Tính đến thời điểm hiện tại, thị giá của hầu hết cổ phiếu bất động sản niêm yết đều tăng, thậm chí một số mã ghi nhận mức tăng tới vài lần so với đầu năm. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia tài chính chứng khoán thì nhóm cổ phiếu bất động sản là nhóm “thị phi” nhất khi liên quan đến hàng loạt các câu chuyện “làm giá, thổi giá” đến... “dìm hàng” nhau bởi hàng loạt tin đồn không kiểm chứng.
Cổ phiếu ngành bất động sản đã có biến động mạnh từ đầu năm đến nay (Ảnh: IT)
Lên “đỉnh” rồi... tuột dốc không phanh
Gây chú ý thời gian qua trong nhóm cổ phiếu bất động sản là mã DXG của Công ty CP DV & XD địa ốc Đất Xanh. Từ vùng giá 12.000 đồng/CP thời điểm đầu năm, nhờ cơn sốt đất ở TP.HCM lan đến các khu vực Bình Dương, Đồng Nai, Long An… mà DXG hưởng lợi lớn khi có quỹ đất khá dồi dào ở Đồng Nai. Nhờ đó, cổ phiếu DXG cũng nhanh chóng tăng mạnh và đạt “đỉnh” ở mức 24.500 đồng/cổ phiếu vào ngày 9.5, cao gấp đôi so với thời điểm đầu năm.
Tuy nhiên, sau khi đạt đỉnh, cổ phiếu DXG đã không ngừng lao dốc và đến thời điển hiện tại giao dịch ở vùng giá 17.000 - 18.000 đồng/CP dù kết quả kinh doanh quý 3 của doanh này tăng trưởng khá tốt.
Một mã cổ phiếu bất động sản khác cũng đình đám thời gian qua là QCG của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai. Cụ thể, QCG từ mức đáy 3.540 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm, đã tăng lên đỉnh 29.300 đồng/cổ phiếu. Đà tăng của QCG đã khiến khá nhiều nhà đầu tư bất ngờ bởi trong suốt những năm qua, kết quả kinh doanh của QCG không mấy khả quan, lợi nhuận luôn ở mức “tượng trưng” với ROE trung bình trong 4 năm gần đây chưa tới 1%. Đặc biệt, tình hình tài chính của QCG càng khó khăn hơn khi nhiều khoản nợ đến hạn không trả được.
Tuy nhiên, nhờ thông tin công ty này đã bán dự án “ruột” là Phước Kiển Nhà Bè cho một đại gia trong giới bất động sản. Thông tin này xuất hiện khiến cổ phiếu QCG đã tăng gần 8 lần chỉ sau một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, khi lãnh đạo DN này chính thức tuyên bố “chưa hoàn tất thủ tục chuyển nhượng” khiến cổ phiếu này lập tức lao dốc về gần mức 20.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó, thông tin chủ nợ của QCG “bán chui” cổ phiếu tiếp tục khiến QCG giảm sâu về vùng giá 13.000 đồng/CP dù lãnh đạo DN này lên tiếng đính chính sai sót trên là do... lỗi đánh máy.
Với TDH của Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thủ Đức House), từ vùng giá 9.000 - 10.000 đồng/CP hồi đầu năm 2017, TDH nhanh chóng đạt “đỉnh” 17.000 đồng/CP (ngày 4.7) nhưng sau đó vì dính thông tin bị phạt tiền thuế khiến TDH giảm mạnh. Hiện thị giá TDH ở mức 13.550 đồng/CP dù kết quả kinh doanh tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, “đau nhất” có lẽ là mã cổ phiếu HBC của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình trong những ngày qua. Cụ thể, kể từ cuối tháng 8, HBC là một trong những cổ phiếu bất động sản tăng mạnh nhất khi từ 54.000 đồng tăng lên 64.000 đồng/CP trong vòng 2 tháng. Song ngay sau khi chinh phục đỉnh mới, HBC không thể tránh khỏi áp lực bán mạnh khi mùa báo cáo tài chính kết thúc và mức tăng trưởng lợi nhuận 30% so với cùng kỳ, chưa kể con số tăng trưởng này lại có sự đóng góp từ 31 tỷ đồng lợi nhuận khác.
Áp lực của HBC còn tăng mạnh khi quỹ ngoại Pyn Elite quyết định bán ra số cổ phiếu năm giữ khiến HBC đã rơi rất nhanh về 52.400 đồng/CP. Đặc biệt, tin đồn về HBC bị Khải Silk xù nợ dự án hàng nghìn tỷ đồng tại quận 7 khiến cổ phiếu HBC rơi về vùng đáy 48.100 đồng/CP và lãnh đạo DN này buộc phải “đăng đàn” bác thông tin trên.
Một loạt các DN bất động sản khác như ITA của Tân Tạo, HQC của Đại ốc Hoàng Quân hay FLC của Tập đoàn FLC... cũng đang khiến nhà đầu tư thất vọng vì đang chật vật dưới mệnh giá. Hiện FLC được giao dịch ở mức 6.390 đồng/CP; trong khi đó ITA được giao dịch ở mức giá “trà đá” 3.290 đồng/CP và HQC ở mức giá 2.630 đồng/CP.
Nhà đầu tư “thót tim”
Theo đánh giá của HoREA, thị trường nhà đất tại một số khu vực ở TP.HCM đã tăng gần như gấp 2 đến 3 lần so với cách đây 1 - 2 năm. Nhiều dự án mới hoặc “đóng băng” trước đó nay bắt đầu được khởi động lại khiến thị trường bất động sản như đang sôi động trở lại sau nhiều năm trầm lắng. Kéo theo cơn sốt đất ở TP.HCM là các khu vực phụ cận như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An… cũng bắt đầu tăng giá khá mạnh. Việc giá đất tăng đã kéo theo nhiều doanh nghiệp bất động sản như DXG, LDG,... vốn có quỹ đất lớn tại những vùng đó được hưởng lợi. Rõ ràng, nhà đầu tư kỳ vọng giá nhà đất tăng sẽ làm tăng giá trị của doanh nghiệp lên, khi đó giá cổ phiếu các DN bất động sản cũng sẽ “nước lên thuyền lên” theo diễn tiến thị trường.
Tuy vậy, dường như kỳ vọng của nhà đầu tư đã không như mong muốn khi nhiều mã cổ phiếu bất động sản cũng nhanh chóng lao dốc vì giá đất có dấu hiệu bong bóng và đi xuống sau việc phân lô bán nền bị siết lại… Hàng loạt các mã cổ phiếu như LDG, DXG, QCG, TDH... ngay lập tức bị ảnh hưởng nặng nề và liên tục lao dốc.
Đánh giá về đà tăng trưởng của các mã cổ phiếu bất động sản thời gian qua, TS.Luật sư Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight, cho biết, không giống với các mã cổ phiếu ngành khác, cổ phiếu bất động sản phụ thuộc rất lớn vô chính sách của nhà nước, vào cung cầu của thị trường; đặc biệt hơn nữa là những quy hoạch, dự án của nhà nước liên quan đến cơ sở hạ tầng. Ông ví dụ, chỗ nào cơ sở hạ tầng chưa có nếu bây giờ có thì chắc chắn giá bất động sản sẽ tăng lên, khi giá bất động sản tăng lên thì chắc chắc cổ phiếu những doanh nghiệp có dự án tại đó sẽ tăng theo.
Dù vậy, theo ông Tín, nhà đầu tư cổ phiếu bất động sản thường hay chịu tác động khi những “đội lái” trên thị trường sẵn sàng thao túng giá cổ phiếu bằng những thông tin chưa có kiểm chứng.
Thực tế, câu chuyện về HBC hay QCG... thời gian qua là những minh chứng cho sự xuất hiện và thao túng mạnh của nhóm “đội lái” này. Anh Nguyễn Long, một nhà đầu tư thường xuyên tham gia diễn đàn chứng khoán F319 cho biết, nhiều khi có khả năng chính những DN bất động sản đứng đằng sau “tổ lái” để thao túng giá cổ phiếu. "Như hồi cổ phiếu QCG tăng mạnh do có thông tin DN này đã bán dự án Phước Kiển Nhà Bè cho một đại gia trong giới bất động sản. Tuy vậy phía lãnh đạo DN này khá im tiếng cho tới khi tổ chức Đại hội Cổ đông mới bác thông tin này, khi đó giá cổ phiếu QCG cũng đã đạt “đỉnh” cao gần 8 lần..." - ông Long dẫn chứng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.