“Khi nghi ngờ con bị ngộ độc chì nên đưa đi xét nghiệm ngay, đừng để có các dấu hiệu ngộ độc” – TS Phạm Duệ- nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) nhận định.
Trước bán 10, nay chỉ còn 2
Bộ Y tế vừa liên tục ra thông báo ngừng lưu thông 5 lô hàng nước ngọt do Công ty TNHH URC sản xuất. Cụ thể là 2 lô trà xanh hương chanh C2 sản xuất ngày 11.1.2016 và 4.2.2016. 3 lô nước tăng lực hương dâu Rồng đỏ sản xuất ngày 14.1.2016; 19.2.2016; 10.11.2015. Xét nghiệm các lô nước này tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, Có lô vượt ngưỡng tới 9 lần. Trong khi hàm lượng chì cho phép và được công bố trên các sản phẩm C2 và Rồng đỏ này là dưới 0,05mg/l thì các sản phẩm ở các lô nói trên nói trên đều có hàm lượng chì ở mức từ 0,053mg/l - 0,46mg/l.
Em nhỏ mua C2 tại cửa hàng trên đường Láng mà không ngại “chì” vì “em chỉ thấy uống mát mát”. Ảnh: Mỵ Lương
Dạo qua một số siêu thị, đại lý, cửa hàng trên địa bàn Hà Nội sáng 24.5, phóng viên Báo NTNN nhận thấy không khí mua bán sản phẩm trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ rất ảm đạm. Một số siêu thị đã ngừng cung ứng sản phẩm trà xanh C2 và Rồng đỏ. Khi chúng tôi tìm hỏi mua trà xanh C2 tại siêu thị Intimex (Giảng Võ, Đống Đa), nhân viên phụ trách quầy nước ngọt cho biết: “Siêu thị đã ngừng bán sản phẩm trà C2 nói chung ngay khi có thông tin một số lô hàng bị nhiễm chì”.
Anh Nguyễn Văn Thắng - chủ cửa hàng tạp hóa tại ngõ 16 Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, trước đây, nhất là vào dịp hè, ngày nào cũng bán dăm bảy lốc (mỗi lốc 4 chai), có ngày bán vài chục lốc C2 trà xanh và nước tăng lực Rồng đỏ. Còn khi có thông tin C2, Rồng đỏ nhiễm chì, mỗi ngày chỉ bán được 1-2 chai cho trẻ con. Lốc trà xanh C2 đang được bày bán tại cửa hàng anh Thắng có ghi ngày sử dụng từ 8.3.2016 đến ngày 8.3.2017, không trùng với ngày sản xuất của các lô nước có chì vượt ngưỡng bị thu hồi. Song anh Thắng vẫn băn khoăn: “Không biết các lô này có được kiểm nghiệm hay không? Bày bán đây nhưng cũng lo lắm”.
TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: “Trước đó, Bộ Y tế đã lấy 5 mẫu nước trà xanh hương chanh C2 và 5 mẫu nước tăng lực hương dâu Rồng đỏ của Công ty TNHH URC (thuộc 10 lô khác nhau) để xét nghiệm thì hàm lượng chì đều ở ngưỡng an toàn. Còn 5 lô nước đang bị ngừng lưu thông không trùng với 10 lô nói trên. Theo quy định hiện hành, lô sản phẩm nào chưa đạt an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ bị ngừng lưu thông riêng lô đó, chứ không ngừng lưu thông toàn bộ sản phẩm”.
|
Bà Thanh – chủ cửa hàng hàng tạp hóa trên đường Láng (Hà Nội) cũng ngao ngán về tình trạng ế ẩm của các sản phẩm C2, nước tăng lực Rồng đỏ. “Tưởng rằng thời tiết nóng bức buôn bán dòng sản phẩm giải khát này kiếm được chút ít, song không ăn thua. Mới đây lại nghe thông tin về trà xanh C2, nước tăng lực Rồng Đỏ nhiễm chì, có khi sắp tới tôi chả dám lấy hàng nữa” – bà Thanh cho biết.
Tuy nhiên, tại khu vực gần các điểm Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội… nhiều lốc trà xanh C2 vẫn được bày bán tại một số quán nước với giá 5.000 đồng/chai. Chị Mai –bán nước tại cổng Trường Đại học Văn hoá (Đê La Thành, Hà Nội) cho hay: “Trước đây, trà xanh C2 bán lẻ cho khách có đợt đỉnh điểm 10.000 đồng/chai, dần giảm xuống bán 8.000 đồng/chai. Đợt này, giá C2 giảm mạnh so với trước mà vẫn ít khách uống. Bản thân chị cũng không dám uống. Tuy nhiên, do hàng lấy “đầu nậu” với số lượng 1- 2 thùng/tháng nên chị bán rong ruổi cho hết vì để lại cũng không trả được hàng”.
Giã từ C2, Rồng đỏ
Nhiều dân “nghiền” trà xanh C2 và nước uống Rồng đỏ tỏ ra hoang mang. Với nhiều bạn sinh viên, trong đó có Bùi Duy Hưng (sinh viên năm 2, Đại học Bách khoa Hà Nội), trà xanh C2 thường dùng trong các buổi tụ tập bạn bè. Hưng cho biết, khi có thông tin C2, Rồng đỏ nhiễm chì, Hưng đã “đoạn tuyệt” với các loại nước uống này. “Chẳng nhẽ lần nào uống cũng phải nhòm xem sản phẩm có thuộc 5 lô nước bị nhiễm chì vượt ngưỡng nói trên hay sao.
