Thịt lợn giá cao, vì sao tội lỗi đổ hết cho thương lái?

Nguyên Vỹ Thứ tư, ngày 29/04/2020 19:10 PM (GMT+7)
Mỗi khi thịt lợn tăng giá, dường như tội lỗi lại đổ hết lên đầu thương lái. Nhưng thương lái có phải là nguyên nhân chính khiến giá lợn tăng cao, hay họ cũng chỉ là thương nhân, cũng phải chấp nhận kinh doanh có lời, có lỗ?
Bình luận 0

Nhiều người trong giới chăn nuôi cho rằng, nghề mua bán lợn cũng cần được chia sẻ nhiều hơn, nhất là khi hàng loạt nghi ngờ đang đổ dồn về phía họ.

“Lời ăn lỗ chịu”

Ông Trần Hữu Trung - hộ chăn nuôi lợn ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đánh giá, thương lái chỉ là một khâu trong hệ thống trung gian nhiều tầng nấc phức tạp. Hệ thống trung gian này thường bao gồm 4 đối tượng cơ bản là thương lái thu mua lợn hơi, lò giết mổ, thương lái bán buôn thịt và người bán lẻ.

img

Người dân Đồng Nai cân lợn bán cho thương lái. Ảnh:  Sĩ Nguyên

Vị thế giữa nông dân với thương lái hay bấp bênh theo cán cân thị trường nhưng khó tách rời nhau. Lúc lượng lợn hơi dư giả thì thương lái nắm đằng cán, nhưng khi lợn thiếu thì nông dân chủ động hơn. Thị trường thịt lợn thường xuyên biến động nên hầu như mỗi nhà đều phải kiếm cho mình 1 thương lái làm mối ruột.

Việc này nhằm đảm bảo thương lái luôn mua lợn hơi với giá hợp lý; để lúc lợn rẻ thì không sợ bị tồn, lúc lợn đắt cũng không sợ lái ăn quá dày trên công sức nông dân. “Ai cũng muốn có lời nhưng điều người nuôi cần hơn nữa là thương lái, công ty thu mua cùng chia sẻ hài hòa lợi ích với nông dân” - ông Trung nói.

Tuy nhiên, mối quan hệ “tri kỷ” này không phải lúc nào cũng dễ gặp, không hiếm cảnh nông dân bẻ kèo hoặc thương lái ép giá. Và cứ khi lợn khan hàng, tăng giá, lỗi lầm lại đổ lên đầu thương lái là tầng lớp trung gian hưởng lợi.

Nhưng theo ông Trung, lợn hơi trong hộ dân bây giờ chẳng còn được mấy con. Thương lái thiếu hàng thì không đủ sức làm mưa gió trên thị trường được nữa. Lúc này, thương lái phải quay sang các trại lớn hơn để gom hàng. Tuy nhiên, trại lớn vốn có mối quen từ trước. Thương lái trả giá thấp thì khó mua được lợn.

Cuối cùng thương lái phải tìm vào các công ty chăn nuôi để mua lợn đưa ra lò mổ. Đây mới là rào cản lớn vì công ty đứng ở kèo trên trong giao dịch. Công ty đưa giá nào thì lái phải mua giá đó chứ không được kỳ kèo trả giá như với lợn của dân. Thương lái phải chấp nhận mua đắt nhưng đổi lại là có giấy tờ chứng nhận đầy đủ, có chất lượng đảm bảo, rồi bán ra ngoài với giá cao hơn mới có lời.

“Lúc đó, giá sàn ngoài thị trường tự động tăng chứ công ty chưa cần nâng giá trước. Và các thương lái nhỏ lẻ vô tình trở thành hệ thống làm giá cho công ty” - ông Trung giải thích.

Anh Trần Đức Dân - thương lái thu mua lợn ở huyện Thống Nhất thì khẳng định, khan hàng mới là lý do căn bản khiến giá lợn hơi tăng mạnh. Ngoài lượng lợn cung cấp theo hợp đồng, các công ty chăn nuôi vẫn có một lượng nhất định đưa ra thị trường tự do. Giữa lúc khan hiếm, rất ít thương lái mua được lợn của công ty với giá đúng con số 70.000 đồng/kg mà công ty cam kết với Chính phủ.

Thương lái mua ở công ty không được trả giá như khi mua ở nông dân. Nhưng nếu muốn duy trì nghề giết mổ, họ cứ phải mua rồi bán lại giá cao hơn. Đến khi các điểm tiêu thụ cuối cùng không chấp nhận thì thương lái phải gánh chịu.

Ai là “thủ phạm” làm tăng giá nóng?

Khoảng một tuần qua, giá lợn hơi tại Đồng Nai tiếp tục nhích lên, nhiều nơi đã bán với giá hơn 90.000 đồng/kg. Trong khi nguồn hàng đang ít đi thì giá lợn móc hàm không thể giảm tương ứng, tiểu thương các chợ lẻ cũng không thể bán rẻ hơn cho người dùng.

img

Tiểu thương buôn bán thịt lợn tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP.Hồ Chí Minh). Ảnh: Nguyên Vỹ

Chị Ngọc Hạnh - tiểu thương quầy thịt lợn tại chợ Biên Hòa kể, lúc các ngành chức năng mới đề nghị giảm giá thịt lợn hơi, giá lợn móc hàm tiểu thương nhập sỉ từ các lò mổ giảm rất ít, chỉ 1.000 - 2.000 đồng/kg nên không đủ sức tác động tới giá bán lẻ.

