Hàng hóa Trung Quốc có mặt ở khắp thế giới, không chỉ người Việt Nam dùng hàng Trung Quốc. Theo ông, cần phải nhìn nhận yếu tố tích cực và tiêu cực của tình trạng này là gì?- Ông Bùi Kiến Thành: Vấn đề đặt ra là đối với những hàng hóa độc hại đối với sức khỏe được tuồn vào Việt Nam thì chúng ta phải thận trọng, xem xét để quản lý cho tốt. Đối với những hàng hóa có hại cho cả nền kinh tế như máy móc thiết bị lạc hậu, lỗi thời, không bán được trên thế giới thì mang vào Việt Nam bán chắc chắn gây tác hại không nhỏ với nền kinh tế. Việc này, các nhà quản lý phải theo dõi để bài trừ càng sớm càng tốt.
Hàng nông sản Trung Quốc tràn ngập ở chợ Long Biên (Hà Nội).
- Ông Lê Đăng Doanh: Thương lái Trung Quốc xâm nhập sâu vào các vùng miền nước ta, chi phối thị trường bằng các thủ thuật giá, thu mua với giá rẻ những mặt hàng để lại tác hại nhiều mặt. Do sức cạnh tranh giảm sút, thiếu công nghiệp hỗ trợ, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu đầu vào và cả công nghệ thấp của Trung Quốc. Đã có sự báo động là một số ngành công nghiệp Việt Nam có thể sẽ nhường chỗ cho doanh nghiệp Trung Quốc trên sân nhà.
Nếu chúng ta kêu gọi người dân xây dựng thói quen hạn chế dùng hàng Trung Quốc, ở cả lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp thì có khả thi không?
- Ông Lê Đăng Doanh: Sở dĩ lâu nay chúng ta biết sự phụ thuộc như vậy là bất lợi nhưng vẫn chưa thoát ra được vì những lý do sau: Hàng hóa Trung Quốc vừa gần lại vừa rẻ; lái buôn, doanh nghiệp Trung Quốc rất giỏi, đặc biệt là ở khả năng mua bán, đút lót. Chúng ta cần biết rõ điều đó để vận dụng, chuyển “họa” thành “phúc”. Đây là cơ hội tập trung tái cơ cấu kinh tế sao cho đỡ phụ thuộc Trung Quốc.
Nhiều ý kiến lo ngại Trung Quốc sẽ trả đũa về mặt kinh tế nếu chúng ta có các động thái hạn chế hàng hóa của họ. Ông đánh giá thế nào về lo ngại này?
- Ông Lê Đăng Doanh: Việc sắp tới Trung Quốc có thể chơi rắn chúng ta về mặt kinh tế là một khả năng dễ xảy ra. Và điều này chắc chắn sẽ tạo cú sốc rất lớn đối với nền kinh tế của Việt Nam. Bởi hiện nay chúng ta đang nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu của Trung Quốc với mức 35 tỷ USD và xuất khẩu 13 tỷ USD.
Nếu sắp tới con số nhập khẩu, xuất khẩu này không còn nữa thì sẽ tác động rất mạnh, vì không ít doanh nghiệp sẽ không có nguyên vật liệu để sản xuất, số người bị mất công ăn việc làm cũng không ít. Chúng ta cũng phải đề phòng khả năng xấu về kinh tế như có thể không xuất, không nhập, thậm chí ngay lập tức Trung Quốc có thể không bán điện cho Việt Nam nữa.
- Ông Bùi Kiến Thành: Về lo ngại Trung Quốc trả đũa về mặt kinh tế thì tôi cho rằng không cần phải đợi đến lúc Việt Nam làm gì mới trả đũa, lâu nay Trung Quốc đã chủ động làm việc đó rồi. Chẳng hạn như việc thu mua hàng hóa, nông sản, thu mua móng trâu để buộc người dân giết trâu bán móng cho họ… Vấn đề là chúng ta phải biết tính toán, cân nhắc mọi rủi ro và chủ động trước các đòn thế của họ.
Phương Hà (thực hiện) (Phương Hà (thực hiện))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.