Thời trang giá rẻ hay còn gọi là thời trang mì ăn liền phát triển dựa trên chính nhu cầu của con người, đó là nhanh chán và muốn cập nhật xu hướng cấp tốc mà không phải tốn nhiều tiền.
Tuy nhiên, nếu bỏ qua những lợi ích trước mắt và nhìn nhận một cách thực tế thì thời trang giá rẻ tiềm ẩn nhiều hiểm họa đối với môi trường sống và con người. Không phải ngẫu nhiên người ta ví von thời trang giá bèo giống như đồ ăn nhanh, chúng đều ngon miệng, hấp dẫn nhưng đem lại hại nhiều hơn là lợi.
Mặc dù ngành công nghiệp thời trang ngày càng ưa thích sử dụng sợi tổng hợp nhưng bông sợi vẫn rất được ưa chuộng. Đặc biệt khi ngành công nghiệp thời trang "mì ăn liền" phát triển, nhu cầu bông sợi sử dụng trong dệt may tăng cao chóng mặt.
Từ năm 1960, sản lượng bông trên thế giới đã tăng tới 60%. Để tăng năng suất, người ta đã sử dụng bông biến đổi gen. Có tới 93% số cây bông được trồng tại Mỹ là bông biến đổi gen. Loại cây biến đổi gen này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn đất, nước và hệ động vật.
Thêm vào đó, số lượng cây bông tăng gấp đôi sau 50 năm khiến lượng thuốc trừ sâu sử dụng cũng tăng gấp bội. Thuốc trừ sâu ngấm và làm nhiễm độc nguồn không khí, đất, nước...
Làn sóng phản đối các hãng thời trang bình dân bóc lột nhân công.
Sự phát triển mạnh mẽ của thời trang giá rẻ tăng sức ép lên trái đất, cụ thể là ngành công nghiệp thời trang mì ăn liền biến trái đất trở thành một bãi rác khổng lồ. Các hãng thời trang như Zara, H&M khiến vòng quay của mốt ngày một gấp gáp hơn. Người ta dễ chán và nhanh chóng làm mới tủ đồ của mình. Hậu quả là là mỗi ngày có tới hàng tấn quần áo bắt đầu cuộc hành trình rời tủ quần áo ra bãi rác. Phần lớn trang phục làm từ nguyên liệu tổng hợp không dễ phân hủy, đặc biệt là chất liệu nylon có thể tồn tại hàng chục năm.
Không chỉ thế, những món quần áo sặc sỡ giá rẻ được phủ màu từ những loại thuốc nhuộm chứa các chất độc hại, kim loại nặng. Số quần áo này khi trở thành rác thải sẽ ngấm vào nguồn đất, nước.
Bên cạnh đó, do chi phí cho hệ thống xử lý nước thải quá lớn, nhiều nhà máy sản xuất thời trang giá bèo đã đổ trực tiếp nước thải chứa chất nhuộm vải xuống sông, hồ, ao gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nguy hiểm hơn nữa, có không ít nhà máy đặt gần khu dân cư. Nguồn nước, đất nhiễm độc nặng là nguồn gốc gây ung thư và nhiều căn bệnh hiểm nghèo khác.
Một phụ nữ phản đối thời trang giá rẻ trước cửa hàng một nhãn hiệu bình dân
Theo báo cáo của Green Peace, "ông trùm" trong lĩnh vực thời trang giá rẻ Zara là một trong những thủ phạm gây nên nhiễm độc nguồn nước, ô nhiễm không khí ở Trung Quốc. Nhiều hoá chất độc hại tìm thấy trong nguồn nước đến từ các xí nghiệp của Zara.
Tổ chức Green Peace đã đánh giá sự tăng trưởng nhảy vọt của ngành thời trang bình dân là thảm họa đối với môi trường. Thực tế là có tới 80% người tiêu dùng chỉ nhận ra cái lợi về giá cả khi mua hàng thời trang bình dân mà không nhận thức được ảnh hưởng lâu dài của nó đối với đất mẹ.
Những nô lệ thời hiện đại
Tổ chức xã hội Slavery Foot Pring nhận định rằng thời đại ngày nay tồn tại nhiều nô lệ hơn bất cứ giai đoạn nào khác trong lịch sử. Nô lệ thời hiện đại bị bóc lột theo những cách thức tinh vi và thâm hiểm hơn trước rất nhiều.
Trên những nông trường trồng bông tại Uzbekistan hàng triệu con người phải làm việc dưới nắng gắt với thù lao thấp tới mức không tưởng. Trong số đó có triệu trẻ em tranh thủ kỳ nghỉ hoặc thậm chí không được đến trường để ở nhà trồng và thu hoạch bông sợi.
Công nhân trong các nhà máy thời trang giá rẻ
Nhiều em bị trừng phạt khi không thu hoạch đủ số bông chỉ tiêu. Điều đáng buồn là các thầy cô giáo lại chính là các đốc công hối thúc học sinh lao động trồng và thu hoạch bông sợi. Đồng tiền ít ỏi các em kiếm được cũng theo vòng tuần hoàn rơi vào tay giáo viên. Lao động trẻ em trở thành vấn nạn tại quốc gia này mặc dù Uzbekistan đã ký vào Công ước Quyền trẻ em và các Điều ước về chống nạn nô lệ.