Tới khi có 15 công ty cam kết giảm giá thì chuyện ngược đời xảy ra, giá lợn hơi thực tế lại cứ tăng. Lợn móc hàm nhập ở các lò mổ vẫn cao, từ 105.000 - 115.000 đồng/kg, do đó tiểu thương phải bán thịt với giá từ 130.000 - 180.000 đồng/kg thì mới có lãi.

Một tiểu thương tại chợ Thủ Dầu Một (Bình Dương) cũng cho biết, suốt thời gian dài vừa qua, giá mua lợn hơi đã lên 92.000 đồng/kg. Nếu chẳng may mua nhầm con lợn nhiều mỡ, nặng xương thì tiểu thương xem như thua lỗ.

“Không mua thì không có hàng để bán, mua thì nguồn hàng không đều. Chưa kể, buôn có bạn, bán có phường, việc tự ý giảm giá cũng phải dòm chừng các bạn hàng với nhau. Giá cao khiến người dùng không mua thịt thì tiểu thương chợ lẻ chúng tôi, cho tới tiểu thương pha lóc thịt lợn ở chợ đầu mối cũng khóc ròng chứ chẳng vui sướng gì” - tiểu thương này than thở.

Ông Võ Việt Dũng - Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội (SHF Group), đơn vị chuyên giết mổ, chế biến thịt lợn cung ứng cho các chuỗi siêu thị trên địa bàn Hà Nội cho biết, mặc dù 15 công ty chăn nuôi lớn cam kết bán giá lợn hơi 70.000 đồng/kg, tuy nhiên rất khó để mua lợn giá rẻ như vậy trên thị trường.

Một tuần trở lại đây, phần lớn công ty phải mua lợn hơi với giá trên 85.000 đồng/kg.

Ông Trần Phú Cường - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Bình Dương thừa nhận, có rất nhiều nguyên nhân khiến giá lợn hơi tăng cao bất chấp. Lượng lợn cả nước thiếu hụt do dịch tả lợn châu Phi là nguyên nhân đầu tiên.

Các lò giết mổ quy mô nhỏ hiện không còn ký hợp đồng thu mua trực tiếp từ các công ty chăn nuôi lớn để giết mổ tập trung nữa. Họ mua qua các đơn vị trung gian, sau đó giết mổ và phân phối đến các chợ bán buôn và bán lẻ. Để đáp ứng nhu cầu thịt tươi nóng, nhiều cấp trung gian từ thu mua tới giết mổ phân bố rải rác khắp các nơi để thuận tiện trong hoạt động kinh doanh.

Cũng do thói quen dùng thịt nóng mà không ít người vẫn còn băn khoăn về chất lượng dinh dưỡng của thịt lợn  đông lạnh, chưa lựa chọn thịt đông lạnh trong các bữa ăn gia đình.

“Thịt đông lạnh nhập khẩu về có tăng nhưng không đủ sức làm nguội được giá thịt lợn tươi vẫn đang tăng nóng”- ông Cường nói.

Ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, 15 công ty chăn nuôi ký cam kết giảm giá chỉ chiếm không quá 35% thị phần trong nước. Như vậy, khoảng trên 65% thị phần còn lại thuộc về các đơn vị, trang trại không cam kết giảm giá.

img

Lợn móc hàm nhập ở các lò mổ vẫn cao, từ 105.000 - 115.000 đồng/kg. Ảnh: Nguyễn Vy

Hệ thống phân phối nào cũng tồn tại khâu trung gian từ sản xuất đến tiêu dùng. Đối với mặt hàng thịt lợn, khâu trung gian còn phức tạp hơn vì qua nhiều công đoạn giết mổ, sơ chế đặc thù. Qua mỗi công đoạn, giá thịt lợn lại đội thêm 1 khoảng chênh lệnh do chi phí sản xuất và lợi nhuận của đối tượng tham gia từng khâu.

“Giá thịt lợn qua các công đoạn lưu thông và chế biến đến tay người tiêu dùng hiện nay theo đúng theo cơ chế thị trường, không phải do khâu trung gian đẩy giá lên cao” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng cho rằng, cách đổ thừa trách nhiệm lên đầu thương lái như hiện nay là chưa thỏa đáng. Thương lái có những đóng góp nhất định trong khâu tiêu thụ, nhất là khi ngành chăn nuôi gặp biến cố. Tuy nhiên, khi có bất hợp lý thì mọi người coi thương lái không ra gì, trong khi nhiệm vụ tổ chức hệ thống phân phối hoặc đảm bảo lợi ích hài hòa trong chuỗi cung ứng là nhiệm vụ đặt ra từ rất lâu cho công tác quản lý.

Hiệp hội từng đồng hành rồi chứng kiến không ít trường hợp thương lái tích lũy được vốn rồi cũng hết sạch vốn vì nghề; cũng có trường hợp khấm khá lên nhưng ít lắm. “Cách mọi người vẫn gọi đối tượng thu mua lợn là tiểu thương hay thương lái đều không sai. Bản thân tôi vẫn gọi họ là thương nhân. Nghề thương nhân buôn bán lợn cũng cần được hiểu và trân trọng” - ông Công chia sẻ.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem