|
Thuỷ điện chỉ chiếm hơn 30% tổng sản lượng điện. |
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 5 vẫn tiếp tục đà tăng trưởng tốt; kinh tế vĩ mô ổn định. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là giá tiêu dùng, lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao, thị trường bất động sản tăng trưởng nóng và tình hình dịch tai xanh đang căng thẳng.
Điện thiếu, xăng giảm giá chậm
Một trong những vấn đề nhận được nhiều câu hỏi là nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng thiếu điện hiện nay. Ông Nguyễn Thành Biên - Thứ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận rằng, việc thiếu điện là bất khả kháng.
"Thuỷ điện chiếm hơn 30% tổng sản lượng; trong điều kiện thời tiết khô hạn như hiện nay đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung. Trong khi đó, nhu cầu điện hiện tăng lên 22,77%" - ông Biên nói.
Trả lời câu hỏi liệu có khả năng ngành điện không chịu chi tiền cho việc sản xuất điện bằng các nguyên, nhiên liệu đắt tiền hay không, ông Biên cho biết: Các nhà máy sản xuất điện bằng than, dầu những tháng qua vẫn hoạt động hết công suất nhưng cũng không thể bù đắp được lượng điện thiếu hụt.
"Sản lượng điện cung cấp cho tháng 4 là 8.000 tỷ kWh nhưng thuỷ điện chỉ chiếm 1.753 tỷ kWh nên không thể có chuyện tiết kiệm sử dụng nguyên liệu đắt tiền để sản xuất điện" - ông Biên giải thích.
Về những thắc mắc trong việc cắt điện không đồng đều giữa các địa phương, có nơi cắt đến 23- 24 giờ/ngày; có nơi ngày cắt 2 lần, ông Biên hứa: Trong thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo ngành điện tuân thủ nguyên tắc công bằng, luân phiên, cắt phải báo trước.
Việc các công ty xăng dầu tăng giá nhanh nhưng lại chậm giảm giá cũng được đặt ra. Ông Nguyễn Tiến Thoả - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài Chính) cho biết: Hàng chục ngày, khi xăng dầu thế giới giảm, các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa tự nguyện đề xuất giảm giá, chỉ khi liên ngành có yêu cầu, doanh nghiệp mới giảm 500 đồng/lít.
Tuy nhiên, trước các nghi ngại về cơ chế điều hành giá xăng trong các tình huống như vừa qua, ông Thoả vẫn tái khẳng định việc các doanh nghiệp chậm giảm giá như vừa qua vẫn đúng theo quy định hiện hành và cơ chế điều hành giá xăng vẫn đúng theo cơ chế thị trường.
Sẽ có báo cáo về đường sắt cao tốc
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy 5 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 25,8 tỷ USD; tổng kim ngạch nhập khẩu khoảng 31,2%; nhập siêu khoảng 5,4 tỷ USD, bằng 20,8% kim ngạch xuất khẩu. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 so với tháng 4 tăng 0,27%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân được 4,5 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Vốn ODA đạt 1,3 tỷ USD.
Vấn đề “nóng” đang được dư luận quan tâm là dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trước những ý kiến khác nhau trên diễn đàn quốc hội, trong ngày hôm nay (2-6), Thủ tướng sẽ họp với các Phó Thủ tướng và Bộ Giao thông vận tải. Những vướng mắc chính cần phải giải quyết, làm rõ là nguồn vốn để thực hiện dự án và công nghệ áp dụng.
Trả lời câu hỏi, vì sao Chính phủ lại chọn Nhật Bản là đối tác cho dự án này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Hiện nay Nhật Bản là đối tác chiến lược của Việt Nam. Nếu dự án được quốc hội thông qua thì Nhật Bản sẽ là một "kênh" quan trọng để vay vốn. Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị tài liệu đầy đủ hơn để chuyển đến các đại biểu quốc hội.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết: Chính phủ vừa thông qua nghị quyết đơn giản hoá 258 thủ tục hành chính. Nhóm thủ tục này liên quan đến các vấn đề bức xúc như: Thuế, hải quan, khám chữa bệnh, thủ tục xây dựng. Việc sửa đổi số thủ tục này sẽ dẫn đến phải sửa đổi 13 luật, 40 nghị định, 60 thông tư.
Theo ông Phúc, việc cắt giảm các thủ tục này sẽ giúp giảm 5.700 tỷ đồng. Để tiến hành cắt giảm hơn 5.000 thủ tục hành chính còn lại, Chính phủ công khai các bộ thủ tục để các cá nhân, tập thể trong và ngoài nước trực tiếp góp ý.
Sỹ Lực
Vui lòng nhập nội dung bình luận.