Công viên Tôn Đức Thắng, bãi biển Đồi Dương (Phan Thiết), mỗi sáng thứ bảy, chủ nhật hàng tuần là nơi tập trung của những người ưa thích nuôi các loại chó trên thế giới, mà giá mua mỗi con khá cao. Đó là những con chó thuộc giống: Alaskan, Husky, Gondel, Béc-giê lai sói và cả chó ngao Tây Tạng… Những dòng chó tưởng chừng chỉ có ở Bắc cực hay trong phim đã đem lại sự say mê, thích thú cho mọi người.
Dòng ngao Tây Tạng.
Ở Phan Thiết, dòng chó Bắc cực (nhất là chó Alaskan) được không ít người ưa thích và chọn nuôi, bởi ngoài ngoại hình đẹp, trông mạnh mẽ và đầy kiêu hãnh. Giống chó này còn khiến người ta mê vì độ “ngầu” cùng với nét hoang dã ở chúng.
Chó Bắc cực gồm có ba dòng chính: Alaskan, Husky, Smoyed, trong đó dòng Alaskan (tên đầy đủ là Alaskan Malamute) là một trong những dòng gần gũi với con người sớm nhất, đồng thời cũng là vật nuôi hỗ trợ lao động không thể thiếu của những người du mục (Eskimo).
Một con Alaskan trưởng thành có chiều cao trung bình 70cm, dài 80cm, cân nặng từ 45 - 60kg, sống từ 13 - 15 năm. Đây là giống chó có hai lớp lông dày, nhằm thích nghi với giá rét. Lớp lông bên ngoài khá dài và không thấm nước, lớp lông bên trong tuy ngắn hơn nhưng rất dày và mịn màng, đặc biệt nhất là cái đuôi xõa đều và cong ngược trên lưng, không khác gì cái bông lau.
“Tô” là tên của một con Alaskan mà chúng tôi làm quen tại công viên trên đường Tôn Đức Thắng, Phan Thiết. Bất kỳ ai thấy Tô đều tỏ ra thích thú trước dáng vẻ dũng mãnh của nó và bộ lông màu đen pha trắng. Ngược với thân hình to, khuôn mặt “ngầu” như… chó sói, Tô rất hiền lành, ai vuốt ve, đụng chạm cũng được. Khác với dòng chó Béc-giê, loại chó chuyên kéo xe cho người Eskimo này luôn thân thiện với mọi người, kể cả người lạ nên khó mà giữ nhà cho tốt.
Dòng Alaskan.
Chủ của Tô tên là Hùng, ngụ ở khu phố 3, phường Đức Nghĩa, Phan Thiết. Vừa vuốt ve Tô, anh vui vẻ cho hay: Tô thuộc dòng Alaskan “nòi”, không bị lai (đời F1, F2…), vì người chủ trước của Tô cũng là bạn Hùng - một kỹ sư dầu khí người Nga sang Việt Nam làm việc. Người này đưa Tô theo cùng khi nó còn là chú chó con. Đến lúc về nước thì người chủ không tiện mang Tô đi vì nó đã là trưởng thành, đành để lại cho Hùng nuôi như một món quà trước lúc chia tay.
Tô được chủ mới chăm lo và thương yêu không khác gì một thành viên trong gia đình. Cũng theo lời Hùng thì Tô không hề kén ăn, kể cả bánh ngọt… Tô đều “xơi” tuốt. Ngoài ra, Tô cũng như các con Alaskan khác đều rất thích chơi đùa với trẻ em hay chơi đồ chơi (trái bóng).
Sau Alaskan, dòng Husky có nguồn gốc từ vùng miền Đông Siberia cũng được nhiều người ưa chuộng. Là giống chó có gien di truyền từ họ chó sói, với bộ lông dày, kích cỡ “khủng” cùng dáng vẻ dũng mãnh, sức khỏe tốt, dòng chó Husky luôn toát lên vẻ năng động, kiên cường và đầy sức sống.
Hỏi đến Sơn (Hàm Kiệm, Hàm Thuận Nam), những người nuôi chó “khủng” ở Phan Thiết không ai là không biết, bởi Sơn đang sở hữu một lúc 4 con chó khác nhau: Một con thuộc dòng Béc-giê lai sói, một con là dòng ngao Tây Tạng được đặt tên là Bảo Bảo và một cặp giống Golden (bố, mẹ). Đều đặn vào mỗi sáng thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, anh chở các chú chó của mình xuống Phan Thiết giao lưu, gặp mặt các thành viên trong hội chó… "khủng".
