Thiết kế trang phục “bàn thờ”: Đánh đổi văn hoá lấy sự chú ý?

Thứ năm, ngày 30/05/2019 19:15 PM (GMT+7)
Nhiều nhà thiết kế và chuyên gia mỹ học cho rằng, mẫu thiết kế "ban thờ" của tác giả Phạm Quang Minh là một sự sáng tạo quá táo bạo và tuỳ tiện. Đó là một sự táo bạo không cần thiết, thậm chí là một sự đánh đổi để gây chú ý.
Bình luận 0

Mấy ngày qua, mẫu thiết kế trang phục lấy ý tưởng từ bàn thờ của tác giả Phạm Quang Minh đã gây “bão” đúng nghĩa. Theo đó, mẫu thiết kế này là một trong số các “ứng viên” thiết kế trang phục dân tộc cho Hoàng Thuỳ - Á hậu Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2018 mang đi thi Hoa hậu Hoàn vũ 2019.

Bộ trang phục được tác giả phác hoạ dựa theo đúng tên gọi “bàn thờ” với đầy đủ các đồ vật linh thiêng gắn với tín ngưỡng thờ cúng ông bà của người Việt lên vạt áo dài.

img

Mẫu thiết kế "bàn thờ" của tác giả Phạm Quang Minh gây tranh cãi.

Ngay sau khi ban tổ chức đăng tải trên fanpage Hoa hậu Hoàn vũ, bộ trang phục này đã nhận được hơn 10.000 lượt chia sẻ, hơn 23.000 bình luận, vượt xa những mẫu thiết kế khác. Nhiều người cho rằng, sự sáng tạo này đã vượt xa trí tưởng tượng thông thường.

Bản thân Hoàng Thuỳ khi được hỏi về cảm nhận cá nhân đối với mẫu thiết kế này cũng đã phải thốt lên lên là ý tưởng quá táo bạo, gây quá nhiều phẫn nộ. Riêng cô lại cảm thấy sốc và “phải can đảm lắm mới dám mặc thể loại trang phục này”.

Người đẹp này cho rằng, mỗi năm đơn vị cử người đẹp dự thi Miss Universe đều đưa ra những chủ đề riêng cho phần thi thiết kế trang phục dân tộc và luôn đề cao tính sáng tạo nhưng chắc chắn thiết kế phải đảm bảo không vi phạm thuần phong mỹ tục và không phản cảm.

Nhà thiết kế Hà Duy cho rằng, tác giả của mẫu thiết kế “bàn thờ” đã khá táo bạo và dám đương đầu khi đưa những thứ được cho là linh thiêng nhất trong tâm thức của người Á Đông lên trang phục. Tuy nhiên, kể cả sáng tạo nghệ thuật hay thời trang cũng cần phải có chừng mực và giới hạn.

Theo Hà Duy, không nên mang chuyện tâm linh lên trang phục, quần áo. Ngay bản thân anh khi thiết kế trang phục mà có những yếu tố thiêng liêng như chùa đền, miếu mạo, lăng tẩm... thì vị trí khi đặt những chi tiết đó lên cũng phải hết sức tinh tế, khéo léo để tránh sự phản cảm. Và bộ trang phục này khó có thể mang đi ra nước ngoài với mục đích quảng bá văn hoá Việt bởi bản thân nó đã không hàm chứa thông điệp về văn hoá.

Nhà thiết Vũ Việt Hà chia sẻ: “Cá nhân tôi và những người chuyên về mảng thời trang lấy ý tưởng và chất liệu truyền thống thì ai cũng muốn phát triển văn hoá truyền thống theo cách nối dài. Có những người đang hiểu sai về sử dụng văn hoá truyền thống.

Vì văn hoá tín ngưỡng khác với văn hoá mặc. Nó là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Bởi sai nó sẽ đi theo một hướng khác. Chẳng hạn, trong văn hoá tín ngưỡng hoặc tập tục văn hoá, mặc áo xô người ta đã có thể hình dung nhà vừa có người nằm xuống.

Mặc những bộ trang phục có đặc tính riêng, người ta sẽ liên tưởng đến giá trị sử dụng và mục đích sử dụng cũng như không gian sử dụng bộ trang phục đó. Đặc biệt, văn hoá tâm linh của người Việt cũng như một số nước trên thế giới phụ thuộc vào văn hoá bản địa. Những gì thuộc điều cấm kỵ hoặc chỉ sử dụng trong không gian thiêng thì không nên đưa vào trang phục nhằm sử dụng sai mục đích”.

Nhà thiết kế này cũng cho rằng, bộ trang phục này đẹp hay lạ cũng phải nhân văn. Nếu người phác thảo thiết kế này chưa qua trường lớp nào thì có thể tha thứ nhưng nếu có người dìu dắt mà thiết kế như thế này thật sự rất đáng buồn.

“Trong tâm thức của người Việt, tôi tin chắc, không ai muốn đi lễ mà nhìn bát hương lại thấy hình ảnh của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam. Có thể đây là một chiến lược của đơn vị đưa thí sinh đi thi nhưng mà “chướng tai gai mắt” quá”, Vũ Việt Hà bày tỏ thêm.

Nhà thiết kế Việt Hùng – người từng giúp Hoa hậu Mai Phương Thuý lọt top 20 trang phục dân tộc đẹp nhất tại Hoa hậu Thế giới 2006 cũng cho rằng, việc làm mới áo dài là rất khó.

“Nói về ý tưởng cho các loại trang phục khác thì có vẻ dễ hơn nhưng áo dài thì khác, nó có khung trời văn hoá riêng của nó và người thiết kế phải biết điểm dừng khi phát triển ý tưởng để không tạo nên sự đột phá quá đà cũng như không bị lặp lại gây nhàm chán”.

Bản thân anh cũng thừa nhận, chưa cần xem qua phần thuyết trình về ý tưởng của người sáng tạo mà chỉ cần nhìn qua bộ trang phục cũng đã thấy không cùng quan điểm.

Theo nhà thiết kế Việt Hùng thì trong mọi thời đại và trong bất kỳ cuộc thi nhan sắc nào, áo dài vẫn là thứ trang phục “quốc hồn, quốc tuý” cuả dân tộc Việt Nam. Vẻ đẹp của áo dài chứa đựng nhiều giá trị về văn hoá được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Việc sáng tạo, phát triển và cách tân cần phải dựa trên nền tảng văn hoá.

TS Mỹ học Nguyễn Thế Hùng cho rằng, đã gọi là trang phục dân tộc tức là thông qua thời trang để biểu thị các giá trị văn hoá của một dân tộc. Các giá trị văn hoá đó gắn với "chân thiện mỹ" để làm cho dân tộc có những bản sắc riêng và nét đẹp riêng.

Vì thế, có những thứ thuộc về văn hoá không thể bừa bãi sáng tạo và nhân danh sự sáng tạo để làm sai lệch. "Bàn thờ" trong tâm thức người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng là những thứ linh thiêng.  Đã là linh thiêng thì không thể tuỳ tiện mang ra gắn vào trang phục để trình diễn, ngoại trừ sân khấu đó giới thiệu các loại trang phục dành riêng cho tín ngưỡng - tâm linh.

"Tôi không biết các nhà thiết kế đánh giá như thế nào về bộ trang phục "bàn thờ" đó. Nhưng với tôi đó là một sự táo bạo không cần thiết, thậm chí là một sự đánh đổi văn hoá để gây chú ý. Sự đánh đổi này quá đắt và quá nhiều tổn thương", TS. Nguyễn Thế Hùng nói.

Hà Tùng Long (Dân trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem