Hàng chục năm qua, người dân sinh sống ở TP.HCM và các tỉnh lân cận cứ đến ngày giỗ Tổ mùng 10/3 âm lịch lại tìm về Khu đền tưởng niệm các Vua Hùng ở phường Long Bình, TP.Thủ Đức (TP.HCM) thành kính dâng hương, dâng hoa…
Khu đền nằm trên một quả đồi cao hơn 20m rộng hơn 400ha, cách trung tâm TP.HCM khoảng 30km về hướng Đông. Đặt bước chân đầu tiên vào đây, ta cảm nhận ngay được sự giao hòa của trời và đất. Ấn tượng mạnh cho người hành hương, du khách chính con đường làm bằng đá, có 107 bậc thang (dài 360m, rộng 10m) từ chân đồi dẫn lên đỉnh đồi - nơi trang nghiêm đặt bàn thờ tưởng niệm các Vua Hùng. Hai bên đường là những lũy tre xanh tỏa bóng mát, gợi nhớ hình ảnh thân yêu của làng quê Việt Nam thanh bình.
Đầu tháng 3 âm lịch, khi chúng tôi đến đây, gặp lúc hàng trăm cán bộ, nhân viên đang tích cực trang hoàng, dọn dẹp, chăm tưới cây... để chuẩn bị cho ngày giỗ Tổ. Đang chỉnh lại hệ thống đèn chiếu sáng, anh Quang Đông - nhân viên kỹ thuật ánh sáng sân khấu cho biết, năm nay rất đặc biệt là mừng quận 2, quận 9 và Thủ Đức lên thành phố và đây là năm đầu TP.Thủ Đức tổ chức lễ giỗ Quốc tổ nên phải làm trang trọng, chu đáo để phục vụ bà con khắp nơi về dự lễ.
Khu đền tưởng niệm các Vua Hùng được xây dựng từ năm 2002 theo thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu (Hội Kiến trúc sư TP.HCM), đến năm 2009 hoàn thành. Đền gồm 4 phần chính: Quảng trường, đường tre, đền thờ và sân vọng. Nơi đây có 54 cột đá tượng trưng cho các dân tộc Việt Nam. Đây là nơi thiêng liêng để tưởng niệm, vọng bái tổ tông, hướng về cội nguồn, tổ chức các lễ hội, sinh hoạt văn hóa, khơi dậy tình cảm về nguồn...
Theo UBND TP.Thủ Đức, tuần lễ hoạt động diễn ra từ ngày 14-21/4/2021 với nhiều hoạt động như: Hội thi nấu bánh chưng, hội thi trái cây Nam Bộ, lễ hội ẩm thực cùng nhiều trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật, trình bày ánh sáng và âm nhạc đương đại… Đặc biệt, ban tổ chức mời các nghệ nhân hát quan họ Bắc Ninh, hát xẩm từ các tỉnh phía Bắc vào biểu diễn… Riêng lễ chính dâng hương, dâng hoa cho Quốc tổ Hùng Vương diễn ra lúc 7 giờ sáng 21/4 (tức 10/3 âm lịch). Ban tổ chức dự kiến sẽ có hàng chục ngàn lượt người đến lễ bái Vua Hùng dịp lễ năm nay.
Chúng tôi dạo quanh khu đền tưởng niệm, tình cờ gặp gia đình ông Bảy Thức (75 tuổi, nhà ở phường Phước Long, TP.Thủ Đức) có tất cả 7 người cùng đi viếng. Nghe ông Bảy Thức dặn vợ: "Tí nữa trên đường về, nhà mình ghé chợ luôn để mua chục ký nếp thơm về nấu bánh chưng. Giỗ Quốc tổ giống như giỗ cha mẹ mình, nên phải lựa nếp thơm mà mua nấu bánh mới ngon…".
Hàng chục năm nay, năm nào gia đình ông Bảy Thức cũng đến đây dâng hương hoa và bánh chưng dịp giỗ Quốc tổ. Sở dĩ năm nay, gia đình bác đi sớm hơn trước mấy ngày bởi vợ chồng bác còn có 2 người con đang sinh sống bên Pháp và Phần Lan, do dịch Covid-19 nên không về Việt Nam dự giỗ Tổ được, đã "ủy quyền" cho cha mẹ đến thắp hương, tưởng niệm sớm hơn mọi năm. "Tụi nó dù sống xa quê nhà nửa vòng trái đất nhưng lòng luôn hướng về quê cha đất tổ. Còn tôi ở gần đây ngại gì mà không đi thắp giùm cho con cháu mình một nén hương trước ngày giỗ Quốc tổ của mình…" - ông Bảy Thức nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.