Theo lời Sơn thì Cushin, 17 tháng tuổi - tên con Golden ( đầy đủ là Golden Retriever) mà anh đang nuôi là dòng chó có xuất xứ từ vương quốc Anh và là giống chó săn, truy tìm, phát hiện con mồi một cách nhạy bén và chính xác.
Như để minh chứng lời nói của mình, anh cầm chiếc mũ vải đang đội trên đầu ném thật xa ra biển. Rất nhanh, con Cushin liền phóng ngay xuống nước, bơi đến chỗ chiếc mũ vải ngoạm lấy và bơi ngược trở vào trao cho chủ trong sự reo hò của những người xung quanh. Động tác trên được Sơn lặp đi lặp lại nhiều lần và lần nào Cushin cũng không làm cho chủ… thất vọng.
Cushin có bộ lông màu vàng khá mượt, tuy thân hình to lớn (nặng khoảng 55 kg) nhưng mặt trông rất hiền lành, thân thiện, ai vuốt ve cũng được. Chúng tôi cũng như nhiều người khác thay nhau ngồi cạnh Cushin, tha hồ chụp ảnh một cách thoải mái.
Những ai đang nuôi chó ngao Tây Tạng đều nắm tường tận lai lịch của loài “siêu khuyển” này. Chúng được mệnh danh là “chúa tể của thảo nguyên”, vì là giống chó được người Tây Tạng nuôi và huấn luyện nhằm chế ngự các loài thú hung dữ khác ở thảo nguyên. Một con ngao Tây Tạng trưởng thành có thể đạt trọng lượng từ 100 – 120 kg, như con Bảo Bảo tuy mới 5 tháng tuổi nhưng cân nặng gần… 60 kg. Đây cũng là loài chó kỳ lạ nhất từ vóc dáng đến phẩm chất (trung thành, sống chết với chủ), đồng thời cũng đứng đầu trong top các loài chó đắt giá trên thế giới. Một ngao Tây Tạng con thường có giá bán từ 1.000 – 1.500 USD (tùy theo đời bố mẹ), còn con trưởng thành giống thuần chủng được “hét” giá vài trăm triệu đồng là chuyện… bình thường đối với dân chơi “siêu khuyển”.
“Ấn tượng nhất ở chó ngao Tây Tạng là ở đôi mắt và bộ lông. Mắt ngao Tây Tạng không như mắt các loài chó thông thường, nó sáng rực và rất tinh anh. Bộ lông màu đen tuyền, dày và có bờm xung quanh cổ tựa như bờm sư tử!”, Sơn vừa cầm cây lược nhỏ chải lông cho Bảo Bảo vừa giải thích.
Để nhập một chú cho ngoại vào Việt Nam là chuyện không hề dễ dàng vì đòi hỏi một số giấy tờ. Song khi đã vào rồi thì nuôi không phải là chuyện giản đơn, bởi không phải con chó nào cũng dễ dàng thích nghi với thời tiết, khí hậu Việt Nam.
Chó giống Golden.
Nuôi chó “khủng” đòi hỏi chủ nuôi phải có kiến thức nhất định, từ việc tiêm phòng theo định kỳ đến việc cho ăn, cho uống, cả việc tắm, gội và chăm sóc lông. Như Bảo Bảo chẳng hạn, nếu chăm không khéo, bộ lông (cả lông bờm quanh cổ) sẽ rất dễ rụng dần. Hay bộ lông dày của con Tô, thi thoảng anh Hùng phải cầm… tông đơ mà cắt xén bớt, nếu không lông sẽ bị xoắn lại thành nhiều lớp dày, bám chặt vào da gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
Không chỉ ăn thức ăn thường xuyên như: Ức gà, thịt bò, thịt heo… còn phải bổ sung thêm sữa tươi, can xi và một số thuốc bổ cho chúng, có như vậy lông của các “siêu khuyển” mới mượt, tránh bị rụng, vừa mất đẹp lại vừa mất… giá. Tính ra, chi phí cho khoản ăn, uống của một con chó “khủng” từ 2 - 3 triệu đồng/tháng, thậm chí hơn.
Chưa hết, cách vài ba ngày phải dẫn chúng đi… tập thể dục khoảng một tiếng đồng hồ nhằm duy trì thể lực, sự năng động, nếu không, chúng sẽ trở nên chậm chạp, béo phì, dễ mất đi dáng vẻ dũng mãnh ban đầu.
Như mấy con chó mà anh Sơn đang nuôi chẳng hạn, thỉnh thoảng chúng lại được chủ cho kéo xe (loại xe đẩy em bé) đi chơi nhiều vòng quanh sân nhà như là một cách vận động và thư dãn.
(Theo Báo Bình Thuận)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.