Ngày Môi trường thế giới (5-6), FAO cho biết, lượng thực phẩm trị giá 200 tỷ USD bị lãng phí nói trên tương đương 1 phần 3 tổng sản lượng lương thực, thực phẩm thế giới hàng năm. Trong khi đó, cũng trên thế giới này, cứ 7 người thì 1 người bị đói, mỗi ngày có 20.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị chết đói.
Ngày 5.6, đoàn công tác từ thiện Báo NTNN về xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai trao quà tới những nông dân nghèo đã bị 5 trận bão lũ tàn phá kể từ đầu năm. Đường từ Phố Ràng lên Trường Tiểu học Kim Sơn 3 chỉ 42 km nhưng phải mất 3 giờ đầy nhọc nhằn (gồm cả đi bộ), đoàn mới tới nơi. Chủ tịch xã Nguyễn Dương Chung nói, chỉ sau trận lũ chết người giữa tháng 5, ô tô mới vào đến UBND xã. Con đường này cũng giống bao con đường miền núi khác chúng tôi từng đi và đến, nơi có đồng bào mình sinh sống, có các em học sinh, các thầy cô giáo, các nhân viên y tế… những người cùng có nhu cầu, ước mơ, quyền lợi và trách nhiệm giống tất thảy những ai sống ở thủ đô hay những thành phố khác trên đất Việt Nam này.
Các nước có người bị đói ở châu Phi, châu Á không thể bắt lỗi các nước châu Âu, Bắc Mỹ bỏ mứa thức ăn. Các em học sinh ở bản Nhai Tẻn không đến lớp được vì trời mưa, đường trơn, ngập cũng không đổ lỗi được cho mấy bác lãnh đạo Hà Nội sao lại phá những cây cầu giá hàng chục tỷ mới dùng được hơn 1 năm, dựng những công trình trăm tỷ chỉ để phục vụ ngày lễ lạt. Nhưng họ có quyền phán xét khi đặt vấn đề “kẻ ăn không hết người lần không ra” ở tầm nhân loại và quốc gia.
Nếu các thầy cô, các em học sinh ở Nhai Tẻn, Suối Tọ có dịp đi trên đại lộ Thăng Long thênh thang nhưng vắng huơ hoắc và xuống cấp trầm trọng, họ sẽ nghĩ gì? Năm 2002 đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) được gắn biển “Giải nhất con đường đẹp Việt Nam” của Bộ GTVT, đường Liễu Giai còn đẹp hơn, nhưng dân Hà Nội quá rõ 2 “hoa hậu” này đã bao lần bị cắt, đào, đắp sửa để đến giờ mang trên mình đầy những vết chắp vá, méo mó.
FAO đã làm một việc rất có ý nghĩa là thống kê được lượng thực phẩm thừa mứa trên toàn thế giới và tại nhiều quốc gia cụ thể cùng số người đói, chết đói vì thiếu ăn. Chưa kể những lãng phí khủng khiếp khác. Chỉ cần Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ GTVT nước ta thống kê tổng ki-lô-mét đường, cầu xây rồi phá, vừa xây xong đã sửa hoặc xây rồi không ai đi cùng tổng ki-lô-mét đường đang bức bách đầu tư nhưng đang “đói lả” vì thiếu tiền. FAO phân tích lãng phí thực phẩm gây hại môi trường, chúng ta phân tích cũng chỉ ở khía cạnh này có được không ? Việc nên làm!
Đức Nguyện
Vui lòng nhập nội dung bình luận.