Thống nhất ban hành nghị quyết mới đưa TT- Huế lên thành phố trực thuộc T.Ư

Trần Hòe Thứ bảy, ngày 16/11/2019 16:35 PM (GMT+7)
Ngày 16/11, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, Bộ Chính trị đã thống nhất ban hành một nghị quyết mới để xây dựng và phát triển Thừa Thiên- Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Bình luận 0

Cụ thể, theo Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, vào ngày 15/11, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế về tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 48-KL/TW ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên- Huế và đô thị Huế đến năm 2020.

img

Đô thị Huế nhìn từ trên cao.

Theo Ban Kinh tế Trung ương, sau 10 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị (khóa X) về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên- Huế và đô thị Huế đến năm 2020, tỉnh phát triển chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế. Quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ, hệ thống đô thị phát triển chậm, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, cải cách thủ tục hành chính chưa đáp ứng yêu cầu, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) thấp… Vì vậy, mục tiêu xây dựng Thừa Thiên- Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vẫn chưa đạt được.

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến khẳng định, nếu áp dụng bộ tiêu chí xét công nhận thành phố trực thuộc Trung ương cho Thừa Thiên- Huế như hiện nay là không còn phù hợp.  Vì vậy, cần thiết phải xây dựng Thừa Thiên- Huế một bộ tiêu chí riêng có để xây dựng đô thị di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên.

Trên cơ sở đó, các ý kiến cho rằng cần nghiên cứu một cơ chế đặc thù phù hợp về đầu tư nguồn lực cho Thừa Thiên- Huế nhằm xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có nét đặc sắc, riêng biệt của cả nước.  

img

Bộ Chính trị đã thống nhất ban hành một nghị quyết mới để xây dựng và phát triển Thừa Thiên- Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. 

Kết luận tại buổi làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, so với nhiều địa phương khác trong cả nước, Thừa Thiên- Huế có những nét rất riêng biệt về những giá trị di sản văn hóa, nên tỉnh cần chú trọng gìn giữ nét bản sắc riêng này. Tỉnh cần phải có sự đổi mới, táo bạo, khát khao hơn nữa để vươn mình mạnh mẽ, trên cơ sở kế thừa những giá trị truyền thống.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, thông qua buổi làm việc, Bộ Chính trị thống nhất cần ban hành một nghị quyết mới để xây dựng và phát triển Thừa Thiên- Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với bản sắc văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương liên quan và Thừa Thiên- Huế sớm hoàn thành nghị quyết, trong đó cụ thể hóa, xây dựng bộ tiêu chí đặc thù, cơ chế đặc thù, chính sách đặc thù về thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng phát huy giá trị di sản, văn hóa Huế để sớm thông qua.  

Ngày 25/5/2009, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 48-KL/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế đến năm 2020, với phương hướng xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hoá, du lịch, khoa học - công nghệ, y tế, giáo dục – đào tạo…

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, sau 10 năm thực hiện Kết luận 48, đô thị Thừa Thiên- Huế đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng theo các lợi thế và bản sắc riêng, là đô thị theo hướng “di sản, văn hoá, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường”. Cơ cấu kinh tế  chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Tỉnh đã khai thác một số ngành có lợi thế, tạo giá trị gia tăng, trong đó du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thừa Thiên- Huế đã khẳng định được vị thế về văn hóa, chính trị, nhân văn đối với quốc gia, khu vực và thế giới. Cụ thể, đô thị Huế được công nhận là “thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “thành phố Xanh quốc gia”, “thành phố văn hóa ASEAN”, “thành phố bền vững môi trường ASEAN”. Kinh tế phát triển theo hướng xanh và bền vững, tăng trưởng bình quân cả thời kỳ (2009-2018) 7,2%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng 1,9 lần so với năm 2009. Đã quy hoạch và phát triển đô thị Huế là đô thị loại I - đô thị trung tâm, hình thành các đô thị vệ tinh bao gồm 2 thị xã và các thị trấn…

Tuy nhiên, sau 10 năm, mục tiêu cơ bản đưa cả tỉnh Thừa Thiên- Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận 48 vẫn chưa thực hiện được.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, việc tỉnh chưa thể trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là do nhiều nguyên nhân. Đó là: Xuất phát điểm của Thừa Thiên- Huế còn thấp, quy mô kinh tế nhỏ; chưa giải quyết có hiệu quả mối quan hệ giữa bảo tồn đô thị di sản với khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hoá và phát triển sản xuất công nghiệp (thu ngân sách); hạn chế nguồn lực trong phát triển kết cấu hạ tầng và Chính phủ thắt chặt quản lý vốn đầu tư công; việc hỗ trợ nguồn vốn đầu tư công của Trung ương cho phát triển cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, xã hội, trùng tu di tích, đầm phá … chỉ được lồng ghép qua các chương trình, dự án và chưa được ưu tiên bố trí đầu tư trực tiếp cho các dự án cụ thể theo Kết luận 48; thiếu sự hỗ trợ kịp thời của Trung ương về cơ chế huy động nguồn lực khu vực kinh tế tư nhân…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem