn Thị Điểm, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: "Mặt bằng chung các trường tư hiện nay đồng đều, được đầu tư cơ sở vật chất tốt, đảm bảo chất lượng nên phụ huynh yên tâm đăng ký cho con theo học".
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Thuý, Giám đốc Điều hành Trường THPT Hoà Bình La Trobe cho hay, năm học 2023 – 2024, trường tuyển sinh 315 chỉ tiêu.
Hiện tại, số lượng hồ sơ nhập học đã gần hết chỉ tiêu bổ sung. Nhà trường dự kiến trước 14/7 sẽ hoàn thành công tác tuyển sinh theo qui định của Sở GDĐT.
Phương thức tuyển sinh của nhà trường bao gồm xét học bạ và xét điểm thi vào 10. Mức điểm trúng tuyển hiện tại là 18 điểm/3 môn thi.
"Năm nay, thời hạn nhập học của các học sinh kéo dài hơn so với mọi năm, quý phụ huynh hãy bình tĩnh, tham khảo, tìm hiểu kỹ lưỡng chương trình đào tạo, hình thức tuyển sinh của các trường để đưa ra quyết định đúng đắn, hợp lý nhất cho các con", cô Thúy bày tỏ.
Không lựa chọn "bon chen" vào trường tư thục, một số phụ huynh quyết định cho con học nghề. Anh Phạm Tuấn, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết, con anh đăng ký nguyện vọng vào THPT Đông Mỹ, THPT Nguyễn Quốc Trinh và THPT Nguyễn Trãi cùng thuộc huyện Thanh Trì. Tuy nhiên, con anh Tuấn đều trượt cả 3 nguyện vọng này.
"Sau khi biết điểm chuẩn vào các trường, tôi đã nhanh chóng đến nộp hồ sơ vào một trường tư thục ở địa bàn nhưng ở đây cũng nằm trong danh sách chờ vì "cháy hàng" do năm nay đông thí sinh quá. Cân nhắc kỹ, tôi đã quyết định cho con học trường cao đẳng nghề. Học cao đằng nghề tôi thấy cũng hay vì con có thể học liên thông lên cao đẳng hoặc đại học. Học phí thì rẻ chỉ 350.000 đồng/tháng lại được hỗ trợ tiền học nghề", anh Tuấn nói.
Tuy nhiên, anh Tuấn cũng mong muốn Hà Nội mở thêm trường công cho học sinh, phụ huynh đỡ vất vả. Sở GDĐT cũng nên tạo điều kiện linh động tăng thêm chỉ tiêu cho các trường tư thục chứ không giới hạn như hiện nay học sinh không đỗ không biết đi đâu về đâu.
Ngoài hệ thống trường công lập, Sở GDĐT Hà Nội đã giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 cho 95 trường THPT tư thục. Các trường này sẽ tuyển mới 614 lớp và 26.829 học sinh. Ngoài ra, còn có 39 trung tâm giáo dục thường xuyên. Mỗi cơ sở tuyển từ 135-720 chỉ tiêu cho năm học tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.