Thích ứng với biến đổi khí hậu: Bắt đầu từ… vỏ thuốc trừ sâu

Diệu Thanh Thứ sáu, ngày 18/07/2014 10:00 AM (GMT+7)
“Tôi đã đăng ký thực hiện một số hành động như chia sẻ công việc hợp lý giữa nam và nữ, cất riêng chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật an toàn, dữ trự nước uống, dữ trữ lương thực, thực phẩm…”.
Bình luận 0

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Ngọt (xã Tân Phú, huyện Tân Đông, Tiền Giang) sau khi được tham gia Chương trình truyền thông giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu bằng phương pháp “giáo dục hành động” ở địa phương này.

Bằng những hành động nhỏ, cụ thể, dễ dàng thực hiện, người dân ven biển 3 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh đang hi vọng lôi cuốn nhiều người khác chúng tay cải thiện môi trường.

Giảm nhẹ rủi ro, tăng sinh kế cho 10 vạn người

Vào cuối tháng 6 vừa qua, Ban quản lý dự án RADCC thuộc Tổ chức Oxfam đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm chương trình truyền thông giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH), bằng phương pháp giáo dục hành động tại Bến Tre.

img

 Bên lề hội thảo, các đại biểu trao đổi về sản phẩm tận dụng vỏ xe cũ làm thùng đựng rác bảo vệ môi trường (ảnh Diệu Thanh).

Tại hội thảo bà Nguyễn Thị Diệu Hiền – Điều phối viên OXFAM khu vực ĐBSCL cho biết: “Việt Nam là một trong số quốc gia được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất về BĐKH, trong đó 3 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh được xác định nằm trong khu vực dễ bị tổn thương nhất”.

Thực tế hàng ngày, người dân đang phải chứng kiến các hiện tượng thời tiết bất thường do BĐKH như: Gia tăng nhiệt độ trung bình, nước ngập mặn, thay đổi lượng mưa, thiếu nước ngọt, gia tăng bão lũ, lụt, hạn hán… Do đó, một trong các biện pháp cần được coi trọng là truyền thông để người dân hiểu và hành động giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH.

Cũng theo bà Hiền, tại 32 xã của các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh đã triển khai 2 dự án RADCC do Cơ quan Phát triển quốc tế New Zealand và Chính phủ Australia tài trợ. Trong đó, dự án RADCC đối tượng được hưởng lợi trực tiếp 100.000 người dân, 1.000 cán bộ cấp xã, huyện và tỉnh, trong đó ưu tiên cho nhóm phụ nữ nghèo và phụ nữ nghèo làm chủ hộ. Dự án tập trung vào 3 lĩnh vực lớn hoạt động tạo sinh kế cho 12.000 người gồm 1.880 hộ, khoảng 40 hộ nghèo tại các xã có dự án; hơn 20.000 người được hưởng lợi về nước sinh hoạt về vệ sinh môi trường, 64.000 người giảm nhẹ rủi ro tham họa và thích ứng với BĐKH….

Lôi cuốn người dân vào việc cụ thể, thiết thực

Ông Đinh Công Trí – Cán bộ tổ chức Dự án RADCC cho biết: “Để nâng cao nhận thức của người dân về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng BĐKH ở khu vực ven biển, và khu vực người dân Khmer, chúng ta không thể tuyên truyền cho họ bằng lý thuyết suông, phải bằng những hình ảnh cụ thể. Bởi hầu hết người dân vùng dự án ít học, thậm chí mù chữ, nên việc tuyên truyền để họ nhận thức về BĐKH hết sức khó khăn”.

“Vì vậy, khi các tuyên truyền viên đến các hộ dân trong vùng dự án, trước tiên tổ chức tập huấn, hướng dẫn họ đăng ký vào bản 24 hành động “về cải thiện hành động giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó BĐKH tại hộ gia đình”, bằng những hình ảnh hết sức cụ thể như: Chằng chống nhà cửa, xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng nguồn nước tiết kiệm…” – ông Trí cho biết thêm.

img

 Gom nhặt vỏ thuốc trừ sâu làm sạch cánh đồng là một hành động dễ thực hiện, góp phần làm giảm thiểu rủi ro cho nông dân. Ảnh Trương Hồng. 

Hiện dự án RADCC có khoảng trên 70% hộ gia đình tại các xã có dự án nhận thông tin về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với BĐKH. Trong đó có khoảng 50% số hộ được kỳ vọng có thay đổi hành vi tích cực.

Chia sẻ về hiệu ứng truyền thông về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Ngọt (xã Tân Phú, huyện Tân Đông, Tiền Giang) cho biết: "Trước đây tôi chẳng biết BĐKH như thế nào, hàng ngày cứ theo nếp sống truyền thống của gia đình mà làm. Từ khi được nghe tuyên truyền viên hướng dẫn và giải thích mối nguy hại về thiên tai, BĐKH, đặc biệt là chỉ cho tôi hiểu rõ hơn về sự cần thiết phải thực hiện 24 hành động, đến nay tôi đã đăng ký thực hiện 5 hành động cụ thể như: Chia sẻ công việc hợp lý giữa nam và nữ, cất riêng chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật an toàn, dữ trự nước uống, dữ trữ lương thực, thực phẩm… Tôi sẽ tiếp tục thực hiện nhiều hành động khác trong thời gian tới”.

Còn chị Kim Thị Hồng Xuân (ngụ huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, người Khmer), sau khi đi dự lớp tuấn huấn về đã đăng ký thực hiện ngay 5 hành động tích cực, trong đó có các việc như chia sẻ công việc hợp lý giữa nam và nữ, tận dụng ánh sáng tự nhiên cho nhà (giảm dùng điện), phân loại rác và tái sử dụng rác vô cơ…

img

Phân loại rác tại nguồn, một giải pháp làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. (ảnh minh họa. Tư liệu). 

Hội thảo cũng được nghe nhiều ý kiến chia sẻ từ đại diện Hội Phụ nữ các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh và các cá nhân tập trung vào các vấn đề như: Duy trì phát triển chương trình truyền thông giáo dục hành động (PAOT) sau khi dự án kết thúc; triển khai PAOT trong cộng đồng người Khmer; xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên cấp cơ sở và phát triển tài liệu truyền thông PAO; thăm hộ, khuyến khích tiếp tục đăng ký và thúc đẩy hành vi cải thiện; quy trình xây và thực hiện 10 tiêu chí xã an toàn trước thiên tai; tham gia đăng ký 24 hành động và cải thiện chương trình PAOT...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem