Dân ở một xã của Thái Nguyên có đời sống khá giả nhờ rừng kinh tế

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ năm, ngày 28/11/2024 08:00 AM (GMT+7)
Nhiều nông dân ở xã Tân Kim (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) đang phát triển mô hình trồng rừng kinh tế mang lại hiệu quả cao, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ gia đình, đời sống của người dân trở nên khấm khá hơn trước.
Bình luận 0

Nhà nước giao đất trồng rừng, người dân thay đổi tư duy

Cách đây hơn 30 năm, thời điểm những năm 90, nhiều hộ dân ở xã Tân Kim (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) cũng như các địa phương khác trong tỉnh được nhà nước giao rừng theo chương trình dự án PAM (Trồng rừng bằng nguồn vốn tài trợ của chương trình lương thực thế giới). Kể từ đây, nhiều hộ đã có thêm nguồn thu nhập từ rừng.

Phát triển kinh tế đồi rừng, nhiều hộ dân ở một xã của Thái Nguyên có đời sống khá giả - Ảnh 1.

Tân Kim là xã có lợi thế về trồng rừng kinh tế trên địa bàn huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) với gần 700ha đất rừng. Ảnh: Kiều Hải.

Tuy nhiên, ở thời điểm đó, nhận thức của người dân trong việc trồng rừng vẫn còn hạn chế, chưa thấy hết được những lợi ích cũng như hiệu quả mà rừng mang lại nên không chú trọng đầu tư. Vài năm trở lại đây, khi lâm trường Phú Bình giải thể, nhà nước giao đất trồng rừng về cho các hộ gia đình thì tư duy, nhận thức của người dân mới bước đầu có sự thay đổi rõ rệt.

Nếu như trước đây, người dân chỉ trông chờ nguồn lợi sẵn có từ rừng mang lại thì nay khi được giao đất, bà con đã chủ động trồng rừng, tập trung đầu tư, chăm sóc để rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thu nhập tốt hơn từ trồng rừng kinh tế

Xã Tân Kim là một trong những địa phương có lợi thế về trồng rừng trên địa bàn huyện Phú Bình với gần 700ha đất rừng, trong đó diện tích rừng chủ yếu tập trung tại các xóm Đèo Khê, Bờ La, Hải Minh, Quyết Tiến… Từ năm 2019 trở lại đây, do đẩy mạnh các mô hình phát triển kinh tế từ rừng nên đời sống của người dân tại các xóm này đã có nhiều khởi sắc đáng kể.

Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Nông Văn Đồng – Bí thư chi bộ xóm Đèo Khê giãi bày: Xóm Đèo Khê có tổng diện tích đất tự nhiên là 276ha. Đây là một trong những xóm vùng sâu khó khăn nhất với tỷ lệ đồng bào dân tộc chiếm trên 80% và cũng là xóm có diện tích rừng lớn nhất của xã Tân Kim với trên 100ha. Xóm hiện có 168 hộ dân với hơn 800 nhân khẩu.

Phát triển kinh tế đồi rừng, nhiều hộ dân ở một xã của Thái Nguyên có đời sống khá giả - Ảnh 2.

Anh Nông Văn Đồng – Bí thư chi bộ xóm Đèo Khê (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) là một trong những người tiên phong mở xưởng sản xuất gỗ bóc trên địa bàn xã Tân Kim. Ảnh: Kiều Hải.

Trước đây, đời sống của người dân trong xóm gặp rất nhiều khó khăn, đường xá đi lại vô cùng vất vả, chỉ có đường đất. Từ khi chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai, cùng với việc thay đổi tư duy làm kinh tế, tận dụng lợi thế từ rừng, các xưởng gỗ bóc, ván ép được mở ra đã tạo việc làm và thu nhập cho nhiều bà con địa phương, nhờ đó thu nhập của người dân đã dần được cải thiện.

Hầu hết các hộ gia đình trong xóm đều có đất rừng, hộ ít thì khoảng vài nghìn m2, hộ nhiều khoảng 3 – 4ha. Trong đó một số hộ có diện tích đất rừng lớn của xóm là hộ gia đình ông Nông Văn Soi, Tô Văn Mùi, Chu Văn Đài…

Gia đình anh Đồng là một trong những hộ đầu tiên trên địa bàn xã Tân Kim đầu tư mở xưởng sản xuất gỗ bóc với quy mô gần 2.000m2, công suất mỗi ngày đạt khoảng hơn chục khối gỗ. "Năm 2014, gia đình tôi bắt đầu bỏ vốn để mở xưởng sản xuất gỗ bóc tại xóm Quyết Tiến (xã Tân Kim). Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, do đường xá đi lại không thuận tiện cho xe vào lấy hàng và vận chuyển hàng ra nên gia đình tôi tạm thời nghỉ hơn một năm. Đến năm 2019, gia đình tôi quyết định mở xưởng tại nhà và tiếp tục quay trở lại hoạt động" - anh Đồng cho hay.

Phát triển kinh tế đồi rừng, nhiều hộ dân ở một xã của Thái Nguyên có đời sống khá giả - Ảnh 3.

Xưởng gỗ bóc của gia đình anh Nông Văn Đồng (xóm Đèo Khê, xã Tân Kim) cho thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Ảnh: Kiều Hải.

Hiện nay, xưởng sản xuất gỗ bóc của gia đình anh Đồng đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 5 - 6 lao động và 4 - 5 lao động thời vụ với mức thu nhập trung bình từ 300.000 – 400.000đ/người/ngày. Tính từ đầu năm đến nay, lợi nhuận từ xưởng gỗ bóc của gia đình anh Đồng đạt khoảng trên 300 triệu đồng.

"Với mỗi ha rừng keo hiện nay sẽ cho thu nhập từ 80 – 120 triệu đồng sau từ 5 năm trở lên tuỳ theo tuổi đời của cây. Trung bình mỗi năm thu nhập từ trồng rừng của người dân trên địa bàn xóm Đèo Khê đạt từ 6 – 7 tỷ đồng. Đến nay, xóm chỉ còn 5 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo (chiếm khoảng 0,2%), giảm khoảng 80% so với 10 năm trước đây", anh Đồng thông tin.

Phát triển kinh tế đồi rừng, nhiều hộ dân ở một xã của Thái Nguyên có đời sống khá giả - Ảnh 4.

Cây keo cho thu hoạch và khai thác sau 5 năm trồng với thu nhập từ 80 – 120 triệu đồng/ha. Ảnh: Kiều Hải.

Theo anh Đồng, nhờ trồng rừng, nhiều hộ trong xóm đã có thu nhập khá, vươn lên làm giàu, không cần phải đi làm ăn xa mà vẫn có thu nhập ổn định. 

Trong thời gian tới, anh Đồng mong muốn sẽ được các cấp, ngành địa phương hỗ trợ thành lập HTX để bà con tập trung sản xuất, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho các hộ gia đình.

Phát triển kinh tế đồi rừng, nhiều hộ dân ở một xã của Thái Nguyên có đời sống khá giả - Ảnh 5.

Nhờ phát triển kinh tế đồi rừng hiệu quả, nhiều hộ gia đình ở xóm Đèo Khê (xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) đã xây dựng được nhà cửa khang trang. Ảnh: Kiều Hải.

Bên cạnh xóm Đèo Khê, xóm Bờ La cũng là một trong những xóm có lợi thế trong phát triển kinh tế đồi rừng ở xã Tân Kim với tổng diện tích rừng trên 80ha. Anh Lâm Văn Tiến – Bí thư chi bộ, Trưởng xóm Bờ La cho biết, xóm có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 95%. Vài năm nay, bà con trong xóm tập trung phát triển kinh tế từ rừng nên lợi nhuận từ trồng rừng mang lại cho bà con tương đối lớn.

Gia đình bà Lục Thị Lan hiện có khoảng hơn 5ha diện tích đất trồng keo được trồng gối nhau. Bà Lan chia sẻ: Khoảng những năm 2000 trở về trước, gia đình bà có kinh tế rất khó khăn. Nhưng từ khi được bố mẹ cho đất, kết hợp với mua thêm để trồng rừng, đời sống của gia đình bà Lan đã trở nên khấm khá hơn. Cứ sau 5 năm trồng và khai thác, với diện tích rừng keo như hiện tại, gia đình bà Lan có lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng.

Phát triển kinh tế đồi rừng, nhiều hộ dân ở một xã của Thái Nguyên có đời sống khá giả - Ảnh 6.

Gia đình bà Lục Thị Lan (xóm Bờ La, xã Tân Kim) hiện có khoảng hơn 5ha diện tích đất trồng keo, mang lại thu nhập tương đối lớn. Ảnh: Kiều Hải.

Anh Dương Văn Kiên – Cán bộ phụ trách lâm nghiệp xã Tân Kim cho hay, hiện trên địa bàn xã Tân Kim đang bước đầu phối hợp với công ty Trường Thịnh Phát để triển khai cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) đối với các hộ trồng rừng. Khi đã hợp thức hoá được vùng nguyên liệu có truy xuất nguồn gốc rõ ràng thì sản phẩm bán ra thị trường nước ngoài sẽ trở nên dễ dàng hơn, từ đó giá trị sản phẩm cũng được nâng lên.

"Xã Tân Kim đang thực hiện việc tuyên truyền để người dân đăng ký tham gia và thành lập các nhóm hộ trồng rừng. Trên cơ sở đó, hàng năm doanh nghiệp sẽ triển khai các chương trình tập huấn khoa học kỹ thuật cho bà con, từ đó hướng tới mục tiêu lâu dài là trồng rừng gắn với chứng nhận tín chỉ carbon. Khi người dân đã hiểu về lợi ích của chương trình thì việc thực hiện sẽ rất đơn giản" - anh Kiên nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem