Trung Quốc đột ngột giảm mua, giá cau tươi lại tuột dốc không phanh sau khi tăng chạm nóc?

K.Nguyên Thứ sáu, ngày 30/09/2022 12:29 PM (GMT+7)
Giá cau tươi ở một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên lại tuột dốc không phanh sau khi tăng chóng mặt vào năm ngoái. Nguyên nhân được cho là Trung Quốc tiêu thụ chậm, hàng còn tồn đọng nhiều nên các cơ sở ngừng thu mua.
Bình luận 0

 Theo ghi nhận của Dân Việt, sau một thời gian tăng giá chóng mặt, hiện giá cau tươi ở nhiều địa phương miền Trung, Tây Nguyên lại giảm sâu, nguyên nhân được cho là Trung Quốc giảm mua.

Đại diện một cơ sở làm cau sấy ở Đắk Lắk cho biết, cơ sở của anh đã ngừng thu mua cau. Nhiều cơ sở sấy cau ở Đắk Lắk còn tồn đọng hàng rất nhiều do không xuất sang Trung Quốc kịp nên buộc phải thu mua cầm chừng dẫn đến giá cau giảm sâu.

Hiện, trên nhiều diễn đàn của nông dân, bà con đều than thở tình trạng cau giảm giá thê thảm, tại Krông Năng (Đắk Lắk) giá cau còn 17.000 - 18.000 đồng/kg, trong khi ở Hoài Nhơn (Bình Định), giá cau còn giảm sâu hơn nữa.

Một số nông dân trồng cau ở Đắk Lắk cho biết, thị trường mua cau tươi năm nay rất ảm đạm, nhiều nơi chưa tìm được đầu ra, giá cau giảm gấp nhiều lần so với năm ngoái và thương lái cũng thu mua kén chọn hơn.

Về nguyên nhân giá cau giảm sâu, nhiều cơ sở sấy cau cho biết, hiện Trung Quốc mua hàng chậm nên còn tồn đọng nhiều, năm nay cau cũng được mùa nên sản lượng ở các địa phương tăng đột biến. Ngoài ra, cũng có nguyên nhân là do cau được giá những năm trước nên bà con trồng ồ ạt.

Giá cau tươi lại tuột dốc không phanh? - Ảnh 1.

Theo thông tin trên nhiều diễn đàn, hiện giá cau tươi giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái do việc xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn chậm. Ảnh: Quang Trí.

Như tại huyện Cư Kuin (Đắk Lắk), những năm trước, giá cau dao động trong khoảng 60.000 - 80.000 đồng/kg nên nhiều nhiều nông dân đổ xô trồng loại cây này, thậm chí còn trồng xen trong vườn cà phê để có thêm thu nhập.

Trước thực tế, năm 2021, Phòng NNPTNT huyện Cư Kuin đã khuyến cáo bà con không nên mở rộng diện tích trồng cau để thay thế các cây trồng cũ, vì hiện nay cau vẫn xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc nên thị trường không ổn định. 

Bên cạnh đó, cau là loại cây rễ nhiều, dễ làm xấu đất. Nếu phát triển loại cây trồng này nhiều, sau này khó phát triển những cây trồng khác.

Trong khi đó, Sở NNPTNT tỉnh Bến Tre cũng đã phải cảnh báo người dân không nên mở rộng diện tích trồng cau nhằm hạn chế rủi ro khi cung vượt cầu do thời gian gần đây bà con có xu thế trồng cau trong những vườn dừa kém hiệu quả. 

Mặc dù cau trái là sản phẩm OCOP hạng 3 sao của huyện An Lão (Bình Định) nhưng ngành chức năng vẫn khuyến cáo, thị trường tiêu thụ cau trong nước hiện phụ thuộc vào sức mua của nước ngoài, tiềm ẩn sự bất ổn về giá cả nên người dân không nên ồ ạt trồng cau mà chỉ tận dụng trồng trên diện tích nhất định.

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cũng nhấn mạnh, dù giá cau tươi đang tăng nhưng người dân tuyệt đối không nên ham lợi nhuận trước mắt mà mở rộng diện tích.

"Tuyệt đối không nên nhìn thấy giá cau tươi đang tăng cao mà chặt bỏ các cây trồng khác để đầu tư vào trồng cau" - ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, hiện, cau chỉ được coi là cây cảnh quan, không nằm trong cơ cấu các loại cây trồng chủ lực ở các địa phương, trong khi cau chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch và diễn biến thị trường cũng rất khó lường.

"Hiện, cả nước đã có trên 10.000ha trồng cau, nếu bà con không tỉnh táo, nhìn thấy giá tăng mà mở rộng diện tích thì nguy cơ rủi ro rất lớn" - ông Cường cảnh báo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem