Theo đó, quy định này sẽ không bao gồm thức ăn chăn nuôi theo tập quán, nguyên liệu đơn mà người chăn nuôi tự sản xuất, sử dụng trong nội bộ các nông hộ chăn nuôi. Quy định này chỉ áp dụng đối với các tổ chức cá nhân kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên lãnh thổ Việt Nam.
Thông tư 02 sẽ không bao gồm thức ăn chăn nuôi theo tập quán, nguyên liệu đơn mà người chăn nuôi tự sản xuất, sử dụng trong nội bộ các nông hộ chăn nuôi. Quy định này chỉ áp dụng đối với các tổ chức cá nhân kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên lãnh thổ Việt Nam. Ảnh: IT
Theo lý giải của ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Thông tư 02 có hiệu lực từ ngày 11/02/2019 để phù hợp với quy định tại Nghị định 100, Nghị định 123 tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp không bị gián đoạn.
"Nếu không ban hành kịp thời thông tư này, đối tượng bị ảnh hưởng là các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, bởi nếu không có thông tư này, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi không thể sản xuất kinh doanh các sản phẩm thức ăn có những nguyên liệu tập quán này. Mà thực tế hầu hết các nguyên liệu trong danh mục trên (ngô, lúa mì, đậu tương, sắn) đều được doanh nghiệp sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.
Còn các hộ sản xuất nhỏ lẻ không bị ảnh hưởng gì, bởi họ vẫn sử dụng các sản phẩm thức ăn như thường lệ thôi, họ không bị quản lý giám sát. Còn các doanh nghiệp, phải có Thông tư này họ mới có thể sản xuất kinh doanh lưu hành các sản phẩm thức ăn chăn nuôi có những nguyên liệu trên.
Trước đó dư luận đã có nhiều phản ứng khi Thông tư 02 ra đời, trong danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán được phép lưu hành tại Việt Nam theo Thông tư 02 gồm 18 loại gồm: ngô, thóc, lúa mì, gluten, đậu tương, khô dầu, sắn, hạt các loại, thức ăn thô (cỏ khô, cỏ tươi các loại, rơm, vỏ trấu các loại), phụ phẩm của ngành sản xuất cồn ethylic từ hạt cốc, mía, củ các loại (khoai tây, khoai lang, khoai môn, khoai sọ), các loại bã, thức ăn có nguồn gốc từ thuỷ sản, thức ăn có nguồn gốc từ động vật trên cạn, sữa và sản phẩm từ sữa, dầu cá, dầu - mỡ.
Như vậy, Thông tư này khiến người dân hiểu rằng, những loại thức ăn chăn nuôi nằm ngoài danh mục trên sẽ bị cấm sử dụng lưu hành tại Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc, một số sản phẩm thức ăn chăn nuôi thông dụng, vốn được sử dụng phổ biến ở các vùng quê bao đời nay để tiết kiệm chi phí như: bèo tây, thân cây chuối, các loại rau (rau muống, rau lang, su hào, cà rốt)... nay sẽ không được phép lưu hành.
Sau phản ứng của dư luận, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp cho rằng, Thông tư 02 của Bộ NN&PTNT Ban hành Danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam cần phải xem xét thêm về tính hợp pháp.
Để làm rõ thêm những ý kiến phản biện của dư luận xã hội về nội dung của Thông tư 02, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Hà Công Tuấn, ngay sáng 13/3/2019 Cục Chăn nuôi đã chủ trì cuộc họp với Hiệp hội TACN Việt Nam do ông Lê Bá Lịch chủ tịch đại diện; Hội Chăn nuôi VN do ông Đoàn Xuân Trúc PCT đại diện và đại diện một số doanh nghiệp, HTX chăn nuôi tham dự.
Theo ông Dương, những thức ăn chăn nuôi theo tập quán mà người chăn nuôi tự sản xuất, sử dụng từ lâu nay mặc nhiên là người chăn nuôi được quyền sử dụng, vì luật pháp không yêu cầu quản lý và số lượng loại này rất nhiều, rất đa dạng, rất khác nhau ở các địa phương không thể liệt kê hết được; tuy nhiên kiến nghị Bộ nên có những quy định kỹ thuật yều cầu tối thiểu về một số chỉ tiêu an toàn đối với từng nhóm của các loại thức ăn tự sử dụng này, ví dụ như: thối rữa, mốc, mối, mọt…
Cục Chăn nuôi kiến nghị Bộ thường xuyên cập nhật bổ sung những sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán, nguyên liệu đơn có thể sử dụng làm nguyên liệu trong kinh doanh TACN nhằm hạn chế nhập khẩu và nâng cao hiệu quả sử các loại nguyên liệu này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.