Thót tim, toát mồ hôi xem "người nhện" đi trên thân cây, lắt lẻo đầu ngọn cây để bẻ cau
Thót tim, toát mồ hôi xem "người nhện" đi trên thân cây, lắt lẻo đầu ngọn cây để bẻ cau
Thứ năm, ngày 06/10/2022 19:05 PM (GMT+7)
Vào chính vụ, mỗi ngày thợ bẻ cau có thể thu hoạch vài tạ đến cả tấn quả, thu nhập từ 1-3 triệu đồng. Tuy thù lao cao nhưng nghề bẻ cau nghe đến ai cũng nhăn mặt, toát mồ hôi vì hiểm nguy thường trực.
Vốn nổi tiếng là "thủ phủ khóm" - xứ Tắc Cậu (huyện Châu Thành, Kiên Giang) còn là mảnh đất trù phú với những ruộng cau bạt ngàn. Đây là vùng nguyên liệu cung cấp sản lượng lớn cau cho cả trong và ngoài nước.
Cũng cao và mọc thẳng như dừa, thốt nốt nhưng thân cau nhỏ, mảnh khảnh hơn nhiều. Để thu hoạch được buồng cau treo chót vót trên ngọn cây, những người thợ bẻ cau phải có ngón nghề riêng. Có người gọi họ là "người nhện" vì cả ngày leo trèo, lắt lẻo trên ngọn cây, có người lại ví von đó là những "nghệ sĩ xiếc đi trên thân cau".
Để tìm hiểu về nghề đặc biệt đó, đã theo chân những thợ bẻ cau có thâm niên ở xã Bình An, huyện Châu Thành, Kiên Giang để tận mục một ngày làm việc trên không của họ.
6h sáng, sau một đêm mưa giông khá lớn, trời râm mát và mặt đường còn chưa ráo hẳn nhưng anh Tài Minh Tới (41 tuổi) đã có mặt tại vườn cau, bắt đầu công việc như bao ngày. Anh bảo, hôm nay sẽ khó leo hơn ngày thường vì thân cau còn ướt do trời mưa.
Anh Tới cởi trần, chỉ mặc một chiếc quần dài, xung quanh bụng quấn lớp băng keo, chân đi đôi giày vải. Vật dụng không thể thiếu của "người nhện" là chiếc mũ phía sau quai cài có gắn con dao Thái. Sau khi ngắm nghía sơ qua một lượt số cây cau cần thu hoạch, anh Tới đeo nài (sợi dây thừng bện lại thành chiếc vòng) vào 2 bàn chân rồi nhảy lên thân cây, thoăn thoắt trèo lên thân cau cao hàng chục mét.
Nhờ sợi dây làm điểm tựa, nam "diễn viên xiếc" tạo sức bật để nhảy bước một trên thân cau thẳng đứng. Thoáng chốc, anh đã leo tới ngọn cao gần 20m, lấy con dao giắt ở nón, cắt ngọt 3 buồng cau rồi thả người "tuột" xuống gốc cây, đáp xuống nhẹ tênh. Toàn bộ quá trình khai thác chỉ mất hơn một phút.
Để thuần thục được như thế, người thợ U50 phải tập leo cau rất nhiều lần, trải qua không ít sự cố như trượt chân, té ngã...
Hỏi về nghề bẻ cau, anh Tới cho biết, trước kia anh làm ở cơ quan nhà nước, sau đó thấy nhiều người trong xóm đi bẻ cau kiếm được nhiều tiền nên anh cũng tập làm. Không lâu sau đó, anh quyết định nghỉ việc công chức, theo nghề tới nay.
"Ban đầu tập leo cây thấp cho quen rồi mới dám leo các cây cao hơn. Làm nghề nào quen nghề đó. So với bẻ dừa hay thốt nốt, tôi vẫn thấy cây cau dễ leo hơn. Những cây cau từ 7 năm tuổi trở lên là dễ leo nhất vì có lớp vỏ nhám, cau ít tuổi thân thường trơn rất khó bám giữ", anh Tới cho hay.
Nghề bẻ cau: "Ăn cơm dưới đất, hái tiền triệu trên cao"
Thu hoạch cau có hai cách, với những cây cau sai trĩu buồng, người thợ sẽ leo trực tiếp, một mình thu hoạch, không cần người hỗ trợ. Còn những cây cau thưa trái, người bẻ cau sẽ hoạt động theo nhóm, một người leo trên cây dùng cây móc chọc vào buồng cau cho rơi xuống, bên dưới gốc có một người dùng tấm vải hứng lấy, gọi là "giũ".
Mỗi cách khai thác lại có những khó khăn, đòi hỏi kỹ năng khác nhau nhưng để gọi là "diễn viên xiếc" thì cách thứ nhất phù hợp hơn.
Anh Huỳnh Phước Liên gắn bó nghề bẻ cau đã hơn chục năm tiết lộ, ngoài chuyện "leo lên, tuột xuống" điêu luyện, các thợ bẻ cau còn có thể di chuyển từ cây cau này sang cây khác bằng cách chuyền... ngọn, chẳng cần dùng đến dây bảo hộ, thang... Họ búng người từ ngọn cau này qua ngọn cau khác, hệt như người nhện.
"Với những gốc cau nằm gần nhau, tán không quá xa người bẻ cau có thể đu từ cây này qua cây kia giống như chú khỉ chuyền cành. Cách này giúp tiết kiệm sức, vì không phải tụt xuống, leo lên lại lần nữa nhưng không phải ai cũng làm được vì nếu sơ sẩy nắm hụt tàu lá là té lộn cổ xuống ao liền", anh Liên nói thêm.
Sống với nghề "ăn cơm dưới đất, làm chuyện trên trời" chẳng dễ dàng. Trên ngọn cau cao chót vót, nghiêng ngã vì gió, vì sức nặng người đu bám, có không ít thợ bẻ cau "sinh nghề, tử nghiệp".
Ngay cả anh Liên cũng từng gặp nạn không ít. Anh kể: "Nhớ một lần bẻ cau vào ngày Rằm, do quá tham, tôi buộc nhiều buồng cau quanh người, chuyền từ cây này sang cây kia. Hôm ấy gặp trời gió mạnh, tôi bám không vững nên trượt chân, ngã lộn xuống mương. May mắn là lần đó chỉ bị xây xước. Từ dạo đó, mỗi lần leo, tôi chỉ dám cầm 3-4 buồng trở lại".
Nếu không trượt chân té ngã thì có khi tiếp đất, áo quần cũng đã rách bươm, da thịt bầm dập, xây xát vì cọ xát lúc trượt trên thân cau.
Hỏi chuyện lời lãi, anh Liên thành thật: "Hầu hết mọi người đến với nghề leo cau không phải vì thích thú. Chẳng qua vì nghề này thu nhập cao nên chúng tôi mới bấm bụng làm".
Chỉ tay về phía anh Tới đang hì hục bẻ cau ở vườn đối diện, anh Liên cho biết: "Ở đây anh Tới là người bẻ giỏi và kiếm được nhiều tiền nhất. Ngày thường anh ấy kiếm 500.000 đồng nhưng khi vào vụ cau, nhặt đến 3 triệu đồng/ngày là chuyện thường, vì anh ấy làm một mình nên làm được bao nhiêu thì ăn bấy nhiêu. Tôi thì thường đi bẻ cau theo nhóm. Mỗi kilogam cau thu hoạch về được trả công 3.000 đồng, bẻ được 1 tấn thì "ăn" 3 triệu".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.