Mà cũng chẳng biết sau khi sản xuất họ có mang đi xét nghiệm không, kết quả xét nghiệm có đảm bảo trung thực không. Vì hai lô nước bị ngừng lưu thông hôm 23.5 có kết quả xét nghiệm cho thấy hàm lượng chì vượt ngưỡng từ 4-9 lần từ ngày 16.2, tại sao sau hơn 3 tháng mới thông báo ngừng lưu thông” – Hưng chất vấn.
Chai nước C2 dù không trùng ngày sản xuất với lô bị thu hồi nhưng bán vẫn rất chậm. Ảnh: M.L
Cả chồng con đều thích sử dụng C2 để giải khát, tháng nào chị Nguyễn Thị Thu Nhanh trú tại xã Hồng Dụ (Ninh Giang, Hải Dương) cũng mua 1-2 thùng C2 hương chanh và hương táo về sử dụng. Nay đọc được thông tin trà xanh C2 bị nhiễm chì, chị Nhanh giật mình. “Các thùng trước đều uống hết, vứt vỏ, vứt thùng đi rồi, không rõ là có trùng với các lô bị thu hồi hay không. Không rõ chồng con đã bị ngộ độc chì hay chưa, ảnh hưởng thế nào đến sức khoẻ. Lo nhất là hai đứa con sinh đôi mới gần 2 tuổi của tôi. Các cháu rất thích uống C2 nên cứ vài ngày lại cho 2 cháu uống 1 chai. Giờ tôi sợ các cháu đã bị nhiễm chì”.
Theo TS Phạm Duệ- nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), quy định hàm lượng chì cho phép trong nước là 0,05mg/lít có nghĩa uống nước này vào người sử dụng sẽ không bị ngộ độc chì, lượng chì có thể được thải ra ngoài cơ thể qua đường nước tiểu, mồ hôi. Nhưng đã vượt ngưỡng cho phép thì đương nhiên gây hại cho sức khoẻ, nhất là đối với trẻ em. “Mức độ ngộ độc đến đâu còn tuỳ thuộc vào số lượng nước có chì vượt ngưỡng uống vào cơ thể và tuỳ thuộc vào chức năng thận của mỗi người. Nếu thận tốt, việc đào thải chì tốt, còn nếu đào thải không tốt, chì sẽ đọng trong cơ thể, ngấm vào máu, vào xương và gây ngộ độc” – TS Duệ cho biết. /.
Ngộ độc chì - đòn chí mạng với trẻ con
Theo TS Phạm Duệ, chì có nhiều trong các chất nhuộm công nghiệp, thường được sử dụng trong sơn tường, đồ chơi và nước có màu. Chì có tác hại rất lớn, do đó các nhà sản xuất cần phải tuyệt đối tuân thủ quy định hàm lượng chì trong ngưỡng cho phép trong các sản phẩm như nước có màu, đồ chơi… Việc để “lọt” các sản phẩm có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép là vô cùng độc ác đối với thế hệ trẻ.
Cũng theo TS Duệ, ngộ độc chì cấp còn có thể dễ dàng nhận biết với các dấu hiệu chán ăn, buồn nôn, đau bụng, suy gan, suy thận, co giật, hôn mê… Tuy nhiên, nguy hại hơn cả là ngộ độc chì mãn tính với các dấu hiệu rất khó nhận biết, thậm chí cả bác sĩ cũng có thể chẩn đoán nhầm. Đặc biệt ngộ độc chì ảnh hưởng đến sự phát triển hệ thần kinh, trí tuệ và cơ thể trẻ nên đối với người lớn không đem lại hậu quả nghiêm trọng, nhưng đối với trẻ em là đòn chí mạng. “Trẻ bị ngộ độc chì nhẹ thì còi cọc, chậm lớn, thiếu máu, kém nhận thức, học tập sa sút, nặng thì tổn hại hệ thần kinh trung ương, mất trí nhớ, cơ bắp co rút gây bại liệt, rối loạn hành vi” – TS Duệ cho biết.
“Chì máu cho phép ở trẻ theo quy định hiện nay là dưới 15mcg/dl máu, tuy nhiên, theo nghiên cứu mới nhất tại Mỹ, chỉ cần chì máu ở mức 0,73mcg/dl đã ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ ở trẻ. Chỉ số chì máu càng tăng chỉ số hành vi, trí tuệ càng giảm. Do đó, các bậc cha mẹ không đợi đến khi con có các dấu hiệu ngộ độc chì như còi cọc, chậm lớn, nhận thức kém mới đưa con đi xét nghiệm. Chỉ cần nghi ngờ con tiếp xúc với chì nhiều (uống nước có hàm lượng chì vượt ngưỡng, chơi, gặm nhấm đồ chơi có chì, sờ, “ăn” sơn tường nhiều, sống trong làng nghề ô nhiễm...) nên đưa con đi khám để được chẩn đoán và điều trị đúng” - TS Phạm Duệ cho biết.
Tuấn Kiệt
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.