Joanna Ewart-James tới từ Cơ quan Chống nô lệ quốc tế bức xúc nhận định những gì đang xảy ra tại Uzbekistan có thể nói gọn là "nô lệ trẻ em". Những cái chết của nô lệ không chỉ trên màn ảnh mà nó xảy ra ở chính thời hiện đại. Vào tháng 10/2008, một nữ sinh 17 tuổi tên là Umida Donisheva đã treo cổ trên cây gần công xưởng vì không chịu nổi áp lực thu hoạch đến từ chính những người dạy mình.
Một trường hợp khác rơi vào việc sử dụng lao động trẻ em bất hợp pháp của thương hiệu đồ lót tỉ đô Victoria's Secret. Theo một báo cáo của hãng thông tấn Bloomberg, hầu hết các sản phẩm được làm từ cotton của Victoria's Secret được sản xuất từ các xưởng may có sử dụng nhân công là trẻ em.
Trẻ em phải dùng tay đào xới đất và trồng bông tới mức bật máu mà chỉ được nhận thù lao cao nhất khoảng 40 ngàn đồng mỗi ngày hoặc không được trả lương. Theo một báo cáo năm 2008, có hàng nghìn lao động trẻ em bị bóc lột sức lao động tại các nông trại và xưởng sản xuất bông vải ở quốc gia Tây Phi Burkina Faso. Các mặt hàng vải sợi do các em sản xuất được chuyển tới xưởng sản xuất may mặc tại nhiều quốc gia khác. Tại đó, chúng được may thành các sản phẩm đồ lót, đồ ngủ… của Victoria's Secret.
Nhiều công nhân trong các nhà máy giá rẻ cũng chính là một dạng nô lệ kiểu mới. Họ được "bán" qua nhiều tầng trung gian, chỉ được trả đồng lương bèo bọt, phải làm việc trong điều kiện tồi tàn, nguy hiểm.
"Bán" ở đây được giải thích là nhiều hãng thời trang giá rẻ không trực tiếp thuê mướn nhân công. Bên trung gian sẽ tìm nguồn nhân công giá rẻ và tiết kiệm tối đa chi phí bằng cách giảm tới mức thấp nhất có thể đồng lương của người lao động. Hãng thời trang Benetton từng thản nhiên tiết lộ họ chẳng hề biết nhân công sản xuất quần áo cho họ làm việc ở toà nhà Rana Plaza, nơi xảy ra thảm họa khiến hàng nghìn công nhân bị chôn vùi dưới đống đổ nát.
Thông điệp được ghi trên nhãn của trang phục. "Phải làm việc trong nhiều giờ khủng khiếp"
Đồng lương rẻ mạt đi kèm với điều kiện lao động tồi tàn và thiếu an toàn. Vào đầu năm 2015, một số khách hàng của Primark bất ngờ phát hiện ra thông điệp kêu cứu khẩn thiết được ghi trên nhãn của trang phục. "Phải làm việc trong nhiều giờ khủng khiếp", "Cứu tôi với, điều kiện lao động quá tồi tàn". Không rõ những thông điệp này là do các nhà hoạt động xã hội hay do chính người lao động viết nên nhưng nó đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong dư luận, làm dấy lên làn sóng phản đối các hãng thời trang bình dân bóc lột nhân công.
Đó không phải lần đầu tiên người dân phản ứng gay gắt với các nhãn hàng bình dân. Vào năm 2013, vụ sập xưởng may khiến 1130 công nhân Bangladesh thiệt mạng đã làm cả thế giới bàng hoàng nhận ra trang phục mình đang mặc được dệt bằng máu dân nghèo. Xưởng may đặt tại toà nhà Rana Plaza giống như nhiều xưởng may chuyên sản xuất mặt hàng bình dân khác tại Bangladesh, đều cũ nát, xập xệ, nhiều vết rạn nứt báo hiệu trước những thảm họa kinh hoàng. Các nhà máy thời trang giá rẻ tại đây lờ đi các điều kiện tối thiểu để người lao động có môi trường lao động thuận lợi hơn.
Những thảm kịch xảy ra tại Bangladesh là "quả" kinh hãi nhất gieo từ chính cái "nhân" là sự trục lợi tận cùng nhằm thu tối đa hoá lợi nhuận của nhiều thương hiệu "mì ăn liền". Sẽ còn rất nhiều các tai nạn tang thương khác tiếp diễn nếu như các hãng thời trang bình dân không thay đổi cung cách hoạt động sản xuất của chính mình
Quần áo giá rẻ đe dọa sức khỏe người tiêu dùng
Theo Trung tâm nghiên cứu môi trường sức khỏe, nhiều hãng thời trang bình dân như Charlotte Russe, Wet Seal, Forever 21... đưa ra thị trường những mẫu thắt lưng, ví, giày, phụ kiện... làm từ vật liệu chứa hàm lượng cao các chất gây kích ứng cho người dùng.
Một bài viết trên The New York dẫn nghiên cứu của Trung tâm môi trường sức khỏe cho biết kim loại nặng có trong nhiều sản phẩm thời trang bình dân có thể gây ra viêm da, rối loạn chức năng gan, tích tụ trong xương. Đặc biệt độc tố tích trong xương có thể giải phóng khi phụ nữ mang thai, gây hại cho bà mẹ và thai nhi. Mặc quần áo và trang phục lót chứa chì sẽ tăng tỷ lệ vô sinh ở phụ nữ, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và cao huyết áp.
Nguy hại hơn, quần áo giá rẻ đôi khi còn chứa thuốc trừ sâu, formaldehyde, flame-retardants.... có khả năng gây ung thư.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.