Thiết lập thị trường lao động gắn kết, linh hoạt

Nguyệt Tạ Thứ hai, ngày 26/07/2021 06:00 AM (GMT+7)
Việt Nam đặt mục tiêu phát triển thị trường lao động toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bình luận 0

Để làm được điều này, ngay từ lúc này cần thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm.

30% lao động có bằng cấp chứng chỉ

Đây là một trong những mục tiêu được đưa ra trong quyết định chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 vừa được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký vào đầu năm 2021.

Theo đó, chương trình hướng tới việc xây dựng thị trường lao động toàn diện, bền vững có tính tới sự khác biệt của từng vùng miền, địa phương. Nhà nước giữ vai trò kiến tạo và hỗ trợ phát triển thị trường lao động. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Thiết lập thị trường lao động gắn kết, linh hoạt - Ảnh 1.

Phiên giao dịch tư vấn, giới thiệu việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa. Ảnh: N.T

Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động cũng đặt mục tiêu đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho lao động; nâng tỷ lệ lao động tham gia BHXH đạt 45% vào năm 2025 và đạt 60% năm 2030.

Đề án cũng hướng tới việc chủ động đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động trong nước gắn với thị trường lao động quốc tế. Cụ thể, đề án đặt mục tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30% vào năm 2025 và đạt 35-40% vào năm 2030. Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80% năm 2025 và 90% năm 2030...

Đồng thời, phấn đấu duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp đến năm 2025 dưới 30% và đến năm 2030 dưới 20%; tốc độ tăng năng suất lao động hàng năm đạt tối thiểu 6,5%/năm; tỷ lệ thanh niên không có việc làm giảm dưới 8%.

Duy trì tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức thấp dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6%.

Chương trình cũng hướng tới phát triển giao dịch việc làm, hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia hiện đại, đồng bộ, thống nhất, liên thông. Đồng thời nâng cao tỷ lệ hướng nghiệp; tỷ lệ lao động được giới thiệu việc làm qua Trung tâm Dịch vụ việc làm.

Từ năm 2026, đưa cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động vào quản lý và khai thác sử dụng, kết nối chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia khác.

Xây dựng dự báo cung - cầu hàng năm

Mới đây trong hội nghị trực tuyến sơ kết công tác dạy nghề 6 tháng đầu năm 2021 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm đã cung cấp một số thông tin về Chương trình "Hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030".

Theo đó, Cục Việc làm sẽ triển khai dự báo cung - cầu lao động thường niên. "Năm đầu có thể chưa có những báo cáo chi tiết, nhưng chúng tôi hy vọng thời gian tới sẽ huy động các đơn vị như: doanh nghiệp; sàn giao dịch việc làm (GDVL) trong nước và quốc tế cung cấp thông tin cụ thể, tạo thông tin đầu vào cho lĩnh vực GDNN"- ông Bình nói.

Ông Bình cũng cho biết, hiện nay cả nước có 63 sàn GDVL, nhưng các sàn này rất "đói" thông tin. Mong muốn được các đơn vị GDNN cung cấp thông tin cho trung tâm.

Bên cạnh đó, Cục Việc làm cũng đang xây dựng trung tâm quan trắc thông tin, qua đó kết nối công nghệ thông tin giữa 63 trung tâm với doanh nghiệp, đơn vị cung ứng... trên thị trường.

Hiện nay, Cục Việc làm phối hợp Tổng cục GDNN xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề. Điều này giúp cung - cầu gặp nhau. Bên cạnh đó Cục cũng đã phối hợp với các bên, trong đó có ILO để nghiên cứu chứng chỉ kỹ năng nghề nghiệp cho lao động tự do. "Các quốc gia phát triển hiện nay đã có hệ thống chứng chỉ kỹ năng nghề cho đội ngũ này. Chúng tôi mong muốn xây dựng kỹ năng cần thiết cho họ, qua đó giảm rủi ro cho khối lao động phi chính thức"- ông Bình nói.

Về việc triển khai gói đào tạo, đào tạo lại cho lao động trong doanh nghiệp theo gói hỗ trợ 4.500 tỷ đồng từ Nghị quyết 68 và Quyết định 23, ông Bình cho rằng cơ sở GDNN cần chủ động phối hợp với doanh nghiệp để thực hiện.

"Nhiều doanh nghiệp không biết xây dựng đề án đào tạo, vì họ chưa bao giờ làm, chưa bao giờ xây dựng. Nếu không hỗ trợ thì rất khó để giải ngân dù đã nới điều kiện hết nấc"- ông Bình nói.

Lãnh đạo Cục Việc làm mong muốn được Bộ phê duyệt đề án xây dựng công nghệ thông tin. Nếu được phê duyệt, đầu tư thì trung tâm dịch vụ việc làm 63 tỉnh thành sẽ được kết nối với nhau, các doanh nghiệp và cơ sở GDNN cũng sẽ được kết nối tạo nên thị trường lao động thông suốt.

Cục Việc làm sẵn sàng hợp tác với các đơn vị để thiết lập kết nối online tăng sức mạnh, hiệu quả cho thị trường lao động trong nước. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem