Thiếu container rỗng do Trung Quốc vung tiền mua, xuất khẩu tiêu gặp khó
Thiếu container rỗng do Trung Quốc vung tiền mua, xuất khẩu tiêu gặp khó
Khánh Nguyên
Thứ ba, ngày 09/02/2021 09:55 AM (GMT+7)
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), do vẫn còn tình trạng thiếu container rỗng khiến giá cước tàu biển tăng, dẫn đến xuất khẩu tiêu phần nào gặp khó khăn.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu tiêu trong nửa đầu tháng 1/2021 đạt 7.241 tấn các loại, với giá trị kim ngạch 20,62 triệu USD, giảm 23,75% về lượng và giảm 10,03% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều đáng mừng là, giá tiêu xuất khẩu bình quân trong kỳ đạt 2.847 USD/tấn, tăng 2,89% so với giá xuất khẩu bình quân tháng cuối năm 2020.
Ba thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2020 là Mỹ, Đức và Các tiểu vương quốc Arập Thống Nhất, chiếm 30,8% thị phần tổng giá trị xuất khẩu tiêu.
Thị trường có giá trị xuất khẩu tiêu tăng mạnh nhất trong năm 2020 là Philippines (tăng 25,9%). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu tiêu giảm mạnh nhất là Ấn Độ (giảm 42,1%).
Giá tiêu xuất khẩu bình quân năm 2020 đạt 2.315,4 USD/tấn, giảm 7,8% so với năm 2019.
Xuất khẩu tiêu giảm nhẹ nhưng giá tiêu vẫn ổn định
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, trong tháng 1/2021, giá tiêu trong nước biến động giảm so với giai đoạn trước đó, song nhìn chung, tại thời điểm cuối tháng 1/2021 giá tiêu tại các vùng trồng trọng điểm đang ở mức tương đối ổn định.
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu cuối tháng 1/2021 được thu mua với mức 51.500 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu ở mức 51.000 đồng/kg.
Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu ở mức 51.000 đồng/kg. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu ở mức 53.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu được thu mua với mức 52.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá tiêu thế giới đã giảm sau nhiều phiên tăng. Cuối tháng 1/2021, giá tiêu giao ngay trên sàn trực tuyến NCDEX Kochi (Ấn Độ) giảm nhẹ 59,5 Rupee/tạ (0,08%), giao dịch ở 3.4583.35 Rupee/tạ.
Xuất khẩu tiêu còn gặp khó do thiếu... container rỗng
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), sản lượng hồ tiêu năm 2021 có thể giảm từ 25 – 30% so với năm 2020 xuống khoảng 168.000 – 180.000 tấn, do ở một số địa phương vườn tiêu già chiếm phần lớn diện tích và không ghi nhận diện tích trồng mới.
Tuy nhiên, VPA cho rằng, xuất khẩu tiêu trong ngắn hạn chưa khởi sắc do vẫn còn tình trạng thiếu container rỗng khiến giá cước tàu biển tăng, dẫn đến khó khăn phần nào trong xuất khẩu tiêu.
Nguyên nhân khiến thế giới thiếu container rỗng trầm trọng là do Trung Quốc sẵn sàng trả giá thuê container rỗng cao hơn, thậm chí các doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng trả giá cao để thu mua container rỗng phục vụ xuất khẩu.
Theo Xeneta, tình trạng tắc nghẽn cảng, thiếu container và giá cước vận chuyển giao ngay tăng cao đã khiến giá cước theo hợp đồng dài hạn đối với container tăng.
Do thiếu container vận chuyển, thời gian qua, đã có nhiều mặt hàng nông sản như cà phê, tiêu phải nằm trong kho với khối lượng không hề nhỏ.
Theo khảo sát của VPA trong tháng 1/2021 tại một số đại lý và hợp tác xã hồ tiêu tại Đồng Nai, lượng hàng tiêu tồn trong kho vẫn còn nhiều, chưa kể lượng đã bán nhưng chưa xuất ra khỏi kho do giá cước cao và không có chỗ trên tàu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.